1.Dīpaṅkarā Buddhavaṁsa (Lịch sử Đức Phật Nhiên Đăng)

 

( Trích trong Đại Phật Sử ty-khuu Mingun Sayadaw )

CHƯƠNG IX - PHẦN I - LỊCH SỬ 24 VỊ PHẬT TỔ - ĐỨC PHẬT DIPANKARA

Nội Dung Chính [Hiện]

CHƯƠNG 9. LỊCH SỬ 24 VỊ PHẬT TỔ 

1.  Dīpaṅkarā Buddhavaṁsa (Lịch sử Đức Phật Nhiên Đăng)

Tác  giả  bàn  sơ  về  chữ  Miến  Buddhavan,  bắt  nguồn  từ  chữ  Pāḷi Buddhavaṁsa. Rồi tác giả nói tiếp như sau: Định nghĩa về chữ Buddhavaṁsa  là  như  thế  này:  Ito  heṭṭha  kappasatasahassādhikesu catūsu asaṅkhyeyyesu uppaññānaṃ pañcavīsatiyā Buddhānam, uppaññkappādi paricchedavasena  paveniviṭṭhārakathā  Buddhavaṁso nāma.

Từ định nghĩa này, ý nghĩa của chữ Buddhavaṃsa nên được hiểu là “Sự mô tả và trình bày về dòng dõi của 25 vị Phật, những bậc đã xuất hiện trải qua 4 A-tăng-kỳ và 100 ngàn đại kiếp, với 32 chi tiết như các đại kiếp có liên quan, tên của các Ngài, thọ tộc (họ), gia đình, v.v… là Buddhavaṃsa.”

Đầu biên niên sử của tất cả những vị Phật này cùng với những chi tiết về các Ngài như các đại kiếp, v.v… được gọi là Buddhavaṃsa. Khi mỗi Ngài được nói đến thì chữ Buddhavaṃsa cũng có thể áp dụng cho tiểu sử của mỗi vị Phật. Ví dụ: Chữ Tăng (Saṅgha) là từ dùng để gọi hội chúng các bậc Thánh, tuy nhiên mỗi vị Thánh cũng có thể được gọi là Tăng hay Thánh Tăng.

Do đó, nên hiểu rằng trong phần Dīpaṅkārā Buddhavaṁsa này, tiểu sử (với đại kiếp mà Đức Phật xuất hiện, v.v…) của Đức Phật Nhiên Đăng sẽ được đề cập đến.

Trong bộ kinh Buddhavaṃsa, tiểu sử về Đức Phật Nhiên Đăng không nói rõ chi tiết về những sự kiện xảy ra vào lúc thọ sanh và vào lúc chào đời. Chỉ bấy nhiêu đây được đề cập về Ngài trong Sumedhakathā – Câu chuyện về ẩn sĩ Sumedha.

Evaṃ me siddhipattassa vasibhutassa sāsane

Dīpaṅkaro nāma jino uppajji lokanāyako

Uppajjante ca jāyate bujjhante dhammadesane

caturo nimitte nāddasiṃ jhānarati samappito.

(Bồ tát Sumedha, vị ẩn sĩ, nói rằng: “Khi ta được thành tựu về Sa- môn pháp như vậy (thiền định và thần thông) thì Đức Phật Nhiên Đăng, Đức Thế Tôn xuất hiện.

Vì mãi nhiếp tâm trong sự an lạc của thiền định nên ta đã bỏ qua không chứng kiến được những hiện tượng kỳ diệu xảy ra trong bốn trường hợp thọ sanh, đản sanh, thành đạo và chuyển pháp luân của Ngài.”

Như vậy bộ kinh Buddhavaṃsa chỉ nói tóm tắt về sự xuất hiện của Đức Phật Nhiên Đăng trong câu chuyện về ẩn sĩ Sumedha. Chỉ trong bộ Chú giải Buddhavaṃsa chúng ta mới thấy được câu chuyện đầy đủ về Đức Phật Nhiên Đăng, với các chi tiết về các biến cố được sắp theo thứ tự bắt đầu từ chương nói về sự tái sanh của Ngài ở cõi trời Đâu suất đà (Tusitā).

