KINH HOA NGHIÊM
Hán Dịch: Đại-Sư Thật-Xoa-Nan-Đà 
Việt Dịch: HT Thích Trí Tịnh
Phật Học Viện quốc Tế Xuất Bản PL 2527 – 1983

Kinh Hoa Nghiem Thich Tri Tinh cover book (1)

Kinh Hoa Nghiêm là bộ kinh đại thừa, là vua trong các kinh, với nội dung siêu việt tuyệt luân hùng vĩ, tráng lệ nguy nga, thể hiện pháp thân, tư tưởng và tâm nguyện của Phật.

Hoa Nghiêm tiếng Phạn là Avatamsaka, có nghĩa là đóa hoa thanh khiết tuyệt đẹp nhất trần gian, ngát hương khắp mười phương các cõi pháp giới.

Tư tưởng Hoa Nghiêm trình bày vạn pháp do tâm sanh. Tâm là thực thể của vạn pháp. Tâm vọng thì vạn pháp hoạt hiện sai biệt hình hình sắc sắc, trùng trùng duyên khởi, cái này có cái kia có và ngược lại, như lưới đế châu. Tâm chơn thì pháp giới tánh với Tâm là một, vạn pháp đồng nhất thể. Tâm thanh tịnh thì thấu đạt chơn lý Phật tánh, suốt thông pháp giới vô ngại, thể nhập bất tư nghì giải thoát hạnh môn. Kinh Hoa Nghiêm, đức Phật chỉ cho chúng-sanh thấu rõ cội nguồn của xum la vạn tượng do mê thức vọng tưởng nghiệp duyên hình thành, các pháp hiện hành trong vũ trụ là huyễn hóa, như hoa trong gương, như trăng trong nước. Tất cả vạn pháp trong pháp giới đều từ tâm sanh. Tâm trùm khắp cả pháp giới. Tất cả vạn hữu vũ trụ có thể nằm gọn trong hạt cải. Hạt cải có thể thâu nhiếp tất cả vũ trụ vạn pháp. Thể tánh của Tâm nhiếp thâu tất cả. Tất cả là một, một là tất cả. Đó là bản tánh vô ngại của Tâm. Bản tánh chơn tâm suốt thâu vạn pháp hữu tình và vô tình; lấy toàn thể pháp giới tánh làm lượng; lấy xứng tánh bất tư nghì vô ngại giải thoát làm thể. Đó là ý nghĩa căn cốt của Kinh Hoa Nghiêm.

Bởi thế, nếu Kinh Đại Bát Nhã tiêu biểu cho tư tưởng Phật Pháp đại thừa về lý chơn không vô ngại, thì Kinh Hoa Nghiêm đại biểu cho tư tưởng Phật Pháp đại-thừa về lý hữu hóa duyên sanh của vạn pháp.

Ngoài ra Kinh Hoa Nghiêm còn là một thông điệp, một bài học phong phú sinh động muôn đời, trao gởi cho hành giả có tâm hướng thượng đại-thừa, tu là cần phải học phải hành qua hình ảnh Thiện Tài đồng tử tham bái cầu học đạo với năm mươi ba vị thiện tri thức, là bằng chứng cho ta thấy rằng tu học đạo bồ-đề điều tiên quyết cần phải khắc phục nội tâm cống cao ngã mạn, dục vọng loạn tưởng; ngoài thân khiêm cung cầu tiến hành trì phương pháp Hoa Nghiêm tuyệt đỉnh, tìm chân sư liễu ngộ mới mong hiển lộ được Phật tánh chơn tâm của mình.

Nên nghiên tầm ý nghĩa của Kinh Hoa Nghiêm là khai mở quang lộ trở về bản tánh chơn tâm thanh tịnh sáng suốt thường nhiên ; là biết được tự thể của các pháp hiện hành trong thế giới vũ trụ ; là thấu suốt cội nguồn sanh sanh hóa hóa của hữu tình và vô tình chúng-sanh; là quán chiếu bí yếu mật nghĩa viên dung tương quan của tâm và cảnh, để rồi từ đó có thể thống triệt lý viên dung vô ngại chủ và khách của vạn pháp, hiện hành sanh hóa, tương duyên tương nhơn quả, tương sanh tương diệt. Tất cả vạn pháp toàn triệt ảnh hiện trên đài gương chơn như thể tánh. Thế nên, thọ trì Kinh Hoa Nghiêm là bước vào cửa phương tiện cầu tu học đạo, là nhân tố đặc thù hy hữu ly vọng hoàn chơn.

