ĐẠI TRƯỞNG LÃO MAHĀ KAPPINA
Nguyện vọng quá khứ
Mahā Kappina tương lai, sanh vào một gia đình danh giá trong kinh thành Hamsavati, thời của Đức Phât Padumuttara. Khi vị ấy đang nghe Đức Phật thuyết pháp thì vị ấy chứng kiến một vị tỳ khưu được Đức Phật vinh danh là vị tỳ khưu Tối thắng về việc giáo giới các tỳ khưu. Vị ấy khởi tâm ưa thích địa vị đặc biệt ấy trong thời tương lai. Sau khi tổ chức cúng dường to lớn đến Đức Phật, vị ấy bày tỏ ước nguyện trước Đức Phật. Đức Phật đã thọ ký cho vị ấy.
Bài viết sau đây về những hành động tạo phước của Mahā Kappina tương lai được trích dẫn từ Chú giải của bộ kinh Dhammapada. Chú giải về kinh Aṅguttara Nikāya chỉ mô tả tóm tắt vềhành động tạo phước của vị ấy trong thời của Đức Phật Kassapa, và sau đó lướt qua kiếp cuối cùng của vị ấy.)
Kiếp sanh làm người thợ dệt trưởng
Sau khi mạng chung từ kiếp được Đức Phật thọ ký ấy, Mahā Kappina tương lai chỉ tái sanh vào những cõi hạnh phúc. Có một kiếp vị ấy sanh làm người thợ dệt lãnh đạo trong một ngôi làng lớn gần kinh thành Bārānasī. Trong thời ấy có một ngàn vị Phật độc giác thường sống ở Hi mã lạp sơn trải qua bốn tháng mùa lạnh và bốn tháng mùa nóng, nhưng lại sống gần thị trấn trong vùng ngoại ô trải qua bốn tháng của mùa mưa.
Vào một dịp nọ, một ngàn vị Phật Độc giác đi xuống gần Bārānasī và cử ra tám vị đi yết kiến vua Bārānasī để xin người xây dựng am thất. Tình cờ vào lúc các ngài yêu cầu thì đức vua đang sửa soạn lễ hạ điền hằng năm. Vừa khi đức vua hay tin có Đức Phật Độc giác đi đến, vị ấy đi ra đón tiếp các ngài và hỏi mục đích đi đến của các ngài. Khi ấy đức vua nói rằng, “ Thưa chư đại đức, không còn thời gian trống để bắt đầu công việc xây dựng. Còn ngày mai thì trẫm sẽ tham gia lễ hạ điền hằng năm. Do đó, cầu xin chư đại đức cho phép chúng con bắt đầu xây dựng tịnh xá vào ngày thứ ba kể từ hôm nay.” Sau khi nói vậy, đức vua trở về cung điện mà không nhớ thỉnh mời chư Phật Độc giác đến thọ lãnh vật thực cúng dường trong ngày hôm sau.
Chư Phật Độc giác rời khỏi hoàng cung nghĩ sẽ đi một nơi khác. Vào lúc ấy người vợ của ông thợ dệt trưởng tình cờ đang đi công việc ở thành phố. Khi bà ta trông thấy chư Phật Độc giác, bà ta đảnh lễ các ngài và hỏi các ngài tại sao ở trong thành phố trong thời gian không đúng lúc như vậy. Chư Phật độc giác kể cho bà ta nghe công việc của các ngài với đức vua. Người vợ của ông thợ dệt, do có niềm tin Đức Phật và trí tuệ bẩm sinh, đã thỉnh chư Phật Độc giác đến thọ lãnh vật thực cúng dường trong ngày hôm sau. Chư Độc giác phật trả lời rằng: “ Này tín nữ, chúng tôi số lượng quá nhiều.” “ Bao nhiêu, thưa chư đại đức?” “ Chúng tôi có cả thảy một ngàn.” “ Thưa đại đức,
có một ngàn gia đình trong ngôi làng này. Mỗi gia đình sẽ cúng dường đến một vị Phật Độc giác. Chỉ cần cho phép chúng con được cúng dường. Chúng con cũng sẽ xây dựng những am thất dành cho các ngài trong đó con sẽ đứng ra điều hành công việc.” Chư Phật Độc giác chấp nhận lời thỉnh cầu.
Người vợ của ông trưởng thợ dệt khi ấy đi quanh làng kêu gọi mọi người: “ Thưa các anh, các chị, tôi đã gặp một ngàn vị Phật Độc giác và đã thỉnh các ngài đến thọ lãnh vật thực cúng dường của chúng ta vào ngày mai. Quý vị hãy sửa soạn món cháo và cơm dẻo để cúng dường.” Ngày hôm sau, nàng đi đến chư Phật Độc giác và dẫn các ngài đến một ngôi nhà mát lớn được dựng lên ở trung tâm ngôi làng, mời các ngài vào chỗ ngồi, và đã cúng dường vật thực thượng vị. Vào lúc cuối của bữa ăn nàng và những phụ nữ khác từ trong làng đến đảnh lễ chư Phật Độc giác và bạch với các ngài: “ Thưa chư đại đức, cầu xin chư đại đức nhận lời đến trú ngụ tại ngôi làng này trong ba tháng mùa mưa.” Chư Độc giác Phật nhận lời, người vợ của ông thợ dệt đi quanh làng, nói rằng: “ Thưa các anh, các chị, chúng ta hãy xây dựng tịnh xá cho chư Phật. Mỗi gia đình hãy tham gia công việc này. Mỗi nhà một người đàn ông mang rìu, búa đẽo và những dụng cụ cần thiết. Các vị hãy đi vào rừng và kiếm về cây gỗ. Xin các vị hãy tham gia công trình xây dựng.”