Cách đây (kiếp hiện tại này là Hiền kiếp – Bhadda kappa) bốn A- tăng-kỳ và một trăm ngàn đại kiếp, trong đại kiếp Saramanda (là kiếp có bốn vị Phật xuất hiện) có ba vị Phật lần lượt xuất hiện trong thế gian, đó là Đức Phật Taṅhankara, Đức Phật Medhankara và Đức Phật Saranankara. Sau đó đến trung kiếp Antara kappa, đó là kiếp suy vì thọ mạng của loài người giảm còn một trăm ngàn tuổi.

Khi ấy tại kinh đô Ramavati, đức vua trị vì là Sudeva. Suốt thời gian trị vì của vị vua ấy, Bồ tát Nhiên Đăng đang thọ hưởng hạnh phúc của đời sống chư thiên ở cung trời Đâu Suất đà (Tusitā) sau khi Ngài đã thực hành viên mãn tất cả các pháp Ba-la-mật. Chư thiên từ mười ngàn thế giới đồng cu hội trước Bồ tát Nhiên Đăng và thỉnh cầu Ngài giáng sanh trần thế để thành Phật cứu độ chúng sanh. Đáp lại lời thỉnh cầu của họ, Bồ tát thọ sanh vào lòng của hoàng hậu Sumedhā, là chánh hậu của vua Sudeva, vào ngày rằm của tháng Āsalha (khoảng tháng 6 dương lịch), lúc mặt trăng giao hội với sao Uttarāsalha. Sau khi được chăm sóc kỹ lưỡng bởi đông đảo tùy tùng thị nữ và sau mười tháng tròn, Bồ tát chào đời.

Vào lúc thọ sanh và lúc đản sanh của Ngài, xuất hiện ba mươi hai hiện tượng kiết tường như mười ngàn thế giới rung chuyển, v.v….

Ba mươi hai hiện tượng này thường xảy ra trong bốn trường hợp thọ sanh, đản sanh, thành đạo và chuyển pháp luân của mỗi vị Bồ tát. Những hiện tượng này có chung đối với tất cả các vị Bồ tát và sẽ được mô tả khi đến phần kể về lịch sử của Đức Phật Gotama. Tuy nhiên trong bộ Chú giải kinh Buddhavaṃsa, ba mươi hai hiện tượng này và những sự kiện phụ được kể chi tiết ở chương nói về sự thọ sanh của Bồ tát Nhiên Đăng.

Sau đó, Thái tử Nhiên Đăng được nuôi dưỡng và lớn lên trong cung vàng điện ngọc, và khi đến tuổi trưởng thành Ngài bước lên kế thừa ngôi vị đế vương.

Khi thành vị hoàng đế, Ngài sống trong ba cung điện bằng vàng – cung điện thiên nga (haṃsa pāsāda), cung điện chim cò (koñca pāsāda) và cung điện chim công (mayūra pāsāda), luân phiên như vậy suốt mười ngàn năm. Có khoảng ba trăm ngàn nữ hầu xinh đẹp, trang sức lộng lẫy. Chánh hậu của Ngài là hoàng hậu Padumā và con trai là hoàng tử Usabhakkhandha.

