Hỏi: Con là một phật tử tại Việt Nam con đang học lớp 12. Gia đình con là một gia đình với truyền thống Nho giáo và Lão giáo sâu sắc. Nhưng con đã sớm thoát khỏi hai hệ tư tưởng nặng nề đó để đến với Đạo Bụt. Những hình ảnh sinh hoạt gia đình con Bụt, hình ảnh của Tăng thân, hình ảnh của ngôi chùa Phước Viên cổ kính thanh tịnh ngay giữa Biên Hòa náo nhiệt, hay bữa cơm chay đạm bạc lần đầu tiên thưởng thức đã in sâu vào tâm trí con. Hồi nhỏ, con đi chùa bởi vì đến chùa vui. Còn bây giờ con đi chùa vì đã có trong mình những suy nghĩ mang tên: “mục đích”. Con muốn đem Đạo Bụt về quê, con muốn ai cũng có duyên lành được biết tới những lời dạy của Bụt…
Hiện nay con đang đứng trước hai ngã rẽ của cuộc đời. Con có ý đi xuất gia từ hồi học lớp 7, và cho tới bây giờ ước mơ ấy ngày càng cháy bỏng trong con. Con đang suy nghĩ, một là học xong đại học rồi đi tu, hai là học xong đi làm một hai năm cho bố mẹ vui lòng rồi đi tu vẫn chưa muộn. Nhưng con cũng thấy, nếu con đi tu bây giờ thì sau 4 năm con đã làm được rất nhiều việc tốt lành rồi. Khó khăn một điều là bố mẹ con không chấp nhận điều đó, khi con nói ý định của mình thì mẹ con đã khóc rất nhiều và nói rằng: “Nhà này sẽ không có chuyện như vậy”. Con buồn lắm, con cũng đã nghĩ tới việc trốn đi tu, nhưng không có sự đồng ý của cha mẹ thì chẳng có vị thầy nào tiếp nhận con cả. Đang lúc này đây, con đang bối rối lắm, xin Sư ông và Tăng thân cho con những lời chỉ dẫn.
Đáp:
Thầy Pháp Thiên chia sẻ cùng bạn:
Bạn thân mến! Trong cái xã hội mà nhu cầu hưởng thụ đang ngày càng “leo thang”, không ít bạn trẻ đã bị cuốn vào dòng xoáy ấy để rồi phải chịu thương tích dai dẳng cả cuộc đời. Có thêm một người trẻ có được những suy nghĩ như bạn hẳn là một tin vui đối với cuộc sống.
Bạn mến! Mình rất đồng cảm với bạn. Bởi lẽ cách đây 9 năm, mình cũng đã đứng ở “thế” như bạn ngày hôm nay: tâm bồ đề thì “rừng rực cháy” mà song thân thì chẳng hiểu cho. Mẹ mình cũng đã từng nói tương tự như mẹ bạn: “Nhà này vô phước nên mới có con đi tu”. Mình giận và trách mẹ đã cản ngăn. Nhưng sau đó thì nhận ra rằng, mẹ nói vậy; bởi mẹ chưa hiểu (gia đình mình thuần túy tín ngưỡng đạo thờ cúng tổ tiên, và ba mẹ không hiểu nhiều về đạo Phật). Hơn nữa, đó cũng là một cách thể hiện tình thương của ba mẹ dành cho con cái thôi. Bởi vì, ba mẹ nghĩ rằng: “Nó sẽ cực khổ khi đi tu, và mình sẽ mất nó mãi mãi”. Bạn đã trải qua cái cảm giác sắp mất một cái gì quý giá chưa? Tình yêu thông thường của người đời là vậy đó; “hơi” có chút vướng mắc.
Muốn mẹ chấp nhận nguyện vọng của mình thì cần phải giúp mẹ hiểu. Nhưng vội vàng, thiếu khéo léo sẽ làm hỏng mọi việc. Yếu tố giúp mình thành công trong việc thuyết phục mẹ là thời gian cộng với một chút sự kiên nhẫn, sự mềm dẻo, và nhất là không nên trách móc giận hờn, xa lánh mẹ. Tự làm thuyết khách cho chính mình mà rời bỏ đối tượng sao mong thuyết phục được đối tượng phải không? Hãy giúp mẹ tiếp xúc với đạo Phật qua những băng giảng, sách, những mẩu chuyện có thực (những khổ đau được chuyển hóa, những tệ nạn được thay đổi, những mảnh đời vượt lên được nhờ có phương pháp thực tập của đạo Bụt); nhưng mỗi ngày một ít thôi, vì thuốc có hay mức nào đi nữa mà nhiều quá thì cũng phản tác dụng. Bạn có thể một mặt tự làm thuyết khách cho chính mình một mặt nhờ người có tiếng nói trọng lượng, có được niềm tin và sự tin tưởng của mẹ làm thuyết khách giúp. Nhưng điều quan trọng, điều có giá trị quyết định thay đổi được cục diện vẫn là nơi chính bạn.
Xuất gia cũng như xuất giá vậy. Nhà gái cần biết được một cách rõ ràng, nhà trai có ổn định không? Có đảm bảo được cuộc sống cho con gái mình không? Bạn đã thể hiện được gì để thuyết phục được mẹ bạn rằng, “nhà trai” có thể “đảm bảo” cho cuộc sống của bạn? Cái cụ thể nhất mà bạn có thể giúp “nhà gái” hiểu được “nhà trai” là cách vận dụng những phương pháp thực tập của đạo Phật trong cách hành xử hằng ngày của bạn với những người thương và những người xung quanh. Đó là điều bạn cần làm nhất lúc này.
Bạn mến! Chữ tu có nghĩa là sửa. Chuyện sửa đổi không liên quan nhiều lắm đến việc mình có cạo đầu hay không cạo đầu, mặc áo nâu hay mặc áo “màu”. Những lời Phật dạy dành cho tất cả mọi người; tu sĩ cũng được hưởng mà cư sĩ cũng được hưởng. Bạn biết không, có nhiều cư sĩ đã thực tập rất giỏi; họ có nhiều chuyển hóa trong nội tâm, họ phục hồi được niềm tin, và họ có cách sống rất hay. Như vậy, nói người tu sẽ giúp được nhiều người hơn thì chưa chắc. Bởi nhiều người tuy xuất gia nhưng khổ đau, khó khăn vẫn còn nguyên như khi chưa xuất gia. Nguyên do là vì họ không có được một phương pháp thực tập cụ thể rõ ràng để chuyển hóa những nỗi khổ niềm đau của chính họ. Nếu chưa tự giúp được chính mình thì làm sao có khả năng giúp được người khác. Tuy nhiên, được xuất gia, mình sẽ có nhiều cơ hội hơn để tu tập, để chuyển hóa so với người cư sĩ.
Bạn mến! Như đã nói, yếu tố kiên nhẫn và một chút thời gian có thể giúp bạn thỏa được nguyện ước. Hãy xem đây chính là cơ hội để nhìn nhận lại mong ước của mình là nhất thời hay là chí nguyện. Nếu nó thật sự là chí nguyện thì khó khăn sẽ không làm gì được nó, ngược lại càng làm cho nó mạnh hơn. Tâm ban đầu mà vững mạnh thì sẽ giúp rất nhiều cho đời sống xuất gia về sau.
Chúc bạn thành công.
Nguồn : Source link
Hits: 22