Bởi công đức đặc thù nhiệm mầu vi diệu của Kinh Hoa Nghiêm như thê, nên người có thiện duyên thấy Kinh Hoa Nghiêm mà biết phát tâm thành kính tin sâu, thì như chính mình được thấy Phật. Người thành tâm đọc Kinh Hoa Nghiêm như trực tiếp nghe Phật khai thị. Người chí thành phụng thờ Kinh Hoa Nghiêm như chính mình trực tiếp phụng thờ Phật. Người phát tâm bồ-đề ấn tống Kinh Hoa Nghiêm có công-đức như được cúng dường Phật, như được thỉnh Phật trụ thế chuyển pháp luân, như được dự vào sự nghiệp hoằng pháp lợi sanh của chư Phật. Kinh Hoa Nghiêm cao sâu, nhiệm mầu vi diệu như thế, nên những ai thành kính phát tâm ấn tống thọ trì kinh này, thì phải biết rằng người đó nhiều đời gieo thiện duyên bồ-đề, đã từng làm sứ giả của Phật và đã từng ở trong ngôi nhà chánh pháp.

Phật-Học-Viện Quốc-Tế nhận thấy thời mạt pháp này, pháp nhược ma cường, để cho chánh pháp đại thừa được trường tồn phổ cập nhân gian, làm rường cột cho niềm tin chánh đạo, ngõ hầu thức tỉnh quần mê sớm hồi đầu về bến giác. Nên nguyện cùng chư Phật tử bốn phương, đồng chí hướng đại thừa vô lượng đạo, đồng tâm thành kính in lại bộ kinh đại thừa quý giá này, để kết thiện duyên vô thượng bồ-đề, cùng các bạn hiền đang hướng nguyện tiến bước theo gót chân Phật trở về giác tánh chân như.

Ngưỡng nguyện chư tôn thiền đức và các bậc thiện hữu tri thức Phật tử gần xa phát tâm hoan hỷ hộ trì.

Thành tâm kính lậy Thập Phương Thường Trụ Tam Bảo tác đại chứng minh.

Phật Đản 2532 – Mậu Thìn 1988
Thích Đức Niệm

Từ thư viện hoa sen org

Giảng giải HT Thích Thanh Từ

Link download sách pdf https://hoavouu.com/images/file/IrbsKWAx0QgQAMZP/hoanghiemkinh.pdf

Khoảng gần 1000 trang


Giới thiệu qua kinh Hoa Nghiêm từ chùa Huệ Nghiêm website

III – Nội dung kinh Hoa Nghiêm

Theo phán giáo của Thiên Thai Trí Giả đại sư, sau khi Đức Phật thành đạo, Ngài thuyết kinh Hoa Nghiêm trong hai mươi mốt ngày và sau đó Ngài đến Lộc Uyển độ năm anh em Kiều Trần Như, bắt đầu lập giáo khai tông. Trên đường hoằng truyền chánh pháp, Đức Phật giảng kinh Phương Đẳng, Bát Nhã, Pháp Hoa, Niết Bàn.

Cách phán giáo của Trí Giả đại sư được Phật giáo Đại thừa tán đồng. Phật giáo Nguyên thủy cũng ghi nhận giống ở điểm sau khi thành đạo, Phật ngồi tư duy ở Bồ đề đạo tràng trong hai mươi mốt ngày. Theo kiến giải của Phật giáo Đại thừa, trong hai mươi mốt ngày tư duy ấy, Ngài thuyết kinh Hoa Nghiêm trong Thiền định.

Thiết lập pháp hội Hoa Nghiêm với hội chúng,hội trường có điểm khác lạ. Theo kinh Hoa Nghiêm Lục thập quyển thì có tám hội, nhưng kinh Hoa Nghiêm Bát thập quyển ghi nhận có chín hội. Đến phần kết của hội Hoa Nghiêm vẫn có mặt Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, A Nan, nhưng các ngài không nghe được. Ý này được kinh diễn tả rằng chúng Thanh văn như người mù, người điếc dự hội.

Vì khó hiểu như vậy, một số người cho kinh Hoa Nghiêm có tính cách giả tưởng. Ngày nay, chúng ta có thể hiểu ý này qua thực tế như vấn đề trình bày trong cuộc hội thảo dành cho các nhà bác học thì người có trình độ Đại học trở xuống có tham dự cũng không thể nào hiểu được.

Pháp Phật nói cho Bồ tát, hàng Nhị thừa không thể biết, huống chi là phàm phu. Cần hiểu rằng không riêng gì Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên… mà kể cả chúng ta cũng hiện diện trong hội Hoa Nghiêm, nhưng không thấy, không nghe vì bị ngũ ấm ngăn che, vướng mắc sắc ấm. Đức Phật nói kinh Hoa Nghiêm, tức hành đạo trong Thiền định, dùng tâm chuyển vật. Chúng ta chưa thấy tâm, làm sao thấy được sự chuyển vật.

