Xu Phat Tinh Que I – 05. Loc Uyen [Sarnath] – Xứ Phật Tình Quê I


image

Đối với Phật giáo thì tính chất thiêng liêng ở đây được thiết lập kể từ khi đức Phật cất tiếng rống sư tử khởi chuyển pháp luân tại Lộc Uyển (cách Ba La Nại khoảng 7 dặm) vào khoảng 25 thế kỷ về trước. Lộc Uyển được khởi sự biết đến kể từ thời gian đó. Theo như kinh truyện ghi chép thì Lộc Uyển không chỉ là nơi đức Phật Thích Ca thị hiện chuyển bánh xe pháp trong hiện tại mà cả 1000 chư Phật trong hiền kiếp này cũng đã và sẽ chuyển bánh xe pháp tại đây.

Trời tiết đông bắt đầu trở lạnh vào tháng mười một, mười hai và tháng một. Cái lạnh căm căm làm buốt da, tê rét mọi người dù cho họ cố ủ mình trong những chiếc khăn choàng dày cộm. Mùa đông ở đây là vậy, đến nhẹ nhàng tĩnh lặng và từ tốn mỗi năm như cái từ tốn đến lạ lùng của những người dân Ấn. Sau tháng nóng bức đến lột da thì mùa đông đến với những làn gió mát và từ từ chỉ sau một vài tuần lễ đã chuyển sang rét mướt.
 Chúng tôi những người từ Châu âu đến mà cũng cảm thấy tê tái mặc dù đang mang những chiếc áo lạnh miền xứ tuyết. Thời tiết ở vùng này thật khắc nghiệt vì cái nóng muà hè ở đây không thể mà tả hết. Mới tháng sáu tháng bảy đây cái nóng hầm hập lên đến 50 độ thiêu rụi mọi cây trái cảnh vật trong vùng, vậy mà chỉ một vài tháng sau thời tiết đã trở nên lạnh lẽo khó chịu và cái lạnh ở đây có khi đến năm bảy độ về đêm.

Tội nghiệp các em bé nhỏ trong những gia đình nghèo nát tả tơi đang run mình trong những chiếc chăn đen đầy bụi bám; tội nghiệp những người phu khuân vác, người thợ đạp xích lô vì họ là những người bất chấp cái khó của cuộc đời cố xâm mình bươn chải vào cái lạnh cái nóng để nhọc nhằn kiếm được những đồng xu trong ngày hầu che chở cho gia đình. Cái khổ đau lam lũ chồng chất của kiếp người như bày ra trọn vẹn ở nơi họ và nơi cuộc sống của chính họ. Quanh năm suốt tháng quần quật mà được gì đâu ngoài những đồng xu kiếm được vừa đủ mua một vài bó rau, ký gạo. Rồi những nơi họ ở thường vỏn vẹn đơn sơ như chính cuộc đời của họ; một mái nhà tranh dựng nghiên nghiên trên bốn bờ tường đất sét, một hai cái giường bằng dây thừng bện lại, một lu nước và một vài con bò con. Căn chòi tranh bé nhỏ ấy lại phải bao trọn cả gia đình năm bảy người và đôi khi cũng phải dành chỗ cho những chú bò, chú bê con chung sống.
 Vậy đó cái cuộc sống của người dân ở đây đa phần là vậy. Nhưng trong một hoàn cảnh sống như thế, có lẽ người ta cũng tìm đâu ra chút hạnh phúc, lạc thú của cuộc đời để tiếp tục vươn lên mà sống. Hoặc giả chăng trong một đời sống bần cùng đến độ đó, họ tìm thấy một chút tình bé bỏng nơi các con vật trong nhà, trong vườn dù là một con bò hay con bê nhỏ. Có lẽ do đó mà tôi thấy người dân Ấn rất thích và thân thiện với các loài vật. Người và vật thắm thiết với nhau lắm nhất là với những người dân quê. Các con vật ấy là bạn, là ân nhân của mọi người: nó giúp người cày cấy, cho sửa để nuôi sống cả gia đình, cho phân để đốt lò thế củi, cho niềm vui bạn hữu với con người. Bản tính của người Ấn thường yêu chuộng loài vật, không thích sát hại nên ở đây các loài vật bạo dạn hơn nơi nào khác trên thế giới.