Mọi người đều nhiệt tình hưởng ứng. Toàn thể ngôi làng đều tham gia vào một sự cố gắng cao quý là dựng lên một khu già lam khiêm tốn có mái lá dành cho mỗi vị Phật Độc giác, có chỗ ngụ ban ngày và ban đêm. Mỗi gia chủ đều hăng hái phục vụ chư Phật. Như vậy họ đã hoan hỉ sắp xếp trong ba tháng để đáp ứng mọi nhu cầu của các Ngài. Vào lúc kết thúc mùa an cư, người vợ của ông thợ dệt đã kêu gọi dân làng: “ Thưa các anh chị em, hãy sửa soạn vải để may y cho mỗi vị Phật Độc giác đã nhập hạ.” Như vậy mỗi gia đình mà đã xây dựng một chỗ ngụ cho một vị Phật độc giác đã cúng dường y đến mỗi vị, mỗi chiếc y trị giá một ngàn đồng tiền vàng. Sau lễ cúng dường y, chư Phật Độc giác thuyết pháp để tán dương sự cúng dường ấy, phúc chúc cho họ, rồi trở về chỗ ngụ của các ngài ở Hy mã lạp sơn.
Kiếp sanh làm gia trưởng
Tất cả dân cư trong ngôi làng của người thợ dệt sau khi mạng chung từ kiếp sống ấy, đều tái sanh vào cõi Tāvatiṃsa. Sau khi thọ hưởng lạc thú của chư thiên cho đến hết thọ mạng, toàn thể hội chúng ấy tái sanh xuống những gia đình giàu có trong kinh thành Bārāṇasī. Người trưởng thợ dệt của kiếp sống trước tái sanh vào gia đình của một gia trưởng và vợ trong kiếp trước của vị ấy cũng sanh vào gia đình của một gia chủ bậc cao. Khi họ đến tuổi lập gia đình thì những vợ chồng trong kiếp qua khứ ở ngôi làng người thợ dệt lại trở thành vợ chồng của nhau.
Một hôm hội chúng này viếng thăm tịnh xá của Đức Phật Kassapa để tham dự buổi thuyết pháp của Ngài. Vừa khi họ đi vào khuôn viên tịnh xá thì có một cơn mưa to đổ xuống. Khi ấy, những người mà có bà con thân quyến xuất gia làm tỳ khưu hoặc Sa-di thì họ đi đến những người đó để núp mưa. Một ngàn cặp vợ chồng mà làm những gia chủ thì không có chỗ trú mưa nên bị ướt sủng do ở ngoài trời. Khi ấy vị gia trưởng của những gia chủ ấy nói với họ rằng: “ Hãy nhìn xem, thưa các bạn, chúng ta bất lực như thế nào. Khi xét về chỗ đứng trong xã hội của chúng ta, chúng ta tự thấy bây giờ đang trong tình trạng bị bỏ mặc.” “ Chúng ta cần làm việc phước nào đây?” Câu hỏi này được nêu lên trong cộng đồng. “Chúng ta giáp mặt với tình trạng bỏ mặc này do vì chúng ta là những người xa lạ với chư Tăng trong tịnh xá này. Bởi vậy chúng ta hãy xây dựng một tịnh xá bằng sự hợp lực của chúng ta.” “ Lành thay, thưa trưởng gia,” mọi người đồng ý.
Khi ấy ông gia trưởng bắt đầu quỹ xây dựng với một ngàn đồng tiền vàng. Những gia chủ còn lại mỗi người bỏ vào năm trăm đồng. Những người vợ của các gia chủ bỏ vào hai trăm năm chục đồng mỗi người. Với kinh phí ban đầu này họ khởi công xây dựng một tịnh xá lớn có nóc nhọn dành cho Đức Phật Kassapa. Đó là một dự án lớn, nên tiền đóng góp bị thiếu. Bởi vậy họ bỏ thêm một nửa của tiền đóng góp ban đầu. Và bằng cách này họ mới có thể hoàn thành dự án. Rồi họ tổ chức một lễ khánh thành to lớn trong bảy ngày để dâng cúng tịnh xá đến Đức Phật, trong đó những lễ vật cúng dường đặc biệt được dâng cúng đến Đức Phật và chúng Tăng. Họ cũng dâng y đến mỗi vị A-la-hán, số lượng hai chục ngàn vị.