Khi đang thọ hưởng đời sống đế vương trong ba cung điện như ở cõi chư thiên, Thái tử Nhiên Đăng trên đường đi dạo chơi ở vườn thượng uyển, Ngài trông thấy một người già, một người bịnh và một người chết do các thiên sứ hóa hiện. Đầy kinh cảm (saṁvega), Ngài rời khỏi vườn thượng uyển và trở về hoàng cung. Ba lần như vậy, Ngài đều trông thấy các cảnh già, bịnh và chết. Khi muốn trở lại vườn thượng uyển lần thứ tư, Ngài cho gọi quản tượng đến và nói rằng: “Hôm nay ta sẽ đến ngoạn cảnh ở vườn thượng uyển. Hãy khởi tập những con voi.” “Thưa vâng, tâu bệ hạ,” người quản tượng nói và trở về sắp xếp đoàn voi. Mặc bộ y phục rực rỡ do vị thiên Vissakamma dâng, với tám mươi bốn ngàn con voi và một đoàn đại hùng binh theo hầu, Ngài cỡi trên con voi kiết tường và đi đến vườn thượng uyển. Sau khi xuống khỏi lưng con voi và đi ngoạn cảnh khắp khu vườn, ngồi trên tảng đá mát lạnh, dễ chịu, Ngài khởi chí xuất trần từ bỏ thế gian. Rồi Phạm thiên Mahā Brahmā, một vị A-la-hán ở cõi Ngũ tịnh cư (Suddhāvāsa), đem đến tám món vật dụng và đặt ở một chỗ để Bồ tát có thể trông thấy. Trông thấy tám món vật dụng, Bồ tát hỏi chúng là gì. Khi biết đó là đồ dùng cá nhân của vị Sa-môn, Ngài bèn cởi bỏ long bào, áo mão và trao cho vị quan quản khố, rồi dùng thanh kiếm cắt tóc và ném lên không trung.

Khi ấy, Sakka, vua của chư thiên, cầm cái ô bằng vàng hứng lấy mớ tóc và tôn trí trong bảo tháp Makuta. Bảo tháp ấy bằng ngọc lục bảo, rộng ba do tuần, được xây dựng trên đỉnh núi Tu-di (Meru).

Bồ tát mặc những chiếc y do Phạm thiên dâng cúng, rồi tung lên trời bộ y phục cũ của Ngài, được Phạm thiên tiếp nhận và đem tôn trí trong bảo tháp Dussa, cao mười hai do tuần, ở cõi Ngũ tịnh cư.

Mười triệu người nghe tin thái tử đã xuất gia cũng noi theo gương Ngài xuất gia làm Sa-môn.

Cùng với những vị Sa-môn đã đi theo gương của Ngài, Bồ tát thực hành pháp khổ hạnh gọi là Dukkaracariyā. Vào ngày rằm tháng tư (Vesākha) là ngày mà Ngài sẽ thành Phật, Bồ tát đi vào thị trấn để  khất thực. Đó là ngày trùng hợp với ngày mà dân chúng trong thị trấn sửa soạn món cơm sữa để cúng thần. Tuy nhiên vật thực ấy lại được dâng cúng đến Bồ tát và mười triệu tùy tùng của Ngài.

Sau khi độ xong món cơm sữa, Bồ tát trải qua suốt ngày trong rừng cây sa-la ở vùng lân cận và đến chiều, sau khi bỏ lại tất cả tùy tùng, Ngài một mình đi đến cây đại bồ đề.

Sự Thành đạo và Chuyển pháp luân

Trên đường đi, Bồ tát nhận lấy tám nắm cỏ từ một người dị giáo tên là Sunanda, và ngay khi mớ cỏ vừa rải xong dưới cội cây bồ đề thì Vô địch bảo tọa (Aparājita-pallaṅka) có kích thước năm mươi ba hắc tay xuất hiện.

(Nói về bảo tọa có kích thước năm mươi ba hắc tay, một số vị cho rằng kích thước ở đây ám chỉ bề cao và số khác thì cho rằng đó là bề rộng như đã được tìm thấy trong các bộ Phụ chú giải dưới thời kỳ Inwa. Những lời giải thích chi tiết này sẽ được bàn đến khi chúng ta đi đến câu chuyện về Đức Phật Gotama).