Tôi nhớ có một thời sống ở tại New Delhi trong một ngôi nhà trọ. Nhà tôi ở lầu trên và có một mái hiên vừa tạm đủ cho chỗ hóng mát. Thế mà mấy con chim sẽ ở đâu không biết cứ bay đến làm tổ và xả rác rơm bừa bãi. Không chịu được cái cảnh tượng mới sạch lại dơ nên chúng tôi đem tổ chim bỏ vào sọt rác, vậy mà thoáng chốc cái tổ ấy lại được hình thành nơi chỗ cũ. Có lúc lại có cả những con chim bay vào trong phòng chúng tôi để làm tổ nữa. Thật là bạo dạn và lì lợm như vậy là cùng.
 Sau một thời gian ở Bồ Đề Đạo Tràng, chúng tôi chuẩn bị lên đường đi Ba La Nại để viếng thăm vườn Lộc Uyển. Dõi theo bước chân Phật khi xưa để tìm lại một chút gì hương vị, thanh âm của bậc giác ngộ. Là những người con Phật, chúng tôi cố gắng noi theo gương những gì ngài đã làm và đã sống nhưng quả thật là khó. Một khoảng thời gian dài xa cách đã đưa chúng tôi đi xa dần con đường thánh thiện của các bậc hiền thánh thuở trước; và nay nếu có chúng tôi chỉ đang có thể bắt đầu lần theo bước chân người để tưởng nhớ, ghi tạc lại những hạnh lành của các ngài thuở ấy mà cố noi theo.

Xe buýt chạy hướng về thành phố Ba La Nại, chạy suốt và lâu lắm mới có một chặng dừng cho mọi người xuống làm vệ sinh cá nhân. Nhu cầu giải quyết vệ sinh ở đây thật đơn giản, bình dị (nghĩa là ngồi bên lề đường, cạnh xe hoặc núp sau một gốc cây nào đó) đến nổi lúc đầu mọi người còn e ngại mắc cở nhưng sau một thời gian ở Ấn Độ nó đã trở thành chuyện tất nhiên, phải vậy. Chúng tôi thì chẳng lạ gì nhưng mỗi lần có dịp đi chung với mọi người trong đoàn thì lúc ấy là một dịp sôi động bàn cãi. Có đủ chuyện để bàn ra tán vào cho được, có người thích, có người không, có người muốn có kẻ thẹn thùng và lại có những người tinh quái đem máy hình xuống chụp quang cảnh đi vệ sinh độc đáo này nữa. Quả là có chuyện vui và khôi hài để nói.

Tôi thích cảnh đồng quê này lạ: sao giống cảnh quê hương Việt Nam tôi. Cũng những đồng lúa bạt ngàn chạy suốt theo những con đường quê ngoằn nghèo xập xũng. Cũng những hàng dừa xanh, những ngôi nhà đất và những mái rơm gập ghềnh xiêu vẹo. Rồi một cảnh cày ruộng nào đó có con trâu con bò bước song song cày chung với nhau. Tôi không rõ cảnh này có ở quê mình không, chỉ biết thầy bổn sư của tôi thì cho đó là chuyện lạ chỉ xứ Ấn Độ này mới có. Còn những con đường quê ở Ấn Độ thì đẹp và nên thơ chi lạ vì hai bên đường lúc nào cũng có những tàng cây to che bóng. Đôi khi ở một vài nơi tôi còn thấy những hàng phượng vĩ phơi tàng đỏ ối và rơi vãi trên đất những cánh hoa màu ướm sắc. Cây cối tỏa ra một màu xanh tươi, che mát cả một đoạn đường dài và thường thì được trồng thẳng tắp chạy dọc mãi theo hai bên đường trông dường như vô tận.

