Đạo Phật quan niệm rằng Đức Phật là Bậc Toàn Giác nên Ngài hiển lộ được hoàn toàn cả Tam thân Phật: Pháp thân, Báo thân và Hóa thân.
Trong đó:
Pháp thân (dharmakāya) là tinh tuý, thể tính chân thật của Phật đồng nghĩa với Chân như, là thể của vũ trụ. Pháp thân cũng chính là Pháp (dharma). Đức Phật xuất hiện trên Trái Đất, với nhân trạng, với mục đích cứu độ con người. Pháp thân được xem chính là Phật pháp (sa. buddha-dharma) như Phật Thích-ca giảng dạy trong thời còn tại thế.
Báo thân (saṃbhogakāya), hay còn gọi “Đại Hỷ Lạc thân” – Là thân công đức của Phật thị hiện trong các cõi Tịnh độ.
Hoá thân (nirmāṇakāya) hay Ứng Hoá thân là thân Phật thị hiện trong cõi Luân Hồi với mục đích cứu độ chúng sinh.
Trong nghệ thuật Phật giáo vùng Himalaya, hình ảnh Hóa thân của Đức Phật Thích Ca thường khoác y phục chư Tăng và trên đỉnh đầu có nhục kế. Trong khi đó, hình ảnh Báo thân của Ngài được khắc họa với các sức trang hoàng lộng lẫy như vương miện, yếm, vòng cổ, vòng tay, khuyên tai, đai lưng và thiên y tượng trưng cho sự chuyển hóa các xúc tình tiêu cực thành đại từ, đại bi, đại trí tuệ và những công hạnh giác ngộ vì lợi ích chúng sinh.
Tôn Tượng Phật Thích Ca Mâu Ni Bát Tuế Đẳng Thân khắc hoạ hình ảnh Báo thân của Đức Phật Thích Ca khi ngài 12 tuổi. Đây là hình tượng tâm linh thiêng liêng nhất vùng Himalaya, theo các văn bản khắc trên viên đá của vua A-dục từ thế kỷ 11, tôn tượng được được vị thần Tỳ Thủ Yết Ma (Vishvakarma) – tương truyền là vị thần điêu khắc, đã biến thân ra làm người thợ mộc, đến yết kiến vua nhận trách nhiệm tạo hình tượng Phật theo nguyên mẫu khi Đức Phật còn tại thế vào khoảng thế kỷ thứ 6 TCN và được đích thân Đức Phật gia trì. Thần Tỳ Thủ Yết Ma trổ hết tài năng, chỉ trong một ngày là xong tượng Phật, cao bảy thước mộc, tượng màu vàng tía, đủ các tướng tốt, khiến người nhìn đến biết là tượng Phật. Mục đích của việc kiến tạo tôn tượng Báo thân Phật Thích Ca không chỉ để lưu truyền lại dấu ấn của Đức Phật sau khi ngài thị hiện nhập Niết Bàn mà còn truyền trao năng lực gia trì mạnh mẽ cho chúng sinh giống như khi ngài còn tại thế.
Tôn tượng Báo thân Đức Phật Thích Ca 12 tuổi nguyên bản do Đức Vua Đa-ma-ba-la của vương quốc Ma-ga-đa vùng Bengal Ấn Độ trì giữ, Tôn Tượng sau đó được dâng tặng cho Hoàng Đế Đại Đường của Trung Hoa (vua cha của công chúa Văn Thành). Năm 641 sau CN, công chúa Văn Thành vâng lệnh vua cha sang Tây Tạng làm hoàng hậu của quốc vương Songtsän Gampo. Tôn Tượng báo thân Phật Thích Ca mà công chúa Văn Thành mang đến Tây Tạng ngày nay được an vị và thờ phụng tại ngôi chùa Đại Chiêu ( chùa Jokhang) gần thủ phủ Lhasa. Người dân ở khu vực Himalaya thường cầu nguyện có đủ phúc duyên được chiêm bái Tôn Tượng trước khi qua đời bởi họ tin rằng năng lực gia trì của Tôn Tượng sẽ giúp họ chuyển hoá xúc tình tiêu cực và hỗ trợ họ trong thời điểm lâm chung.
“Trong Lễ hội Quan Âm Đại Bảo Tháp diễn ra vào tháng 3 năm 2017, Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa đã từ bi ban tặng cho người dân Việt Nam tôn tượng Báo thân Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, theo hình mẫu tôn tượng Jowo Shakyamuni. Đại lễ thỉnh Phật nhập tượng, gia trì Cát tường an vị tôn tượng Báo thân Phật Thích Ca Mâu Ni được đích thân Đức Gyalwang Drukpa cùng chư Thượng sư của Truyền thừa Drukpa cử hành trang nghiêm theo đầy đủ các thứ lớp của truyền thống Phật giáo Kim Cương thừa trong lòng Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên.
Tất cả các Phật tử tín tâm đều tin tưởng sâu sắc rằng tôn tượng Báo thân Đức Phật Thích Ca sẽ ban thần lực gia trì “Kiến tức giải thoát” (hay giác ngộ thông qua tính thấy) cho những ai có phúc duyên chiêm bái. Dù chỉ thoáng nhìn thấy tôn tượng và các sức trang hoàng, bảo báu, họ cũng có thể đón nhận đầy đủ ân phúc gia trì để chuyển hóa ác nghiệp trong đời hiện tại và giúp họ có được tái sinh tốt đẹp trong đời sau.”
(Nguồn: “Tạng thư sống chết”
NXB Hồng Đức, 2014)
Tôn tượng Phật Thích Ca Mâu Ni Bát Tuế Đẳng Thân trong chùa Jokhang có năng lực “kiến tức giải thoát”, tức là giải thoát qua cái thấy.
Bất kỳ chúng sinh nào được chiêm bái tôn tượng linh thiêng này sẽ nhận được năng lượng Gia trì giúp viên mãn các tâm nguyện sở cầu.
Nguồn : Source link
Hits: 45