Ngồi kiết già trên ‘vô địch bảo tọa’ dưới cội cây Bồ-đề, Bồ tát thể hiện bốn mức độ tinh tấn và chiến thắng Ma-vương cùng đồng bọn. (Bốn mức độ tinh tấn nghĩa là sự tinh tấn ở bốn mức độ khi (i) da, (ii) gân, (iii) xương, và (iv) thịt và máu khô cạn). Trong canh đầu Ngài chứng đắc Túc mạng trí, Pubbenivāsa ñāṇa ( trí giúp người ta có thể biết được những kiếp quá khứ). Canh giữa, Ngài chứng Thiên nhãn trí, Dibbacakkhu ñāṇa (trí thấy được những cái vi tế ở rất xa mà mắt thường không thể thấy được). Vào canh cuối, Ngài quán pháp Duyên khởi, Paticcasamuppada theo thứ tự xuôi và ngược rồi dừng lại. Sau đó Ngài nhập vào tứ thiền qua pháp niệm Hơi thở (Ānāpāna) ; xuất khỏi tứ thiền và quán về năm uẩn, Ngài thấy rõ năm mươi đặc tính liên quan đến sự sanh và diệt của các uẩn này và rồi phát triển Minh sát tuệ (Vipassanā) đến Tuệ chuyển tộc (Gotrabhū ñāṇa). Khi mặt trời vừa mọc thì pháp này dẫn đến sự thông đạt đạo quả A-la-hán tất cả những ân đức của một vị Phật và dẫn đến Phật quả tối thượng trong 3 cõi.

Sau khi đã chứng đắc Phật quả, Đức Phật trải qua bảy ngày ở từng nơi trong bảy chỗ quanh cây bồ đề, thọ hưởng sự an lạc của Quả Định (Phala-samāpatti). Rồi nhận lời thỉnh cầu của Phạm thiên, Đức Phật thuyết bài pháp đầu tiên, Chuyển pháp luân kinh (Dhammacakka- pavattana Sutta), ở tại khu rừng Sunandārāma và sau thời pháp có một ngàn triệu nhân loại, chư thiên và Phạm thiên giác ngộ Tứ Diệu Đế.

Vào lúc thành đạo và lúc Chuyển pháp luân của Ngài, ba mươi hai hiện tượng kiết tường xảy ra.

Nhưng hiện tượng này (ở bốn trường hợp khi Bồ tát Nhiên Đăng thọ sanh, đản sanh, thành đạo và chuyển pháp luân) đã xảy ra mà ẩn sĩ Sumedha không hề hay biết vì vị ấy mãi an trú trong sự an lạc của thiền định.

Chuyến hành trình của Đức Phật

Sau khi thuyết giảng bài pháp đầu tiên, Đức Phật Dīpaṅkarā khởi hành để đem lại lợi ích cho nhân loại, chư thiên và Phạm thiên. Trong khi đang ngụ ở tịnh xá Sudassana trong thành Rammavatī, theo lời mời của cư dân, Đức Phật đi để thọ lãnh vật thực của họ. Trong khi Ngài đang độ thực thì quả đất chấn động dữ dội do kết quả của sự quán xét về các pháp Ba-la-mật của ẩn sĩ Sumedha. Dân chúng lấy làm kinh sợ và hỏi Đức Phật về nguyên nhân của trận động đất. Đức Phật dạy rằng không có gì phải sợ hãi vì nguyên nhân là do sự quán xét về các pháp Ba-la-mật của ẩn sĩ Sumedha, dân chúng bèn kéo  nhau đến viếng ẩn sĩ và tán dương vị ấy không ngớt lời. Sau đó ẩn sĩ Sumedha trở về chỗ ngụ của vị ấy ở trong rừng. Tất cả những điều này được kể lại trong câu chuyện Sumedha. Những chi tiết còn lại là như sau:

Khi dân chúng thành Rammavati đã cúng dường vật thực đến Đức Phật Dīpaṅkarā và bốn trăm ngàn vị tỳ khưu của Ngài, họ bày tỏ sự tôn kính Đức Phật bằng những bông hoa, vật thơm, v.v… và rồi ngồi xuống ở chỗ ngồi phải lẽ để lắng nghe Ngài thuyết pháp.