Trồng cây dĩ nhiên là một việc làm rất tốn kém vì phải được chăm sóc coi ngó khi còn nhỏ, ngoài ra người ta còn phải cho xây chung quanh những rào cản bằng gạch che đậy lên cao cả một mét. Đôi lúc thấy những hàng rào cản này chạy dài cả một đoạn đường mà tôi khâm phục cho chính phủ và người dân ở đây biết cách bảo vệ môi trường. Quê hương Việt Nam tôi thì ít có sự hiểu biết và ý thức về cây trồng nên thường khi phá phách nhiều mà quên gây trồng thêm. Nhớ có lần về vào dịp tết tôi thấy người ta thi nhau bức cây bẻ cành để hái lộc vào dịp tết, thấy cảnh cây trái xác xơ vứt bỏ lung tung mà tôi cảm thấy đau lòng. Mong có một ngày nào đó về lại quê hương và khi điều kiện cho phép tôi cũng muốn lập ra những tổ chức hổ trợ trồng cây rừng để đất nước ngày càng xanh tươi và đẹp thêm hơn.
 Có lẽ đoạn đường gần đến Ba La Nại là đoạn đường thường bị kẹt xe nhiều nhất. Xe từng đoàn, từng đoàn nối tiếp nhau dường như vô tận. Gần như chẳng có xe nào khác hơn là những chiếc xe vận tải ù lì thô tháo. Và hình như chẳng có loại xe nào khác hơn là hai loại xe quen thuộc do Ấn Độ chế tạo: Tata và Ashok Leyland. Đã mấy năm rồi sống ở đây tôi gần như chẳng thấy một chiếc xe vận tải nào mang nhãn hiệu ngoại quốc. Người Ấn bảo thủ và chỉ dùng đồ chế tạo từ nước mình, tôi nghĩ đâu đó cũng là một cách hay để tự cường mà khỏi phải lệ thuộc vào hàng hóa nước ngoài nhập vào. Việt Nam ta thì lại khác vì chỉ thích dùng và nhập cảng hàng từ nước ngoài mà không chú trọng đến hàng hóa phẩm chất của nước mình để đến nổi khi ai nghe nhắc đến sản phẩm Việt Nam cũng đều lắc đầu thối thác. Biết đến bao giờ dân tôi và nước tôi mới có được một tinh thần dân tộc và tự cường như Ấn Độ này đây.

Người ta thường bực mình vì nổi kẹt xe ở Paris, London hay Hamburg nhưng nếu đem so với nổi kẹt xe ở một vài đoạn đường tại Ấn thì có thể người ta sẽ dễ mỉm cười chấp nhận. Mà không cười sao được khi sống trên một đất nước mà ai nấy đều cười, cười một cách thoải mái và hồn nhiên và chúng ta nếu nhăn mặt đáp lại thì có lẽ thật là quái gỡ. Có thể nói họ cười dễ dàng trong mọi trường hợp dù rằng đôi khi chuyện đó chẳng đáng cười. Tôi không hiểu có phải họ học cười ngay từ khi mới sinh ra hay là cái cười đã tự có sẳn trong mái huyết của họ. Nhiều người Âu mỹ thắc mắc nói chuyện với tôi như vậy. Cười không là một điều khó đối với con người thế nhưng con người ta ở những xứ Tây phương dường như không thể cười được mỗi lúc gặp mặt nhau nên do vậy mà họ thường đến Á đông để tìm thấy một nụ cười, một vẻ mặt thanh thản. Và có lẽ một phần là do ở những nụ cười thoải mái và hồn nhiên này mà Ấn Độ có sức thu hút hàng mấy mươi triệu du khách đến đây mỗi năm?