Niềm tin phi thường của bà vợ gia trưởng
Bà vợ gia trưởng là người có trí tuệ bẩm sanh. Bà đã thể hiện niềm tin to lớn vượt trội với việc phước mà cộng đồng gồm một ngàn gia chủ giàu có đang thực hiện. Khi những chiếc y được dâng cúng đến Đức Phật và chúng Tăng, nàng cũng dâng cúng những bông hoa màu vàng của cây Asoka đến Đức Phật bên cạnh những chiếc y cũng màu vàng kim, cúng dường đặc biệt đến Đức Phật, trị giá một ngàn đồng tiền vàng. Khi Đức Phật Kassapa thuyết pháp để tán dương công đức cúng dường đại tịnh xá, người vợ gia trưởng, để chiếc y đặc biệt của nàng dưới chân Đức Phật, rồi phát nguyện như vầy: “ Bạch Thế Tôn, trong tất cả những kiếp tương lai của con, cầu xin cho con có nước da màu vàng kim như những bông hoa Anojā này, và cầu xin cho con có cái tên của bông hoa ấy – Anojā.” Và Đức Phật nói rằng: “ Cầu chúc cho ước nguyện của con được thành tựu viên mãn.”
Đời sống Sa môn trong kiếp chót
Cộng đồng các gia chủ đã trải qua cuộc đời còn lại làm các việc phước. Sau khi mạng chung từ kiếp sống ấy họ tái sanh vào cõi chư thiên. Vào thời xuất hiện của Đức Phật Gotama, họ mạng chung từ kiếp sống chư thiên ấy, người trưởng của bọn họ sanh vào hoàng gia ở Kukkutavati và được đặt tên là hoàng tử Mahā Kappina. Khi đến tuổi trưởng thành vị ấy lên ngôi vua với tên là vua Mahā Kappina. Các gia chủ còn lại tái sanh vào các gia đình quí tộc và trở thành các vị quan
trong triều đình của vua Mahā Kappina. Người vợ của vị gia trưởng sanh vào gia đình hoàng gia tại Sāgala trong nước Madda. Công chúa Madda có nước da màu vàng kim và nàng được đặt tên là công chúa Anojā đúng như nàng đã có lời ước nguyện.
Khi công chúa Anojā đến tuổi trưởng thành, nàng trở thành hoàng hậu của vua Mahā Kappina. Những người vợ của các gia chủ trong kiếp trước của họ lại trở thành vợ của những ông chồng của họ trong kiếp trước. Một ngàn vị quan và những người vợ của họ thọ hưởng những vinh hoa của đời sống như đức vua và hoàng hậu. Khi đức vua và hoàng hậu ngồi trên lưng con voi thì một ngàn vị quan và vợ của họ cũng ngồi trên lưng voi. Khi đức vua cỡi trên lưng ngựa thì họ cũng cỡi trên lưng ngựa, và khi đức vua ngồi trên xe ngựa kéo thì cũng ngồi trên xe ngựa kéo. Sở dĩ như vậy là vì tất cả họ đã cùng nhau làm các việc phước trong những kiếp quá khứ của họ.
Các sứ giả của vua đem đến tin tức kỳ diệu
Vua Mahā Kappina có năm con ngựa thuần chủng, đó là Bala, Balavāhana, Puppha, Puppha-vāhana và Supatta. Vua chỉ sử dụng con ngựa Supatta và cho những tay cỡi ngựa của hoàng gia sử dụng bốn con kia. Bổn phận của bốn tay kỵ mã kia là đi lấy thông tin hằng ngày cho vua. Họ được phục vụ ăn uống một cách thích hợp vào buổi sáng và sau đó vua sai họ đi làm nhiệm vụ hằng ngày với lệnh truyền: “ Này những người tốt, hãy đi một quãng đường xa hai đến ba do tuần quanh kinh đô Kukkuṭavatī, mỗi người đi về một hướng, và hãy thâu thập tin tức về sự xuất hiện của Đức Phật, đức Pháp và đức Tăng trong thế gian. Khi các người nghe được tin tốt lành này thì hãy vội vã mang về cho trẫm.” Bốn viên kị mã phóng ngựa đi về bốn hướng từ bốn cổng thành, đi xa ba do tuần mỗi ngày, và rồi trở về hoàng cung, mà không có tin tốt lành mà đức vua hằng mong chờ.
Tin tức kỳ diệu về Tam Bảo
Một hôm, khi vua Mahā Kappina viếng thăm vườn thượng uyển cỡi trên con ngựa Supatta, có một ngàn vị quan theo hầu, vị ấy trông thấy một đoàn thương nhân gồm năm trăm người tất cả đều trông mệt mỏi, đi vào kinh đô. Đức vua suy nghĩ: “ Những thương nhân này có chuyến đi mệt mỏi. Có lẽ họ có tin tức gì mới để nói ra.” Vị ấy cho gọi họ đến và nói với họ rằng: “ Này các hiền nhân, các ngươi từ đâu đến?” “ Tâu đại vương, có một kinh thành tên là Sāvatthi cách kinh đô Kukkuṭavatī này một trăm hai mươi do tuần. Chúng tôi đến từ kinh thành Sāvatthi ấy.” “ Này các hiền nhân, hãy nói cho trẫm biết nếu có tin tức đặc biệt nào đang xảy ra ở Sāvatthi.” “Tâu đại vương, chúng tôi chẳng có tin tức gì mới lạ. Tuy nhiên, có Đức Phật xuất hiện ở Sāvatthi.”