Thực tế cho thấy các vị chân tu hành đạo dưới dạng tâm, tâm họ thanh tịnh, an vui, tác động cho người trông thấy họ liền phát tâm Bồ đề và an vui theo. Trái lại, người dùng lời nói ngọt ngào, nhưng phát xuất từ tâm gian ác bên trong, nên chúng ta cảm nhận ghê sợ và không tin được.

 Từ đó, hành đạo của Đại thừa đặt nền tảng trên sinh hoạt của tâm là chính. Nếu tâm thực sự tốt sẽ kết thành quả tốt, dù cho hành động bề ngoài không tốt. Sức mạnh phi thường của tâm chi phối, khiến việc thành tựu, không cần phải cử thân động niệm, kinh gọi là vô tác diệu lực. Đó là ý chính mà kinh Hoa Nghiêm muốn đề cập đến.

Khi Đức Phật đắc quả Vô thượng giác ở Bồ đề đạo tràng, không còn lệ thuộc ngũ ấm thân, phát hiện ra con người thật bên trong, tức chân linh, thấy được quyến thuộc là Bồ tát vây quanh.

Riêng chúng ta chưa đắc đạo, còn bị ngũ ấm bao vây, phiền não khống chế, không thể thấy con người chân thật và thế giới thật. Thí dụ khi thức, chúng ta có quyến thuộc là người bằng xương thịt, mang ngũ ấm thân như ta. Khi ngủ, thế giới ấy khép lại và chúng ta sinh hoạt với thế giới chiêm bao, tức thế giới của thần thức, của nghiệp. Bấy giờ dù phú quý, quyền uy ở trên cuộc đời cao tột đến đâu chăng nữa, nhưng đã tạo ác nghiệp thì trong giấc chiêm bao hay lúc lìa đời, sẽ bị những cảnh ác xấu ấy hiện ra lôi kéo, hành hạ. Như vua Đường, vua Tần Thủy Hoàng đủ quyền sinh sát thiên hạ trong tay, có hàng rào gươm mác, hầu cận che chở an lành; nhưng nhắm mắt ngủ, vòng rào an toàn này chẳng còn tác dụng gì. Trái lại, họ phải gánh chịu những cảnh ác độc, nợ máu hoành hành dữ dội đến mức ngã bệnh, phải nhờ ngài Huyền Trang cầu nguyện. Đó chính là thế giới của nghiệp thức chủ động toàn bộ mọi sinh hoạt sau khi chúng ta chết.

Người tu thanh tịnh, cuộc sống thực tế dù hẩm hiu, nhưng đến khi ngủ hay nhập Thiền định, trần gian tạm bợ khép lại, mở ra cho họ thế giới an lành của Phật, Bồ tát, thần tiên. Đây vẫn còn thuộc thế giới của thần thức, chưa phải chơn tâm, chưa thật. Tuy nhiên, vọng thức này thiện cũng tốt hơn là ác, vì còn giúp được ta tiến bước thêm vào cảnh giới thần tiên.

Bước đầu thuộc vòng tương đối, bỏ ác để thiện pháp sanh ra, làm cho ta được an lạc. Trên nền tảng ấy, bước chân vào đạo, trước tiên cần an tâm, chỉ cần bình yên để tu là đủ. Không được an lạc tối thiểu, có tu cùng kiếp cũng đọa. Dù cuộc sống bên ngoài có khó khăn, mà lòng an vui, vẫn tiến tu đạo nghiệp được.

Thế giới của Thức biến thuộc vọng, chúng ta chỉ nhờ nó để thấy cảnh giới Cực Lạc hay dạo chơi lên Đâu Suất, đảnh lễ Bồ tát Di Lặc, cảm nhận sự an lành. Đến khi thức giấc lại chạm trán với cuộc sống khác hẳn, nghĩa là kinh Hoa Nghiêm muốn nhắc nhở chúng ta tu như vậy vẫn còn ở trong quỹ đạo của nghiệp thức.

Bắt đầu Đức Phật nhập định, ma quân đến quấy phá, nhằm chỉ cho tất cả sự liên hệ trong vòng thức ấm, tất cả nghiệp chướng trần lao tiêu tan, mới được bình yên. Thế giới thứ nhất có ác ma hiện, dẹp tan được chúng, không còn gì có thể quấy rầy. Trời trong mây tạnh mới tạo thành Bồ đề đạo tràng. Chơn tâm hay Tỳ Lô Giá Na Pháp thân hiện, mới thấy Bồ tát vi trần. Và Phật Pháp thân ấy nói với các vị Bồ tát trong Thiền định, không phải người bằng xương thịt nói và cũng không nói cho người nhân gian. Vì vậy, người nhân gian làm thế nào biết được và tạng kinh Hoa Nghiêm phải đợi đến Long Thọ Bồ tát kiết tập.

