Trong thời đại của chúng ta, cùng với sự phát triển không ngừng của công nghệ, rất nhiều cấu trúc, thiết chế xã hội cũng như quan niệm truyền thống đã và đang dần bị tác động, phá vỡ. Mạng xã hội là một điển hình như vậy.
Vài năm trở lại đây, nhiều thông tin về những sự vụ đáng tiếc diễn ra trong cộng đồng Phật giáo Việt Nam đều được lan truyền từ mạng xã hội. Bên cạnh việc gây xôn xao trong dư luận, tạo nên những ý kiến trái chiều, những sự vụ nói trên cũng đặt ra nhiều vấn đề để các cấp Giáo hội cũng như những ai lưu tâm tới nền Phật giáo nước nhà cùng suy ngẫm và tìm lời đáp phù hợp.
Đơn cử như hai sự vụ liên quan đến ứng xử của Tăng Ni trên mạng xã hội và cách thức nuôi dạy người xuất gia nhỏ tuổi xảy ra gần đây. Mặc dù Giáo hội đã đưa ra phương thức giải quyết nhanh chóng và phù hợp, tuy nhiên, hướng giải quyết căn bản dành cho mọi vấn đề nêu trên vẫn nằm ở mặt nhận thức. Không ít người trong chúng ta vẫn tán thành và cổ vũ những quan niệm giáo dục không còn mấy hợp thời như “thương cho roi cho vọt”, muốn giữ sự áp đặt tư tưởng, suy nghĩ của người lớn lên người nhỏ tuổi hơn, dù hiện nay việc thay đổi phương thức tiếp cận, hoằng pháp và giáo dục để phù hợp với tâm lý xã hội hiện đại luôn được kêu gọi và thực hiện. Chúng ta thường xuyên được học hỏi những lời dạy của Đức Phật về ý thức trong lời nói, hành động phù hợp với Chánh pháp, nhưng sự mất kiểm soát trong ứng xử trên mạng xã hội của một số Tăng Ni, Phật tử vẫn là vấn đề cần quan tâm.
Nếu không có sự thay đổi ngay từ trong quan niệm, tư duy, có lẽ không ai trong chúng ta dám chắc những sự việc đáng tiếc từng xảy ra sẽ không tái diễn. Thay đổi về tư duy, quan niệm, dám nhìn nhận thiếu sót không hề làm cho một cá nhân hay tổ chức Phật giáo yếu đi, mà là nền tảng để sửa đổi, hoàn thiện hơn cho tổ chức ấy. Đó cũng là một trong những phương thức góp phần giúp tổ chức Phật giáo đứng vững trước sự xáo động do công nghệ và thời đại gây ra, là cách để mỗi cá nhân tôi rèn sự tự chủ cho bản thân, phân biệt được đúng sai, phải trái, điều gì nên làm và không nên làm để không tổn hại đến Đạo pháp, danh dự và uy tín của tổ chức hay đoàn thể Phật giáo.
Nguồn : Source link vuonhoaphatgiao.com
Hits: 33