Khi nghe qua tiếng “ Buddha” thì đức vua vô cùng hoan hỉ với năm loại hỉ lạc đến nỗi vị ấy ngất đi trong một lúc. “ Cái gì, người đã nói gì?” “ Tâu đại vương, Đức Phật đã xuất hiện trong thế gian.” Cả ba lần đức vua đều ngất xỉu như vậy do sự hoan hỉ quá mạnh. Đến lần thứ tư đức vua lại hỏi: “ Ngươi đã nói gì?” “ Tâu đại vương, Đức Phật đã xuất hiện trong thế gian.” “ Ồ các người, các người đã đem đến cho ta thông tin tốt lành là Đức Phật đã xuất hiện trong thế gian. Ta ban thưởng cho các ngươi một trăm ngàn đồng tiền bằng bạc do đã đem đến cho ta tin tức quí báu này.”
Rồi vua Mahā Kappina hỏi thêm, “ Còn tin mới nào khác không?” “ Có, tâu đại vương, đức Pháp đã xuất hiện trong thế gian.” Khi nghe qua chữ “ Pháp – dhamma”, đức vua lại tràn ngập hoan hỉ mạnh mẽ đến nỗi vị ấy ngất đi trong một lúc. Ba lần đức vua lập lại câu hỏi này và cả ba lần xem ra vị ấy đều ngất xỉu trong một lúc. Vào lần thứ tư vị ấy lại được nghe: “ Tâu đại vương, đức Pháp đã sanh lên trong thế gian.” Đức vua nói: “ Vì các ngươi đã đem đến cho trẫm tin tức quí báu này nên trẫm thưởng cho các ngươi một trăm ngàn đồng.”
Rồi đức vua hỏi them: “ Này các bạn, còn tin mới nào khác không?” “Có, tâu đại vương,” họ nói, “ đức Tăng đã sanh lên trong thế gian.” Khi nghe qua chữ “Tăng – Sangha” đức vua lại tràn ngập hoan hỉ mạnh mẽ và ngất xỉu trong một lúc như trước. Điều này xảy ra ba
lần khi vị ấy được nghe tin tức tốt lành. Trong lần thứ tư đức vua nói với các thương nhân: “ Vì các ngươi đã đem đến cho trẫm tin tức quí báu này nên trẫm thưởng cho các ngươi một trăm ngàn đồng.”
Sự xuất gia của vua Mahā Kappina
Khi ấy đức vua nhìn vào một ngàn vị quan và nói rằng: ‘ Này các khanh, các khanh sẽ làm gì bây giờ?” “ Các quan cũng hỏi vua cùng câu hỏi đó: “ Tâu đại vương, đại vương định làm gì bây giờ?” “ Này các khanh, xét thấy rằng chúng ta đã được hay tin là Đức Phật đã sanh lên, đức Pháp đã sanh lên, đức Tăng đã sanh lên, chúng ta không định trở lại hoàng cung của chúng ta. Chúng ta sẽ đi từ đây đến chỗ Đức Phật ngự, và trẫm sẽ trở thành tỳ khưu đệ tử của Ngài.” Các quan bèn nói rằng: “ Tâu đại vương, chúng thần cũng trở thành tỳ khưu với đại vương.”
Vua Mahā Kappina sai khắc lên đĩa vàng lệnh truyền của vị ấy là chi ra ba trăm ngàn đồng tiền và trao nó cho những thương nhân. “ Hãy đi, này các bạn,” vị ấy nói với họ, “ hãy dâng lên bức thông điệp này cho hoàng hậu ở hoàng cung, và nàng sẽ thay mặt trẫm chi cho các ngươi ba trăm ngàn đồng tiền. Hãy thông báo với hoàng hậu Anojā rằng đức vua đã từ bỏ ngai vàng và vương quốc cho hoàng hậu rồi và hoàng hậu có thể trị vì quốc gia. Nếu nàng hỏi: ‘ Đức vua đang ở đâu?’ thì các người nên nói cho nàng biết rằng đức vua đã đi đến Đức Phật để xuất gia tỳ khưu.” Một ngàn vị quan cũng gởi những thông điệp về sự từ bỏ của họ đến những người vợ của họ. Khi các vị thương nhân đi đến hoàng cung thì đức vua cỡi trên con ngựa Supatta và, được tháp tùng bởi một ngàn vị quan, ra đi để xuất gia tỳ khưu.
Mahā Kappina được Đức Phật đón tiếp
Đức Phật khi dò xét chúng sanh hữu tình hằng ngày thì thấy rằng vua Mahā Kappina đã nghe tin về sự xuất hiện của Đức Phật, đức Pháp và đức Tăng từ các vị thương nhân, rằng vị ấy đã cúng dường
Tam bảo bằng cách ban thưởng ba trăm ngàn đồng tiền, và vị ấy đang từ bỏ thế gian và sẽ đến vào ngày hôm sau. Đức Phật cũng thấy rằng vua Mahā Kappina và một ngàn vị quan của vị ấy cũng sẽ chứng đắc đạo quả A-la-hán cùng với Tứ vô ngại giải tuệ. “ Lành thay nếu ta đi đón tiếp vua Mahā Kappina,” Đức Phật quán xét. Và giống như một vị Chuyển luân vương đón tiếp một vị vua chư hầu, Đức Phật mang theo y bát, một mình rời khỏi tịnh xá để đón tiếp vua Mahā Kappina trên đường đi, trên một quãng đường dài một trăm hai mươi do tuần từ Sāvatthi, tại đó Ngài ngồi dưới cội cây bồ đề một bên của con sông Candabhāgā, phát ra hào quang sáu màu của một vị Phật.
