Trong Phật giáo, niềm tin vô cùng quan trọng. Vì “Tín là căn nguyên của đạo, là mẹ của công đức, nuôi lớn hết thảy thiện pháp, đoạn trừ lưới nghi, đưa vượt qua dòng nước ái dục, khai thị con đường tối thượng dẫn đến Niết-bàn.” Niềm tin có một sức mạnh tiềm tàng vô tận, thôi thúc con người vươn tới mục đích cao xa để thực hiện hoài bão cao đẹp của mình.
Steve Jobs là một doanh nhân, nhà sáng chế người Mỹ, người đã thổi hồn vào những chiếc điện thoại iPhone, máy nghe nhạc iPod, máy tính bảng iPad và máy tính Macbook, đưa chúng trở thành những món hàng công nghệ được săn đón nhất thế giới. Ông có một câu nói mà khiến ai cũng rất tâm đắc: “Đôi khi cuộc đời sẽ ném gạch vào đầu bạn. Đừng đánh mất niềm tin”. Sức mạnh của niềm tin đã được rất nhiều người cũng như nhiều thế hệ khẳng định. Niềm tin sẽ đưa con người ta từ vực thẳm tối tăm tiến lên phía trước, có thể cứu họ từ gục ngã mà vươn lên đỉnh điểm của vinh quang. Niềm tin mang một sức mạnh siêu nhiên mà con người luôn cần tới nó.
Trong Phật giáo, niềm tin vô cùng quan trọng. Vì “Tín là căn nguyên của đạo, là mẹ của công đức, nuôi lớn hết thảy thiện pháp, đoạn trừ lưới nghi, đưa vượt qua dòng nước ái dục, khai thị con đường tối thượng dẫn đến Niết-bàn.”[1] Niềm tin có một sức mạnh tiềm tàng vô tận, thôi thúc con người vươn tới mục đích cao xa để thực hiện hoài bão cao đẹp của mình. Tín là chi đầu tiên trong Ngũ căn (pañcindriya) và Ngũ lực (pañcabala). Tín căn là gốc của niềm tin. Tức niềm tin được xác lập một cách kiên định. Tín lực là sức mạnh của niềm tin. Khi niềm tin được xác lập thì có sức mạnh vượt trội. Sức mạnh của niềm tin có thể công phá được tất cả mọi thành trì chướng duyên, phiền não. Và khi mà tín căn được tu tập, làm cho sung mãn thì sẽ biến thành tín lực; tức là tạo nên sức mạnh, hỗ trợ hữu hiệu cho hành giả thực hành thiền định và thiền tuệ.
Trong Ngũ thường (nhân, lễ, nghĩa, trí, tín) của Nho giáo, tín có một vai trò quan trọng. Đây là lòng tin tưởng giữa người và người, là giữ trọn lời hứa để tạo lòng tin với nhau; không được bội ước, thất tín. Người mà không có chữ tín sẽ đánh mất nhân phẩm, tư cách của đạo làm người. Khổng Nho nói: “Nhân vô tín, bất lập”; có nghĩa là người không giữ chữ tín thì không đặt để vào đâu được cả; ý nói là không thể đứng được trong thế gian, không thể làm người được nữa. Tín trong ngũ thường, như vậy, là một trong năm yếu tố, điều kiện để hoàn thiện nhân văn, nhân bản theo quan niệm chung của nền minh triết Đông phương.
Người con Phật luôn thiết lập niềm tin trên nền tảng của Tứ bất hoại tín hay còn gọi là Tứ chứng tín. Ấy là tin Phật, tin Pháp, tin Tăng và tin vào Thánh giới. Đó là bốn niềm tin trong sáng, thuần tịnh và không bị hủy hoại đối với người đệ tử Phật trong bất cứ trường hợp nào. Với bốn niềm tin này, người đệ tử Phật có thể đi vào dòng dõi của Bậc Thánh, sống an vui trong từng giây phút hiện tại, do sự thấy pháp và chứng nghiệm pháp đem lại.