Chúng tôi may chưa từng bị những buổi kẹt xe không tiền khoáng hậu đó mà chỉ thấy trên đường, chỉ biết người khác bị. Lạ lùng là thường những vụ kẹt xe như vậy duyên cớ chẳng đáng ra gì, hoặc do trạm thuế làm việc nửa vời nửa ghi chép tính thuế, nửa uống trà sửa tán dóc chuyện cà kê hoặc bỏ đi chơi nghỉ mát cho khỏe một chút. Lại đôi khi kẹt xe do vì một vài người tài xế không chịu nhường nhau, tới không được lui cũng không xong thế là hai bên xuống đất cãi nhau rồi chờ cho đến khi bên kia nhường mình. Lại cũng có đôi lúc một vài chiếc xe chương chướng đậu ngang xương giữa đường rồi bác tài đi chơi hoặc vào nhà trọ nào đó ngủ nghĩ làm cho một vài trăm chiếc xe sau sắp hàng chờ đợi. Vậy mà các bác tài xế ở những dãy xe sau cũng chẳng nôn chi, chờ thì chờ bực bội chi cho mệt và rồi họ bèn lấy nồi niêu soong chảo ra nấu nướng, thậm chí tắm giặt ở giữa đường cho vui: một số các bác tài khác thì sẳn trong buồng lái có chiếc ghế dài, phách mình ra ngủ mặc cho trời đất xoay quanh đêm ngày ra sao thì ra. Chừng vài chục bác tài như trên và cách làm việc kiểu đó của các nhân viên phòng thuế thì kẹt xe ít cũng dài ra vài mươi cây số, tốn khoảng vài mười phút giải quyết thì kéo dài ra khoảng vài mươi giờ.
 Gặp những trường hợp như vậy nếu gặp anh tài lanh lẹ thì anh có thể cho xe lách mé đường lết lết mà đi (chẳng kể luật lệ nào cả và hình như ở Ấn không có một luật lệ nhất định thì phải), vậy mà cũng qua mặt hàng trăm chiếc xe chứ! Đôi lúc men sát lề mương xe nghiêng nghiêng như muốn lật. Năm vừa rồi đi cùng phái đoàn ai nấy đều trải qua một phen hoảng vía như vậy. Và thường thì qua cơn hốt hoảng ai ai cũng một mực khen anh tài là giỏi và hứa sẽ cho anh nhiều tiền khi xong cuộc hành trình. Riêng chúng tôi nghĩ không biết mấy anh tài người Ấn này có muốn biểu diễn tài năng lái xe nguy hiểm của mình trước bà con để được thêm tiền không? Dám lắm chứ, ở Ấn điều gì cũng có thể xảy ra được kia mà.
 

Ba La Nại  [Varanasi ]

Ba La Nại “thành phố vĩnh cửu” là một trong những thành phố lớn của tiểu bang Uttar Pradesh thuộc miền trung bắc Ấn Độ với số dân hơn một triệu người. Thành phố này cũng nổi tiếng vì nền văn minh tâm linh của vùng này đã siêu suốt hơn 2000 năm qua trong tính cách thiêng liêng của những đền thờ Ấn giáo nguy nga đồ sộ, của con sông Hằng thần bí ngày đêm tuôn chảy mang nước thiêng đến cho khắp mọi người tắm gội tìm ân phước. Với người dân Ấn thì đây là một nơi lý tưởng cho sự ra đi vào lúc cuối cuộc đời, nơi này là nấc thang, là cửa ngỏ duy nhất để được thác sinh lên cõi trời. Ngày nay nơi đây cũng là một trung tâm nghiên cứu tu học tốt về các loại cổ ngữ, Phạn ngữ, Hindi v.v… Thành phố này cũng quan trọng không kém vì vai trò lịch sử của nó dính liền với với việc hình thành và phát triển một tôn giáo mà sau hai mươi thập kỷ đã có mặt khắp nơi trên thế giới.