Mahā Kappina vượt qua ba con sông
Vua Mahā Kappina và một ngàn vị quan của vị ấy đang cỡi ngựa trên đường đi xuất gia thì gặp một con sông.
“ Đây là con sông gì?” vị ấy hỏi các quan.
“ Đây là con sông Aparacchā, tâu đại vương,” họ đáp. “ Nó lớn bao nhiêu?”
“ Tâu đại vương, nó sâu một gāvuta và rộng hai gāvuta.” “ Có chiếc bè nào để vượt qua không?”
“ Thưa không, tâu đại vương.” Đức vua suy nghĩ như vầy: “ Trong khi chúng ta đang tìm một chiếc tàu để vượt qua con sông này, thì sự sanh đưa chúng ta đi đến tuổi già, và sự già đang dẫn chúng ta đến cái chết. Ta có niềm tin tuyệt đối trong Tam bảo và đã đi xuất gia. Do oai lực của Tam bảo, cầu xin vùng nước này không gây chướng ngại cho ta.” Sau đó, khi quán xét những ân đức tối cao của Đức Phật, như Đức Phật, bậc Ứng cúng, Chánh biến tri, Thế Tôn’, vị ấy thốt lên câu kệ sau đây:
Bhavasotaṃ have Buddho, tiṇṇo lokantagū vidū, Etena saccavajjena, gamanaṃ me samijjhatu.
Đức Phật Toàn tri quả thật đã vượt qua những trận lụt chứa những kiếp sống luân hồi trong ba cõi. Sau khi đã vượt qua những trận lụt, Đức Phật đã đạt đến chỗ cuối cùng của thế giới và biết rành rẽ tất cả các pháp. Do lời chân thật này, cầu xin cho chuyến đi (xuất gia của tôi đến Đức Phật) được thành tựu không bị chướng ngại.
Vua Mahā Kappina, khi đang đọc lên câu kệ này, thì vượt qua con sông cùng với tất cả một ngàn vị quan trên lưng ngựa. Nước trong con sông rộng hai gāvuta không làm ướt ngay cả móng chân của những con ngựa. Khi đức vua đi tiếp thì vị ấy đi đến một con sông khác.
“ Đây là con sông gì?” vị ấy hỏi các quan.
“ Đây là con sông Nīlavāhinī, tâu đại vương,” họ nói. “ Nó lớn bao nhiêu?”
“ Tâu đại vương, nó sâu nửa do tuần và rộng nửa do tuần.”
( phần hỏi thêm của đức vua về tàu qua sông và sự suy nghĩ của vị ấy về tính chất cấp bách của chuyến đi cũng giống như trường hợp trước.) Rồi khi quán xét về những ân đức tối cao của đức Pháp như “ Pháp được khéo thuyết giảng, v.v…” vị ấy nói lên câu kệ này và vượt qua con sông cùng với một ngàn vị quan:
Yadi santigamo maggo, mokkho caccantikaṃ sukhaṃ; Etena saccavajjena, gamanaṃ me samijjhatu.
Thánh đạo, pháp Siêu thế, Đạo, Quả thật dẫn đến sự an lạc của Niết bàn. Niết bàn được chứng đắc qua Thánh đạo hạnh phúc tuyệt đối. Do lời chân thật này, cầu xin cho chuyến đi (xuất gia của tôi đến Đức Phật) được thành tựu không bị chướng ngại.
Vua Mahā Kappina, khi đang đọc lên câu kệ này, thì vượt qua
con sông cùng với tất cả một ngàn vị quan trên lưng ngựa. Nước trong
con sông rộng nửa do tuần không làm ướt ngay cả móng chân của những con ngựa.
Bên kia con sông Nīlavāhinī có một con sông khác phải vượt qua. Vị ấy hỏi các quan,
“ Đây là con sông gì?”
“ Đây là con sông Candabhāgā, tâu đại vương,” họ nói. “ Nó lớn bao nhiêu?”
“ Tâu đại vương, nó sâu một do tuần và rộng một do tuần.”
( Cũng như trước, vua suy ngẫm tánh chất cấp bách của chuyến đi). Sau đó, khi quán xét về những ân đức tối cao của Tăng bảo như “ Chư Thinh văn đệ tử Phật có chánh hạnh,” vị ấy nói lên câu kệ sau đây và vượt qua con sông cùng với một ngàn vị quan:
Samgho ve tiṇṇakantāro, puññakkhetto anuttaro, Etena saccavajjena, gamanaṃ me samijjhatu.
Chư thánh Tăng quả thật đã vượt qua vùng đất hoang của luân hồi, và là phước điền vô thượng. Do lời chân thật này, cầu xin cho chuyến đi (xuất gia của tôi đến Đức Phật) được thành tựu không bị chướng ngại.
Khi đang đọc lên câu kệ này, vua Mahā Kappina vượt qua con sông cùng với tất cả một ngàn vị quan trên lưng ngựa. Nước trong con sông rộng một do tuần không làm ướt ngay cả móng chân của những con ngựa.
( Ba câu kệ do vua Mahā Kappina thốt lên được trích dẫn từ bộ Mahā Kappina Therāpadāna) .