Rồi Đức Phật Dīpaṅkarā thuyết giảng đến hội chúng như vầy:

(1)  Dānaṃ nāma sukhādīnaṃ nidānaṃ paramaṃ mataṃ dibbānaṃ, pana bhogānaṃ patiṭṭhāti pavuccatī.

Dāna nên được hiểu là nguyên nhân cao quý để đem lại hạnh phúc ở cõi người, cõi trời và Niết bàn. Nó được xem là nền tảng cho những thú vui ở cõi chư thiên.

“Bắt đầu bằng những lời này, bài pháp thoại khả ái về sự thực hành bố thí (dānakathā) được ban ra.”

(2)    Sīlaṃ nām etaṃ idhaloka-paraloka sampatīnaṃ mūlaṃ.

Sīla là nguồn gốc của mọi hình thức thịnh vượng ở đời này và đời sau.

Bằng cách này và nhiều cách khác, bài pháp thoại về giới (sīlakathā) được nói ra một cách chi tiết.

(3) Tiếp theo, Đức Phật Dīpaṅkarā thuyết giảng về các chỗ ngụ chư thiên (Saggakathā) để giải thích về giới dẫn đến hạnh phúc ở cõi chư thiên. “Cõi chư thiên khả ái, khả lạc, khả hỉ và thật sự hạnh phúc. Cõi chư thiên này đem lại sự vui sướng và hoan hỷ miên viễn. Chư thiên ở cõi Tứ đại thiên vương (Catumahārājika deva) hưởng hạnh phúc suốt chín triệu năm theo cách tính của loài người.” Nhân đây, Đức Phật thuyết giảng sự thành đạt hạnh phúc của chư thiên.

(4)   Sau khi khiến mọi người khởi tâm tịnh tín và hưng phấn bằng pháp thọai này để họ có sự vui thích trong sự thực hành bố thí và trì giới, Đức Phật tiếp tục giảng dạy rằng ngay cả hạnh phúc của chư thiên cũng không vĩnh hằng, cho nên ta không nên quá tham luyến nó. Bằng cách này, Đức Phật chỉ ra những điều bất lợi, tánh bất tịnh và tánh chất không xứng đáng của các dục lạc, đồng thời Ngài cũng dạy những lợi ích từ sự xả ly chúng. Ngài kết thúc thời thuyết giảng bằng bài pháp thoại về Niết bàn bất tử.

Qua pháp thoại này, Đức Phật đã tiếp độ toàn thể hội chúng tham dự thính pháp, một số được an trú trong Tam quy, một số trong Ngũ giới, số khác chứng quả Nhập lưu (Sotāpatti-phala), Nhất lai (Sakadāgāmiphala), Bất lai (Anāgāmi-phala) và một số an trú trong A-la-hán đạo quả (Arahatta-phala). Một số được an trú trong Tam minh, số thì an trú trong Lục thông và số khác an trú trong Bát thiền. Rồi Đức Phật rời khỏi thành Rammavati và trở về tịnh xá Sudassana.

Ba Thắng thời thuyết pháp của Đức Phật Dīpankāra (Dhammābhisamaya)

Sau khi trải qua bốn mươi chín ngày quanh khu vực của đại thọ Bồ đề, Đức Phật Dīpaṅkarā thuyết giảng bài pháp đầu tiên – Chuyển pháp luân kinh trong khu rừng Sunandārāma theo lời thỉnh cầu của Đại Phạm thiên và đã ban phát Diệu pháp, nước bất tử đến một ngàn triệu chư thiên và nhân loại.

(Đây là Dhammābhisamaya thứ nhất)

Tiếp theo, khi biết rằng con trai của Ngài là hoàng tử Usabhakkhandha có trí tuệ đã thành thục, Đức Phật Dīpaṅkarā bèn thuyết pháp và ban phát Diệu pháp, nước bất tử, đến chín trăm triệu chư thiên và nhân loại (cũng như Đức Phật của chúng ta đã thuyết bài kinh Cūla Rahulovāda và an trú cho hoàng tử Rāhula trong quả thánh A-la-hán).