Tuy nhiên, bên cạnh niềm tin cần phải có trí tuệ. Nếu chỉ tin mà không có trí tuệ soi xét thì đó là niềm tin mù quáng. Do vậy, cần phải có đủ niềm tin và sự hiểu biết (tín và giải) để từ đó chúng ta đi trên lộ trình tu tập luôn được tự tại và ít có sự chướng ngại. Thành ra, tín và giải luôn song hành, hỗ trợ nhau để đi đến sự thành tựu hạnh và chứng. Đây là nấc thang đầu tiên để hướng đến Chánh đạo giải thoát. Nếu không thì chúng ta sẽ rất mù mờ, dẫn đến sai đường lạc lối. Do vậy, đức Phật phân định rõ ràng qua bốn hạng căn cơ như sau:
1. Có tín mà không có giải đó là hạng người độn căn mà lại chánh kiến.
2. Có giải mà không có tín là hạng lợi căn mà lại tà kiến.
3. Vừa có tín mà vừa có giải là hạng người vừa lợi căn mà vừa chánh kiến.
4. Không tín không giải đó là hạng vừa độn căn vừa tà kiến.[2]
Niềm tin và trí tuệ luôn đi đôi với nhau, hỗ trợ nhau trên con đường tu tập. Do đó, Ngài Long Thọ khẳng định: “Niềm tin là lối vào biển Thánh Pháp của đức Phật, và trí tuệ là con thuyền mà người ta dùng nó để vượt qua biển ấy”.[3] Sức mạnh của niềm tin sẽ thúc dục trí tuệ đi vào khám phá diệu nghĩa và nếm trãi hương vị của Phật pháp. Như vậy, niềm tin là căn bản để phát sanh thiện pháp, và niềm tin là chánh nhân để hành giả có thể nhập vào biển cả Phật pháp. Cho nên, đối với người tu học không thể không có niềm tin.
Mất niềm tin là mất phương hướng tu học và chắc chắn là sẽ thoái đọa. Khi đã kiên định trên tứ bất hoại tín, tức là tin Phật-bậc giác ngộ vẹn toàn; tin Pháp-đạo thoát ly tham dục, đưa đến giải thoát; tin Tăng-đoàn thể xuất gia tu hành cao cả, thay mặt đức Phật truyền trao chánh pháp; tin vào thánh giới-nguyên tắc phòng hộ đưa đến biệt giải thoát, và xứ xứ giải thoát; còn có một yếu tố hết sức quan trọng, đó là tin vào chính mình. Tin vào chính mình là tin vào khả năng, năng lực sức mạnh tiềm tàng trong con người chính mình. Ai cũng có khả năng, năng lực, và sức mạnh tự nội. Nhưng do thiếu niềm tin nên có khi chúng ta để thui chột các năng lực và sức mạnh tự nội đó. “Lạc quan là niềm tin dẫn tới thành tựu. Bạn chẳng thể làm được điều gì mà thiếu đi hy vọng và sự tự tin.” (Helen Keller)
Thật vậy, niềm tin có sức mạnh vô cùng kì diệu. Nó là một cảm xúc trong ý chí của con người. Nó đi liền với sự hi vọng bùng cháy trong tâm hồn. Niềm tin được ví như một động lực để giúp con người vượt qua những khó khăn thử thách trong cuộc sống. Và để vượt qua chúng thì niềm tin vào bản thân luôn là điều không thể thiếu. Niềm tin vào bản thân là sự ý thức về năng lực, phẩm chất, giá trị của bản thân, đánh giá được vị trí vai trò của mình trong cuộc sống. Niềm tin vào bản thân thực sự rất quan trọng. Bởi nó không đơn thuần là một cảm xúc thông thường. Nó còn là một động lực lớn của con người. Chắc hẳn chúng ta đã từng nghe câu: ‘mất niềm tin là mất tất cả’. Tại sao lại như vậy? Bởi thứ nhất bạn sẽ là người hiểu rõ bạn nhất. Bạn sẽ biết được toàn bộ suy nghĩ, thế mạnh, điểm yếu của chính bản thân bạn. Bạn sẽ là người duy nhất biết rõ bạn cần gì, ước mơ những gì, hi vọng điều gì cho cuộc sống. Nếu bạn mất niềm tin, bạn sẽ chẳng còn quan tâm đến những điều này nữa. Bạn sẽ chẳng còn ý chí, nghị lực để bước tiếp trên con đường mình đã chọn. Mất niềm tin, bạn sẽ chẳng còn biết mục đích sống của mình là gì, vì thế mà trở thành buông thả bất cần, lúc đó hậu quả sẽ thật khó lường. Không có niềm tin, sống buông thả, bất cứ lúc nào bạn cũng có thể sa ngã rồi đánh mất bản thân mình.