Mahā Kappina gặp Đức Phật và sự xuất gia Sa-môn
Khi đức vua đã vượt qua con sông Candabhāgā, vị ấy rất đỗi kinh ngạc khi trông thấy hào quang sáu màu phát ra từ Đức Phật đang
ngồi dưới cội cây bồ đề. Toàn thể cây, thân, các tán lá và nhánh đều tràn ngập ánh sáng vàng, đức vua biết ngay rằng ‘ánh huỳnh quang này không phải là tia nắng của mặt trời cũng không phải của mặt trăng, cũng không phải của vị deva hay Māra hay naga hoặc garuda, mà chắc thật là hào quang của Đức Phật Gotama, vì Đức Thế Tôn đã trông thấy ta đi đến và đang đón tiếp ta!’
Vào lúc ấy vua Mahā Kappina xuống ngựa và cúi mình đi đến Đức Phật. Khi tiến gần đến những tia hào quang của Đức Phật, vị ấy cảm thấy tựa như đang chìm trong một khối chất lỏng mát mẻ khi đi xuyên qua những tia hào quang của Ngài. Vị ấy cùng với một ngàn vị quan đảnh lễ Đức Phật và ngồi xuống nơi phải lẽ. Khi ấy Đức Phật thuyết pháp đến họ bằng bài pháp tuần tự gồm có (1) Phước bố thí, (2) Phước trì giới, (3) Phước dẫn đến cõi trời, và (4) Sự chứng đắc Đạo Tuệ. Vào lúc kết thúc thời pháp vua Mahā Kappina và một ngàn vị quan của vị ấy chứng đắc quả thánh Nhập lưu.
Tất cả họ đều đứng lên và xin phép Đức Phật cho họ xuất gia trong Tăng chúng. Đức Phật xem xét quá khứ của họ xem họ có thích hợp để thọ nhận y bát được tạo ra bởi những năng lực thần thông của Đức Phật không và thấy phước quá khứ của họ đã cúng dường y đến một ngàn vị Phật Độc giác và trong thời của Đức Phật Kassapa họ đã cúng dường y đến hai chục ngàn vị A-la-hán, là phước tích lũy của họ để nhận lãnh y và bát được tạo ra bởi những năng lực thần thông của Đức Phật. Khi ấy Đức Phật chìa ra bàn tay phải của Ngài và nói rằng, “ Hãy đến, này các tỳ khưu, hãy thọ nhận đời sống tỳ khưu như các con đã yêu cầu. Các con đã nghe Chánh pháp rồi. Bây giờ hãy tinh tấn thực hiện sự giải thoát của các con bằng ba học pháp.” Ngay lúc ấy vua Mahā Kappina và một ngàn vị quan đều được chuyển đổi tướng mạo của cư sĩ thành tướng mạo của các vị tỳ khưu, có sáu mươi hạ lạp, được trang bị đầy đủ các món vật dụng của vị tỳ khưu như bình bát, v.v… được tạo ra bởi ý nguyện của Đức Phật. Tất cả họ đều bay lên không trung, rồi xuống đất, đảnh lễ Đức Phật, ngồi (ở nơi phải lẽ).
Hoàng hậu Anojā gặp các thương nhân
Các vị thương nhân đi đến triều đình Kukkuṭavatī xin yết kiến hoàng hậu Anojā, báo tin cho nàng biết rằng họ đã gặp đức vua. Sau khi được sự đồng ý của hoàng hậu là sẽ tiếp kiến họ, họ đi vào hoàng cung, thi lễ với hoàng hậu, rồi ngồi xuống nơi thích hợp. Sau đó một cuộc đàm thọai diễn ra giữa hoàng hậu và họ:
Hoàng hậu: Này các vị, điều gì đưa các vị đến triều đình chúng
tôi?
Các thương nhân: Thưa hoàng hậu, chúng tôi được đức vua chỉ đến đây để xin lãnh ba trăm ngàn đồng tiền thưởng.
Hoàng hậu: Này các vị, các vị đã đưa ra một yêu cầu lớn. Các vị đã làm được điều gì hữu ích cho đức vua để được ban tặng món tiền thưởng hậu hĩnh như vậy?
Các thương nhân: Thưa hoàng hậu, chúng tôi chẳng làm điều tốt gì cho đức vua cả ngoại trừ truyền đạt một tin mới lạ khiến đức vua hoan hỉ.
Hoàng hậu: Các vị có thể kể cho ta nghe tin mới lạ ấy là gì
không?
Các thương nhân: Dạ vâng, thưa hoàng hậu.
Hoàng hậu: Vậy thì hãy bắt đầu đi.
Các thương nhân: Thưa hoàng hậu, Đức Phật đã xuất hiện trong thế
gian.
Khi nghe tin ấy thì hoàng hậu, cũng như đức vua, tràn ngập hoan hỉ và ngất đi trong một lúc. Điều này xảy ra ba lần. Đến lần thứ tư khi nghe tin ấy nàng hỏi các thương nhân: “ Thưa các vị, đức vua đã ban thưởng cho các vị bao nhiêu về việc báo tin cho vị ấy về ‘ Đức Phật’?” “ Đức vua đã thưởng cho chúng tôi một trăm ngàn về việc ấy.”