Vết lăn đầu của bánh xe pháp.
 Sau khi đức Thế tôn giác ngộ dưới cội bồ đề, bằng tuệ nhãn thuần tịnh ngài quán sát đến những người đáng được độ để đi cứu độ họ. Nhớ đến đạo sĩ Alara Kalama một bậc hiền trí khi xưa dạy đạo ngài lúc ban đầu, ngài tính đi đến độ họ nhưng lại quán sát thấy Alara Kalama mất bảy ngày trước đó và đã thác sanh về cõi trời phi tưởng phi phi tưởng xứ. Rồi đức Thế tôn quán đến ngài Uddaka và bậc hiền trí ấy cũng mất trước đó. Ôi! thật là không may cho họ vì họ đã mất và sẽ sinh về các cõi trời để hưởng phước báu. Một ngày kia họ sẽ rơi đọa vào lại các cõi trong tam đồ ác đạo. Hình ảnh của những người từng có nhân duyên với ngài lần lượt hiện lên và sau cùng ngài quán đến năm người bạn đạo thuở xưa, những người đồng tu khổ hạnh đã giúp đỡ ngài nhiều trên con đường đạt đến tri kiến, và thấy rằng họ hiện vẫn còn sống và đang ở tại Lộc Uyển thuộc thành phố Ba La Nại.
 Hướng về Ba La Nại ngài ra đi. Ngày lại ngày trôi qua, buổi trưa ngài đi vào xóm khất thực và những buổi tọa thiền sau đó ngài quán sát thế gian, rải tâm từ bi đến mọi loài trước khi tìm nhân duyên cứu độ họ. Một hôm trên đường tình cờ ngài gặp một ẩn sĩ khổ hạnh tên là Upaka, ông ta khi thấy ngài đầy đủ những tướng hảo trang nghiêm bèn nói những lời tán thán như vầy:
 Này bạn hữu, da của người thật là tốt đẹp và sáng lạng, hiện bạn đang tu pháp môn gì? Thầy của bạn hữu là ai?

Đáp lại đức Phật nói lên một bài kệ:

Ta là người vượt qua tất cả, thông suốt các pháp.
Đã dứt bỏ mọi phiền não trói buộc.
Người thoát ly bỏ lại tất cả sau lưng.
Ta không thầy, tự tri giác ngộ biết khắp cả.

Thấu suốt hết mọi pháp, ai là thầy của ta.
Ngoài ta không thể tìm thấy trên thế gian này.
Các hàng trời người khắp trong ba cõi.
Cũng không thể sánh được với ta, đấng Như lai.

Ta là vị A La Hán trên thế gian này.
Là bậc thầy, trên tất cả các bậc thầy.
Chỉ có ta người giác ngộ viên mãn.
Đoạn diệt hết phiền não, đạt đến Niết bàn.

Chuyển giáo pháp độ chúng sinh,
Ta giờ đây đến thành Ba La Nại.
Giữa thế gian si mê mờ tối,
Ta sẽ gióng lên hồi trống Vô sanh bất diệt.

 Upaka lúc ấy hỏi lại rằng: Này bạn hữu, phải chăng người tự nhận là A La Hán, bậc siêu xuất đã tận diệt mọi phiền não. Đức Phật ôn tồn đáp kệ rằng:

Ta bậc siêu xuất hơn cả
Đã diệt hết mọi phiền não.
Chinh phục mọi xấu xa tội lỗi.
Này Upaka, ta là bậc chiến thắng.

 Tuy nghe đức Phật nói như vậy nhưng nhà khổ hạnh Upaka không mấy tin tưởng lời ngài vì ông cho rằng không thể có con đường dẫn đến tri kiến, đoạn diệt phiền não mà không đi theo phương pháp ép xác khổ hạnh. Nghĩ thế nên Upaka đáp lại lời Phật rằng: Bạn hữu có thể đạt được tất cả những điều như vậy chăng? Rồi xây lưng rẻ sang một con đường nhỏ khác bỏ đi.

 Đức Phật bình thản và tiếp tục cuộc hành trình. Những khó khăn và mê tối của con người khó độ lúc ban đầu không làm ngài phải chán nản thất vọng. Chúng sanh là vậy; có kẻ trí người mê, kẻ chấp trước tà kiến người tịnh tín có trí tuệ hoặc sẽ có những người khi trông thấy ta, nghe ta giảng liền đắc pháp nhãn, thoát ly sanh tử và có người khi thấy ta sinh ưu phiền ngoảnh mặt làm ngơ thậm chí chưởi mắng ta. Quán sát biết các pháp là như vậy, đức Phật mỉm một nụ cười và thanh thản nhẹ bước mà đi.