(Đây là Dhammābhisamaya thứ hai)

Cuối cùng, sau khi đã thắng phục các ngoại đạo sư gần cây Sirīsa tại cổng thành Rammavati và thị hiện Song thông gồm nước và lửa, Đức Phật đã thuyết giảng Tạng A-tỳ-đàm (Abhidhamma) khi đang ngồi trên tảng đá Paṇḍukambala dưới cội cây Pāricchattaka ở cung trời Đao lợi thiên (Tāvatiṃsa), và đã ban phát Diệu pháp, nước bất tử, đến chín trăm triệu chư thiên và nhân loại dẫn đầu là vị thiên mà trong kiếp trước của ngài, là mẹ của Đức Phật.

(Đây là Dhammābhisamaya thứ ba).

Ba kỳ đại hội Thánh Tăng – Sannipāta

Có ba trường hợp đại hội của chư Thinh văn đệ tử của Đức Phật Nhiên Đăng, một là ở khu rừng Sunandārāma, ở đó các vị A-la-hán từ khắp các miền đến dự hội, số lượng lên đến một ngàn triệu vị.

(Đây là Sannipāta thứ nhất)

Tiếp theo là kỳ họp của các vị Thanh văn đệ tử diễn ra tại núi Nārada. Một lần nọ, trong khi đang trên đường du hành hóa độ chúng sanh cùng với bốn trăm ngàn vị tỳ khưu, Đức Phật Dīpaṅkarā đã đến tại ngọn núi xinh đẹp Nārada – nơi có đầy đủ những đặc tánh kỳ diệu.

Ngọn núi này do một vị Dạ xoa tên là Nāradeva chiếm cứ và hằng năm dân chúng thường đem người đến tế lễ.

Thấy rằng dân chúng cần được tế độ vì những phước báu của họ trong quá khứ, Đức Phật bỏ lại chúng tỳ khưu rồi một mình đi lên ngọn núi ấy. Dạ xoa nổi giận và làm cho ngọn núi rung chuyển để dọa Đức Phật bỏ đi. Khi thấy Đức Phật vẫn bình thản uy nghiêm dù đã dùng đủ cách để dọa dẫm Ngài, vị ấy tự nghĩ rằng: “Vị đại Sa-môn này quả thật phi thường! Vị ấy quả thật hùng mạnh! Quả của những điều ác mà ta đã làm sẽ dội trở lại với ta. Không có chỗ nương tựa nào khác dành cho ta ngoài vị đại Sa-môn này, như một người bị trượt té trên đất phải nương vào chính chỗ đó mà đứng dậy, giờ đây ta sẽ quy y với vị Sa-môn này.”

Với ý nghĩ này, dạ xoa dập đầu dưới chân Đức Phật, hai lòng bàn chân của Ngài có một trăm lẻ tám hảo tướng, rồi dạ xoa sám hối và xin quy y với Ngài. Đức Phật ban bài thoại Dānakathā, Sīlakathā, v.v… theo tuần tự. Cuối thời pháp của Ngài, Naradeva và tùy tùng gồm mười ngàn dạ xoa đều được an trú trong quả thánh Nhập lưu.

Vào ngày Naradeva chứng Nhập lưu thánh quả, dân chúng từ khắp xứ Jambudīpa, mỗi làng đem đến một người để tế lễ dạ xoa. Họ cũng mang theo những lượng lớn dầu mè, gạo, các loại đậu, bơ, sữa, mật ong, mật đường, v.v…. Naradeva đã trả lại tất cả thực phẩm cúng tế cho chủ của chúng, còn những người là vật tế thì vị ấy dâng đến Đức Phật.

Rồi Đức Phật truyền phép xuất gia ‘Thiện lai tỳ khưu – Ehi- bhikkhu’ cho những người này và giúp họ chứng đạt đạo quả A-la-hán trong vòng bảy ngày. Vào ngày rằm tháng giêng (Magha), giữa hội chúng gồm một ngàn triệu vị A-la-hán, Đức Phật ban lời giáo huấn về Pāṭimokkha đến hội chúng Thánh Tăng có bốn đặc điểm. 