Trên con đường tu tập, niềm tin sẽ định hướng, vạch lối đưa đường cho mình bước tiếp một cách vững chãi. Đức Phật dạy, mỗi người hãy là một hòn đảo cho chính mình, đức Như Lai chỉ là bậc Đạo sư. “Khả năng tu tập của mình là nhân tố quyết định thành công. Đừng hy vọng trong chờ ở tha nhân nào khác. Phải phát triển nghị lực sẵn có của chính mình, và sự thật mỗi người đều có khả năng nghị lực đó”.[4]
Theo tinh thần của kinh Pháp hoa, mỗi người đều có Phật tánh và có khả năng thành Phật, là một vị Phật tương lai. Sự xác tính này đã mở ra cơ hội và hy vọng lớn cho tất cả mọi người. Họ tin rằng mình có khả năng làm Phật, nên họ luôn hành động, suy nghĩa và nói năng đúng đắn, chánh đáng. Nên tất cả mọi việc làm đều là Phật sự, đều mang sự lợi ích cho tất cả mọi người.
Theo Đại Thừa Khởi Tín Luận, niềm tin chân chính phải được xác lập từ nơi tâm thức của chính mình, vì chỉ tâm ấy mới có khả năng làm Phật, chứ không phải tìm vào một tâm nào khác. “Phát khởi lòng tin vào chính cái Tâm bình thường ở ngay nơi mình. Từ cái tâm bình thường đó, chúng ta sẽ đi đến đất Phật, như Chư Bồ-tát đang đi và sẽ đến như Chư Phật đã đến”.[5] Bộ luận này cũng khẳng định rằng: Tín căn của Đại thừa là chỉ cho Phật tánh đầy đủ trong mỗi chúng sanh. Phật tánh là nhân thì Phật quả mới là Niết bàn thực sự.
Niềm tin tương lai mình sẽ làm Phật đã thực sự thổi một luồng sinh khí mới mẻ vào tâm thức của tất cả mọi người. Vì rằng mai này mình là người hoàn thiện về phước đức và trí tuệ (phước trí nhị nghiêm), nên trong mọi lúc, mọi nơi, sẽ cố nỗ lực để kiện toàn về nhân cách đạo đức, xa lìa ác pháp, viễn ly các tư tưởng chấp thủ cố hữu để đi đến chân trời giải thoát đích thực. Chân trời ấy là chân trời của vô tham, vô sân, vô si, an lạc tự tại, vô ngã, niết bàn. Chính niềm tin này là nhân tố căn bản để thiết lập bất thối chuyển tâm, dù có trải qua vô lượng kiếp thì tâm này cũng không bao giờ thối đọa.