Đến pháp hội thứ hai, đi vào thế giới Quang Minh điện của Phật, nghĩa là ánh quang Phật thuyết pháp. Ánh quang này chiếu đến Trời Phạm Thiên, vị Đại Phạm Thiên vương xuống Bồ đề đạo tràng thỉnh Phật thuyết pháp.

Ở pháp hội một, thuyết bằng Thiền định dànhcho người trụ định mới nghe được. Đến pháp hội thứ hai, Phật thuyết bằng ánh quang, đòi hỏi người có trí tuệ, nghe bằng Bồ đề tâm, huệ giải thoát mới thâm nhập được. Lúc ấy, người tu ngộ đạo nhìn sông núi, cá chim đều là Phật thuyết pháp.

Sau đó, Phật thuyết ở Trời Đao Lợi, đến Dạ Ma thiên, Đâu Suất thiên, Tha Hóa Tự Tại. Đến đây, Ngài giảng Thập Hồi hướng, Thập Địa của Bồ tát. Có thể hiểu rằng đạt đến trình độ tu chứng ở Tha Hóa Tự Tại mới có khả năng hành Bồ tát đạo. An trụ cảnh giới Tha Hóa Tự Tại, việc giáo hóa chúng sanh của hành giả hoàn toàn tự tại, không ai ngăn cản, phá rối được, đến nơi nào thì việc đều thành tựu viên mãn.

Trái lại, ta còn bị chướng ngại nhiều, phải tự biết chưa nghe được pháp Bồ tát, chưa làm được việc của Bồ tát. Tốt nhất chúng ta chỉ là quyến thuộc, nương theo Bồ tát làm việc để tu tạo công đức. Thật vậy, chúng ta tu ở nhân gian có đồng nguyện, đồng hạnh với Phật, Bồ tát. Các Ngài muốn thực hiện việc cứu khổ độ sanh, phải mượn chúng ta làm thay, hộ niệm cho việc ta thành công và ta được chia nửa phần công đức.

Phật nói kinh Hoa Nghiêm ở Trời Tha Hóa Tự Tại nhằm chỉ cho biết đối tượng của pháp cao sâu này phải là Bồ tát, là người có đầy đủ phương tiện giáo hóa chúng sanh. Trên tinh thần ấy, kinh Hoa Nghiêm thích hợp với các bậc vua chúa. Sang Trung Quốc, bộ kinh này hình thành nhờ Tắc Thiên hoàng hậu bảo trợ công tác phiên dịch và chú sớ kinh.

Đến Nhật Bản, Thánh Vũ thiên hoàng chịu ảnh hưởng tinh thần Hoa Nghiêm đã ra lệnh cho toàn dân phải nộp đồng để đúc tượng Tỳ Lô Giá Na lớn nhất thế giới, đến nay vẫn còn ở Nara. Tượng này phải trải qua mấy đời vua mới hoàn thành. Nếu không phải là người có thế lực nhất nước đề xướng thì không thể nào thực hiện được những kỳ tích như vậy. Kinh diễn tả sức mạnh hành đạo ấy dưới dạng Trời Tha Hóa Tự Tại, còn đối với người nghèo đói mà khuyên điều đó thì thật khó nghe.

Bồ tát pháp trong kinh Hoa Nghiêm rất cao sâu. Hàng thấp nhất là Bồ tát Sơ địa cũng phải có khả năng làm vua một cõi, tức tiểu vương mới có thể hành đạo tự tại. Bồ tát Nhị địa phải là Chuyển luân Thánh vương cai quản bốn phương thiên hạ, ai nghe đến danh cũng phải kính nể. Bồ tát đệ Tam địa phải làm vua Trời Đao Lợi, cai quản ba mươi ba tầng trời. Cứ như vậy lần lên cõi Trời Dục cao nhất là Tha Hóa Tự Tại.

Đức Phật giảng cho các vị trời, đồng nghĩa với sự nhắc nhở những người có phước báu, quyền uy ở trần gian nên phát tâm làm Phật sự, dễ tu tạo công đức lớn lao. Nếu không, hưởng hết phước rồi đọa, lúc đó không còn điều kiện tạo công đức, như vua Tần Bà Sa La bị A Xà Thế nhốt vô ngục rồi mới phát tâm.Từ cõi Trời Tha Hóa Tự Tại, Đức Phật trở lại Phổ Quang đường thuyết Thập Nhẫn, Thập Định. Cuối cùng, Ngài trở lại thực tế cuộc sống ở rừng Thệ Đa nói phẩm Nhập Pháp giới.

http://www.chuahuenghiem.net/thu-vien/sach/ba-muoi-bai-thuyet-phap/nbsp-iii-noi-dung-kinh-hoa-nghiem/

Hits: 535

Trả lời