Vị Ehi-bhikkhu không cần phải kiếm  y,  bát,  v.v… để  trở thành  vị Sa-môn, khi được Đức Phật gọi câu “Hãy đến, này tỳ khưu” thì  tướng mạo cư sĩ của vị này biến mất, vị này tự nhiên có tướng mạo của vị sa- môn chửng chạc, sáu mươi hạ tỳ khưu.

Bốn đặc điểm là:

(1)  Tất cả những người tham dự đều là những vị thiện lai tỳ khưu;

(2)  Tất cả những vị tham dự đều có Lục thông;

(3)  Tất cả những vị tham dự đều đến mà không cần đến sự triệu gọi của Đức Phật.

(4)   Đại hội diễn ra vào ngày rằm, ngày lễ Uposattha. (Đây là Sannipāta lần thứ hai)

Một dạo nọ, Đức Phật Dīpaṅkarā an cư kiết hạ ở núi Sudassana. Khi mùa an cư đã qua, dân chúng của xứ Diêm phù đề (Jambudīpa) đi đến núi để tổ chức lễ hội hằng năm. Tình cờ họ gặp Đức Phật, nghe Ngài thuyết pháp và đầy hoan hỷ họ xuất gia trở thành những vị Sa- môn. Khi Đức Phật thuyết pháp cho họ một lần nữa vào ngày Đại tự tứ (Mahā pavāranā) (trăng tròn tháng Assayuja – tháng 9) thì các tỳ khưu mới xuất gia đều chứng đắc đạo quả A-la-hán, qua các giai đoạn của Tuệ quán và Đạo là quả của sự thiền quán của họ về các pháp hữu vi trong ba cõi. Đức Phật tổ chức lễ Tự tứ với chín trăm ngàn triệu vị A-la-hán.

(Đây là Sannipāta lần thứ ba)

Những bài pháp thông thường do Đức Phật Dīpaṅkarā thuyết, dẫn đến sự giác ngộ Tứ Diệu Đế cho vô số chúng sanh.

Lúc bấy giờ, giáo pháp hoàn toàn thanh tịnh của Đức Phật đã lan truyền khắp nơi. Vô số chúng sanh – nhân loại, chư thiên và Phạm thiên đã lãnh hội giáo pháp ấy. Giáo pháp toàn vẹn và hoàn hảo bởi những ân đức tương tự như vậy.

Đức Phật Dīpaṅkarā, bậc thông suốt Tam giới, luôn có bốn trăm ngàn vị A-la-hán Thanh văn đệ tử theo hầu – các Ngài là những bậc rất uy lực, có đầy đủ lục thông. 

Trong suốt thời kỳ giáo pháp của Đức Phật Dīpaṅkarā, những người chết mà vẫn còn là bậc hữu học (sekkha) khi đang phấn đấu để chứng đắc đạo quả A-la-hán nhưng không thành, tất cả đều bị xem thường.

Giáo pháp của Đức Phật Dīpaṅkarā phổ cập khắp thế gian và tiếp tục chói sáng chừng nào còn những vị A-la-hán, những bậc đã chiến thắng kẻ thù phiền não, vô nhiễm đối với các cảnh dục và đã thoát khỏi các pháp bất tịnh và các lậu hoặc.

Những chi tiết đặc biệt về Đức Phật Dīpankarā

Nơi đản sanh của Đức Phật Dīpaṅkarā là thành phố Rammavatī. Phụ vương là vua Sudeva và mẫu hậu là hoàng hậu Sumedhā.

Hai đại đệ tử tay trái và tay mặt là trưởng lão Sumaṅgala và trưởng lão Tissa.

Thị giả là trưởng lão Sāgata.