“ Phần thưởng của đức vua một trăm ngàn cho việc đem tin kỳ diệu và phi thường như vậy là không thích hợp, không tương xứng. Về phần ta, ta thưởng cho các vị, là những thần dân nghèo của ta, ba trăm ngàn đồng. Nhưng các ngươi còn đem tin nào khác cho đức vua?” Các thương nhân tâu rằng họ cũng báo cho đức vua biết về sự sanh lên của
đức Pháp và sự xuất hiện của đức Tăng. Hoàng hậu đã tràn ngập hoan hỉ đến nỗi ngất đi trong một lúc ba lần sau mỗi lần nghe những tin kỳ diệu ấy. Đến lần báo tin thứ tư, về đức Pháp, rồi tin về đức Tăng, hoàng hậu đã thưởng cho họ ba trăm ngàn đồng về mỗi tin tức kỳ diệu ấy. Như vậy các vị thương nhân đã nhận được chín trăm ngàn đồng tiền thưởng của hoàng hậu, cộng thêm ba trăm ngàn tiền thưởng của đức vua, tổng cộng là một triệu hai trăm ngàn (mười hai trăm ngàn).
Rồi hoàng hậu hỏi các vị thương nhân rằng đức vua đang ở đâu và họ nói cho nàng biết rằng đức vua đã xuất gia tỳ khưu làm đệ tử của Đức Phật. Hoàng hậu lại hỏi: “ Đức vua đã nhắn tin cho ta như thế nào?” Các vị thương nhân nói rằng đức vua giao lại ngai vàng và vương quốc cho hoàng hậu là người kế ngôi vị ấy làm nữ hoàng. Rồi hoàng hậu dò hỏi về một ngàn vị quan. Các vị thương nhân trả lời là một ngàn vị quan cũng xuất gia tỳ khưu.
Sự từ bỏ thế gian của hoàng hậu Anojā
Hoàng hậu cho gọi những bà vợ của một ngàn vị quan và một cuộc bàn luận xảy ra như sau:
Hoàng hậu: Các chị em thân mến, những người chồng của các chị em đã xuất gia rồi và trở thành tỳ khưu cùng với đức vua. Các chị em sẽ làm gì bây giờ?
Các bà vợ: Thưa hoàng hậu, những người chồng của chúng tôi đã nhắn tin gì đến chúng tôi?
Hoàng hậu: Chồng của các chị em đã để lại tất cả tài sản của họ cho các chị em. Các chị em bây giờ là chủ của gia đình.
Các bà vợ: Thưa hoàng hậu, hoàng hậu dự định sẽ làm gì?
Hoàng hậu: Thưa các chị em, đức vua Maha Kappina của ta vô cùng hoan hỉ khi nghe tin về sự xuất hiện của Tam bảo và đã thưởng ba trăm ngàn đồng, đến những người đem tin, như là một dấu hiệu tôn vinh Tam bảo, ngay cả lúc vị ấy đang trên đường đi. Giờ đây đức vua đã từ bỏ thế gian khi xem sự vinh quang của vương quyền giống như nước
bọt đã nhổ ra. Về phần ta thì tin tức về sự xuất hiện của Tam bảo được đón nhận ngang bằng như thế. Ta đã ban thưởng chín trăm ngàn đồng tiền đến các vi thương nhân mà đã đem đến cho ta tin tức ấy như là dấu hiệu của sự tôn vinh Tam bảo. Sự vinh quang của một hoàng đế là nguồn gốc của sự đau khổ đối với ta nhiều như đối với đức vua. Xét thấy rằng đức vua đã từ bỏ quyền cai trị cho ta, nếu ta tiếp nhận nó thì cũng giống như hứng lấy bãi nước bọt đã được nhổ ra một cách thích thú. Ta không ngu như thế. Ta cũng sẽ từ bỏ thế gian và trở thành Sa-môn, làm đệ tử của Đức Phật.
Các bà vợ: Thưa hoàng hậu, chúng tôi cũng theo hoàng hậu đi xuất
gia.
Hoàng hậu: Lành thay nếu các chị em làm được như thế. Các bà vợ: Thưa hoàng hậu, chúng tôi làm được.
Hoàng hậu: Vậy chúng ta hãy đi.
Hoàng hậu bước lên chiếc long xa, mỗi bà vợ của một ngàn vị quan cũng vậy đều bước lên những chiếc xe ngựa của họ và lên đường đi đến Sāvatthi. Trên đường đi họ gặp con sông đầu tiên. Hoàng hậu bảo người đánh xe tìm kiếm dấu và đoán ra một cách chính xác vì đức vua có niềm tin sâu đậm nơi Tam bảo mà vị ấy từ bỏ thế gian, đức vua chắc đã thực hiện sự tác chứng để vượt qua con sông. Ta cũng vì Tam bảo mà từ bỏ thế gian. Cầu xin oai lực của Tam bảo khắc phục vùng nước nầy và khiến cho nó mất đi đặc tánh nước của nó. Và khi đang quán xét những ân đức cao quý của Tam bảo, nàng cho xe của nàng cùng một ngàn xe ngựa khác vượt qua con sông. Và trông kìa! Nước trong con sông cứng đặc lại như tảng đá khiến cho những chiếc xe đi qua không bị ướt ngay cả viền ngoài của bánh xe. Ở hai con sông khác mà ngăn trở chuyến đi của hoàng hậu và một ngàn nữ nhân họ cũng vượt qua mà không gặp khó khăn gì giống như chuyến đi xuất gia của đức vua vậy. (Tài liệu trên được lượm lặt từ Chú giải của bộ Dhammapada).
