Khi các biểu tượng cát tường này xuất hiện tại bất kỳ nơi nào thì nơi đó trở thành sự gia trì hoàn hảo. Tám tướng cát tường khi được vẽ kết hợp lại với nhau thành một tổng thể được gọi là trí tuệ Bản Lai, chính là hóa thân Phật dưới hình thức biểu tượng cát tường để ban gia trì lợi ích chúng sinh.
Ngày nay, không có nhiều người biết về nguồn gốc và ý nghĩa của các biểu tượng Phật giáo. Các hình ảnh, họa tiết Phật giáo nói chung và đặc biệt là Phật giáo Kim Cương thừa không bao giờ được người nghệ sĩ trình bày một cách ngẫu nhiên tùy hứng mà đều là thông điệp cát tường mang ý nghĩa biểu trưng sâu sắc. Từ khuôn mặt Phật Bản tôn hướng về bên phải hay bên trái, các thế ấn của Ngài, sự lựa chọn đồ vật trang trí, pháp khí, các loài linh thú cho đến màu sắc của một cánh sen đều nhằm tạo ra từ trường gia trì cát tường và thể hiện ý nghĩa Phật pháp riêng biệt cho hành giả và đại chúng có phúc duyên chiêm bái.
Trong số các biểu tượng cổ điển và phổ biến nhất của văn hóa Phật giáo phải kể đến tám tướng cát tường. Nguồn gốc của tám tướng này được tìm thấy trong những kinh điển cổ xưa của Ấn Độ và được cho là có mối liên hệ với Thân – Khẩu – Ý giác ngộ của Đức Phật. Các ý nghĩa đó có thể được mô tả toát yếu như sau
1. Bảo Tán Cái (Lọng báu):
Tượng trưng cho đầu của đức Phật. Lọng có ý nghĩa bảo vệ tránh sự thiêu đốt của phiền não, đọa lạc và thoát khỏi khổ đau. Khi tặng lọng báu cho ai, ngụ ý cầu nguyện người đó luôn nhận được sự gia hộ và che chở của Tam Bảo.
2. Song ngư (Cặp cá vàng):
Tượng trưng cho đôi mắt của đức Phật. Biểu tượng này chỉ sự tỉnh thức, không xao lãng và luôn linh hoạt như cá bơi trong nước, đồng thời cũng là biểu tượng của sự tươi tốt, mãn nguyện, không còn khổ đau. Cặp cá vàng còn tượng trưng cho lòng từ bi và trí tuệ, tự do tự tai trong mọi nơi, mọi lúc.
3. Bảo Bình (Bình báu):
Tượng trưng cho cổ của đức Phật. Bình báu được tin là chứa đầy vật phẩm quý giá linh thiêng, cho dù có lấy ra bao nhiêu thì vẫn đầy ắp trong bình. Điều này cũng giống như chúng ta thực hành hạnh bố thí và cúng dường, các vật phẩm đó sẽ không mất đi mà được chuyển vào bảo bình bất tận này. Ngoài ra, bình báu cũng tượng trưng cho sự trường thọ và giàu sang phú quý. Khi tặng bình báu cho người nào ngụ ý cầu nguyện cho người đó được những lợi ích này.
4. Liên Hoa (Hoa sen):
Tượng trưng cho lưỡi (kim khẩu) của đức Phật. Hoa sen tượng trưng cho bản tính thanh tịnh, chân thật của chúng sinh, nêu biểu cho sự tu tập của hành giả đã vượt khỏi luân hồi trở về với tự tính Phật thanh tịnh. Hoa sen là một trong những biểu tượng cát tường nhất của đạo Phật, có khả năng ban sự gia trì giải thoát đau khổ và đem đến thành tựu, may mắn.
5. Bạch Hải Loa (ốc tù và):
Tượng trưng cho Pháp âm của đức Phật. Bạch hải loa màu trắng có những xoắn theo chiều kim đồng hồ tượng trưng cho chính pháp của đức Phật vang rộng, lan tỏa khắp muôn phương, khiến chúng sinh nghe được liền thức tỉnh khỏi vô minh đau khổ. Tượng trưng cho sức mạnh, quyền lực và sự tự chủ. Âm thanh của tù và xua đuổi tà ma, ngăn chặn thiên tai và làm cho các loài độc hại kinh sợ. Trong khóa lễ theo nghi thức Phật giáo Kim Cương thừa, tù và vừa được sử dụng làm nhạc cụ vừa được dùng để đựng nước cúng dường.
6. Kiết Tường Kết (Nút thắt vô tận):
Tượng trưng cho Ý của đức Phật và nêu biểu cho sự hợp nhất từ bi và trí tuệ. Hình ảnh sợi dây bện chặt chỉ sự kết nối chặt chẽ của các hiện tượng trong vũ trụ như một vòng khép khín của nhân và quả, nó tượng trưng cho sự thống nhất và hài hòa cân đối, sự bất khả phân của từ bi và trí tuệ. Về mặt nhân quả thì quả thiện trong tương lai bắt nguồn từ nhân lành trong hiện tại. Vì nút cát tường tượng trưng cho sự kết nối, nên khi chọn nút thắt vô tận làm quà tặng thì ngụ ý rằng nút thắt này sẽ kết nối duyên lành giữa người tặng và người được tặng.
7. Thắng Lợi Tràng Phan (Tràng phan chiến thắng):
Tượng trưng cho Thân của đức Phật. Tràng phan chiến thắng tượng trưng cho sự chiến thắng của đức Phật trước Ma vương và cũng là sự chiến thắng những tham ái, sân giận, nỗi sợ chết. Việc tặng tràng phan chiến thắng cho ai có ý nghĩa cầu chúc cho người đó thành đạt mọi tâm nguyện trong cuộc sống và trên con đường thành tựu tâm linh.
8. Pháp luân (Bánh xe Pháp)
Tượng trưng cho bàn chân, bàn tay của đức Phật. Bánh xe có tám nan tượng trưng cho Bát chính đạo và sự diệu dụng của trí tuệ, giúp chấm dứt vô minh và đoạn tận khổ đau; trục bánh xe nêu biểu cho sự rèn luyện trong khuôn khổ giới luật, hỗ trợ cho tâm được ổn định; vành bánh xe biểu thị cho sự kiểm soát và nhất tâm trong khi hành thiền, giống như vòng bánh xe và nan bánh xe được giữ bởi trục của nó. Bánh xe Pháp luân tượng trưng cho giáo pháp – chân lý của vũ trụ luôn được trao truyền và trải rộng khắp muôn phương vì lợi ích tất cả chúng sinh.
Trong Phật giáo Kim Cương thừa, hình ảnh tám tướng cát tường được nhìn thấy ở nhiều nơi: trên tường và trần các ngôi tự viện, trên ngai, tòa ngồi, pháp khí, đồ thờ cúng, tranh cuộn, nhiều đồ vật tôn giáo và cả những vật dụng sinh hoạt hàng ngày. Chúng ta cần hiểu đây không chỉ là hình ảnh trang trí mỹ thuật thông thường mà là biểu tượng tâm linh vô cùng sâu sắc. Tập hợp Tám tướng cát tường tạo nên sự gia trì cát tường hoàn hảo. Tám tướng cát tường khi được vẽ kết hợp lại với nhau thành một tổng thể được gọi là trí tuệ Bản Lai, chính là hóa thân Phật dưới hình thức biểu tượng cát tường để ban gia trì lợi ích chúng sinh.
Nguồn : Source link
Hits: 116