Hai  đại  đệ  tử  nữ là trưởng lão Ni Nandā và trưởng lão Ni Sunandā. Cây đại bồ đề là cây Pipphala.

Hai cận sự nam là Tapussa và Bhallika. Hai cận sự nữ là Sirimā và Soṇā.

Ngài cao tám mươi hắc tay. Ngài rực rỡ như cột lửa phát sáng, như cây đại sala đang độ nở hoa.

(Lợi ích của những chi tiết đặc biệt này là – Nếu không có những chi tiết này thì người ta dễ hiểu lầm rằng Ngài là vị chư thiên, ma vương, dạ xoa hoặc Phạm thiên. Người ta có thể nghĩ rằng, đối với một vị thiên như vậy thì những sự kiện phi thường có xảy ra cũng không lạ lùng gì. Điều này sẽ dẫn đến quan niệm sai lầm là giáo pháp của Ngài không đáng nghe. Như vậy sẽ không có sự Giác ngộ chân lý (sự chứng đạt giải thoát). Ngược lại, những chi tiết đặc biệt sẽ làm khởi sanh niềm tin chân chánh rằng: “Đây quả thật là một con người đầy hùng lực.” Với niềm tin như thế, chúng sanh sẽ lắng nghe Giáo pháp của Ngài và nhờ đó giác ngộ được chân lý giải thoát luân hồi.)

Hào quang tự nhiên từ thân của Đức Phật Dīpaṅkarā tỏa rộng khắp các hướng, xa mười hai do tuần. Thọ mạng của Ngài là một trăm ngàn năm.

Thêm một chi tiết đặc biệt khác, được nêu ra trong các bộ Chú giải nhưng không có trong chánh kinh.

Khi còn sống cuộc đời thế tục, Đức Phật Dīpaṅkarā có ba cung điện: Haṃsa, Koñca và Mayūra.

Ngài có ba trăm ngàn cung nữ. Chánh hậu là Padumā Devī, con trai là Usabhakkhandha. Thời gian trị vì của Bồ tát là mười ngàn năm.

Khi Ngài từ bỏ thế gian, Ngài ra đi bằng voi. Khi thành Phật, Ngài sống ở khu vườn Nandārāma.

Sống trải qua thời gian dài như vậy, Đức Phật đã cứu độ cho vô số chúng sanh thoát khỏi đau khổ.

Sau khi đã làm cho ba phần của Giáo pháp như pháp Học (Pariyatti), pháp Hành (Patipatti) và pháp Thông đạt (Pativedha) chiếu sáng khắp thế gian, và sau khi đã giải thoát cho vô số chúng sanh, Đức Phật Dīpaṅkarā và chúng Thinh văn đệ tử của Ngài cuối cùng cũng viên tịch Đại Niết bàn, như ngọn lửa lớn chợt tắt sau khi đã chiếu sáng rực rỡ khắp mười phương.

Quán về Vô thường, v.v… ( Saṃvega )

Sự chói sáng của Đức Phật Dīpaṅkarā, những tướng hảo của hai bàn chân, và hội chúng của Ngài gồm bốn trăm ngàn vị Thánh thanh văn đệ tử – tất cả đều là những vị A-la-hán – Tất cả đều diệt mất. Ôi, tất cả pháp hữu vi đều vô thường! Chúng quả thật là vô ngã!

Sự xây dựng bảo tháp

Như vậy Đức Phật Dīpaṅkarā, bậc đã thông đạt Tứ Thánh Đế, cuối cùng đã viên tịch đại Niết bàn tại khu vườn Nandārāma. Cũng trong khu vườn ấy, ngôi bảo tháp (cetiya) đã được dựng lên, cao ba mươi do tuần, dành cho Đức Phật Nhiên Đăng, Dīpaṅkarā – Xá lợi của Ngài được tôn trí trong đó. Dân chúng khắp xứ Diêm phù đề đã kéo đến để đóng góp vào việc xây dựng bảo tháp bằng bảy loại ngọc.

 Dīpaṅkarā Buddhavaṃsa

Hits: 8