Sau khi nàng đã vượt qua con sông Candabhāgā, chướng ngại vật thứ ba, hoàng hậu Anojā trông thấy Đức Phật đang ngồi dưới cội cây Bồ đề. Đức Phật biết rằng nếu những người đàn bà này mà trông thấy những người chồng của họ thì luyến ái sẽ xâm lấn họ khiến cho họ không thể nghe Phật thuyết pháp, và như vậy sẽ là chướng ngại lớn cho việc chứng đắc Đạo trí. Bởi vậy Đức Phật vận dụng những năng lực thần thông của Ngài khiến cho những nữ nhân sẽ không thấy những người chồng của họ đang ngồi quanh Đức Phật. Sau đó Đức Phật thuyết pháp đến họ và cuối thời pháp tất cả họ đều chứng đắc quả thánh Nhập lưu. Vào lúc ấy họ có thể trông thấy những người chồng của họ. Khi ấy Đức Phật nguyện cho trưởng lão ni Uppalavaṇṇā đến chỗ mà các nữ nhân đang ngồi. Trưởng lão ni Uppalavaṇṇā đã thâu nhận hoàng hậu Anojā và những người bạn đồng hành của nàng vào Ni chúng, sau đó trưởng lão ni đưa họ về tịnh xá của các tỳ khưu ni. Đức Phật một ngàn vị tỳ khưu về Jetavana tịnh xá bằng con đường hư không.
Đức Phật nói lên bài kệ liên quan đến Mahā Kappina
Sau đó đại đức Mahā Kappina thực hành Thánh đạo và chứng đắc đạo quả A-la-hán. Khi biết rằng vị ấy đã hoàn thành phận sự của một vị tỳ khưu, đại đức Mahā Kappina đã dành hầu hết thời gian trú trong thánh quả A-la-hán và không màn thuyết pháp đến một ngàn tùy tùng của vị ấy, từng là những vị quan. Khi đang trú ở nơi thanh vắng, dầu là cội cây hoặc một nơi nào khác, vị ấy thường nói lên những lời thích thú: “ Ôi, hạnh phúc thay! Ôi, hạnh phúc thay!” Khi các vị tỳ khưu khác nghe được câu nói này họ nghĩ rằng đại đức Mahā Kappina đang hồi tưởng về những khoái lạc vương quyền của vị ấy và bạch lại với Đức Thế Tôn điều mà họ đã được nghe. Đức Phật nói với các vị tỳ khưu: “ Tỳ kheo Mahā Kappina đang tán thán hạnh phúc của Đạo và Quả,” và trong trường hợp ấy đã nói lên câu kệ sau đây:
Dhammapīti sukhaṃ seti, vippasannena cetasā,
Ariyappaveditē dhamme, sadā ramati paṇḍito.
(Này các tỳ khưu:) người thấm nhuần Pháp siêu thế sống hạnh phúc với tâm thanh tịnh. Người trí luôn luôn tìm vui thích trong Pháp (tức là Ba mươi bảy pháp trợ bồ đề) đã được giảng giải bởi chư Thánh như Đức Phật.
Vào lúc kết thúc thời pháp nhiều vị Thinh văn đã chứng đắc các tầng Đạo Tuệ khác nhau. Dhammapada, v.79, và Chú giải của nó.)
Lời giáo giới của trưởng lão Mahā Kappina đến những đệ tử của vị ấy
Rồi một hôm, Đức Phật gọi một ngàn vị tỳ khưu đến (mà đã từng là những vị quan) và hỏi họ rằng trưởng lão Mahā Kappina có cho họ lời giáo giới nào không. Các vị tỳ khưu nói rằng thầy của họ tức trưởng lão Mahā Kappina chưa bao giờ cho họ lời giáo giới nào, không chỉ dạy họ mà vị ấy luôn trú trong pháp chứng của A-la-hán quả, và không khuyến giáo bất cứ đệ tử nào. Đức Phật hỏi trưởng lão Mahā Kappina: “Này Kappina, có thật là con không cho một lời khuyến giáo nào đến những đệ tử thân cận của con?” Đại đức Kappina đáp lại: “ Bạch Thế Tôn, đúng vậy ạ.”
“ Brahmana Kappina, không nên kéo dài tình trạng như vậy. Từ nay trở đi, hãy thuyết pháp đến các đệ tử thân tín của con.”
“ Lành thay, bạch Thế Tôn,” trưởng lão Mahā Kappina đáp lại. Và chỉ một bài pháp được thuyết ra, một ngàn vị tỳ khưu đều chứng đắc đạo quả A-la-hán. (Đây là sự hoạch đắc của đại đức ấy là vị tỳ khưu Tối thắng).
Sự hoạch đắc danh hiệu etadagga
Trong một dịp, khi Đức Phật tổ chức một cuộc hội họp các vị tỳ khưu, Ngài đã công bố:
Etadaggaṃ bhikkhave mama sāvakānaṃ bhikkhūnaṃ bhikkhuovādakānaṃ yadidaṃ Mahā Kappino.
Này các tỳ khưu, trong số các tỳ khưu đệ tử của Như Lai mà cho lời giáo giới đến các vị tỳ khưu thì tỳ khưu Mahā Kappina là Tối thắng.
Hits: 22