Niềm tin làm Phật ở tương lai không những giúp mọi người ý thức đến giá trị bản chất của sự sống, sự lợi lạc của cộng đồng; trái lại, nhờ niềm tin của ta đã được kiên định, nên nó có hiệu năng tiêu diệt và chuyển hóa những ác nghiệp của ta từ bao đời kiếp. Nhờ có niềm tin, nên ta tinh tấn nỗ lực hành trì theo pháp Phật một cách chí thành, không nghi ngờ, do dự, nên nghiệp nặng chuyển thành nhẹ, quả báo nặng chuyển thành quả báo không đáng kể, không những vậy mà còn có cơ hội hóa giải tam độc tham sân si nơi tự tâm của mình. Do vậy, với niềm tin kiên định, bất hoại, thì không những chuyển hóa được những nghiệp chủng của tâm thức bằng công năng của giới – định – tuệ; chuyển từ nhiễm sang tịnh, từ những nhận thức sai lầm về một bản ngã cố hữu, về con người, về chúng sinh, mà còn chuyển hóa được tất cả dư báo xấu trong quá khứ cũng như hiện tại đều theo hướng Vô thượng Bồ đề” “Người ta không thể giữ giới nếu không có niềm tin. Do giữ giới, người ta sẽ nhập vào trạng thái tâm thức của thiền định và cũng có thể đạt đến trí tuệ”.[6]
Bằng đức tin này, ta sẽ tinh cần thực hành lục độ một cách vô trú và vô tướng, chuyển hóa những vọng tưởng sai lầm đối với tự thân, đối với con người, đối với chúng sanh, đối với thọ mạng thành chánh trí và có khả năng chuyển hóa Khổ đế thành Diệt đế, hay sinh tử thành Niết-bàn, chứng nhập vô vi pháp thân, có khả năng sinh khởi tuệ giác, biến tri một cách như thực đối với mọi sự hiện hữu và không hiện hữu, rồi hưng khởi lòng từ vô biên, sử dụng vô số phương tiện thiện xảo, dạo khắp mười phương, rưới nước cam lồ, dập tắt mọi ưu não và khơi mở tuệ giác cho hết thảy muôn loài.
Thành ra, niềm tin có một sức mạnh kỳ diệu, có một năng lực mầu nhiệm. Năng lực mầu nhiệm này có thể chuyển hóa, làm thay đổi cuộc đời của bạn. Sức mạnh của niềm tin luôn thúc dục ta tiến tới, vượt qua mọi gian lao trắc trở. Sức mạnh của niềm tin sẽ là sợi chỉ hồng gắn kết con người lại với nhau trong sự thương yêu, tin tưởng. Niềm tin là chất liệu mầu nhiệm để đưa đến diệu quả thù thắng. Nhờ đó, cuộc đời sẽ trở nên ý vị hơn, với nhiều niềm tin hy vọng tràn trề. Để con người vươn tới xây dựng một tương lai tươi sáng, đẹp đẻ hơn.
[1] Tuệ Sĩ, Thắng Man Giảng luận, Viện Cao đẳng Phật học Hải Đức Nha Trang, Ban tu thư Phật học ấn hành, Pl. 2545, tr. 142.
[2] Thích Thiện Siêu, Lược Giải kinh Pháp hoa, NXB. Tôn giáo, Hà Nội, 2003, tr. 365
[3] Thích Thanh Từ, Kinh Diệu pháp liên hoa (giảng giải), NXB. Tôn giáo, Hà Nội, 2003, tr. 42.
[4] Thích Từ Thông, Pháp Hoa kinh thâm nghĩa đề cương, Thao Hối Am (lưu hành nội bộ), 1995, tr. 234.
[5] Cao Hữu Đính, Đại thừa khởi tín luận, NXB. Thừa Thiên Huế, 1996, tr. 18.
[6] Nikkyo Niwano, Phật giáo ngày nay một diễn dịch mới về kinh Pháp hoa, [Trần Tuấn Mẫn dịch], Viện nghiên cứu Phật học ấn hành, 1997, tr. 176.
Nguồn : Source link vuonhoaphatgiao.com
Hits: 17