Một ngày kia ngài đi đến Lộc Uyển. ở đây lúc bấy giờ là một vùng hoang sơ nơi chỉ có các bậc thánh nhân tìm đến tu tập và chia sẽ tri kiến giác ngộ với nhau. Đó đây những bụi cây gai góc hoang dại và xa kia là những mỏm đá cheo leo của một vài sườn núi bị thời gian sói mòn đổ vụn. Một vài tháp đá kỷ niệm nơi các bậc thánh xưa kia tu tập vẫn còn đó và có nơi chỉ còn lại những chiếc nền hoang vắng. Những khu rừng cây xa xa thường là nơi vui đùa của bầy nai tơ hiền lành ngơ ngác. Nai chạy nhảy biến hiện ở khắp mọi nơi và đôi khi dạn dĩ đến bên những ẩn sĩ gầy đét nhìn ngó như lạ lùng kinh ngạc. Cảnh giới thanh tao nhàn hạ của muôn thú và cảnh nặng nề bi thảm của các pháp tu ép xác luyện tâm của những người ẩn sĩ đi cầu giải thoát quả là một hình ảnh thần kỳ làm sao. Con người trong cảnh trạng ấy quả là một linh vật phi thường biết sống có ý nghĩa giữa thiên nhiên và muôn thú vô tư lự bao la đầy màu sắc.

Trong khu Lộc Uyển xinh đẹp ấy, lúc bấy giờ năm người bạn đồng tu của đức Phật vẫn một lòng đi theo con đường thuở trước bằng cách ép xác luyện mình đến hồi tàn tạ. Thân thể họ chỉ còn lấy da bọc xương, tuy nhiên ý chí mong cầu giải thoát của những người đi tầm chân lý vẫn không lay chuyển. Trước đây tại Bồ Đề Đạo Tràng khi thấy Tất Đạt Đa từ bỏ con đường diệt dục bằng cách ép xác khổ hạnh, họ cho rằng ngài đã thối thất bỏ tu và tìm về dục lạc nên bỏ ngài ra đi rồi tìm về Lộc Uyển cùng chúng bạn khác đồng tu ở đây.

Sáng hôm ấy khi thấy đức Phật từ đàng xa đi lại, năm vị ẩn sĩ này bàn tính quyết định không đảnh lễ ngài, không tỏ lòng tôn kính như xưa. “Này các bạn, đạo sĩ Cồ đàm đang đi đến chúng ta đó. Hãy đừng nên đảnh lễ, cung kính và hầu hạ ông ấy như xưa. Đừng trải chỗ cho Cồ đàm ngồi, đừng đỡ bát và y cho ông ấy và khi ông ấy đến muốn ngồi thì cứ ngồi, chúng ta đừng nên quan tâm. Cồ đàm là một người nhu nhược, không bền chí, không gắng công tu tập và đã trở lại với đời sống xa hoa ô nhiễm. Ông ấy thật chẳng đáng cho ta niềm nở và tôn kính”.
 Vậy mà khi đức Phật đến gần, tướng hảo quang minh và phong thái của ngài đã làm cho năm đạo sĩ này bỗng trở nên lúng túng. Bị cảm hóa và thu phục ngay từ phút giây ấy, họ quên mất những lời dặn dò nhau khi trước mà lại kẻ đem nước đến cho ngài rửa chơn, người đến cầm đở giúp những y áo và bình bát cho ngài. Những người kia lại quét dọn nơi chốn và trải y cụ thỉnh ngài ngồi. Tuy nhiên chưa hiểu rõ được hết câu chuyện, họ vẫn gọi ngài là đạo hữu và chê trách việc từ khước lối sống khổ hạnh khi trước của ngài.

Đức Phật lúc ấy mới ôn tồn kể lại cho họ nghe câu chuyện của ngài kể từ khi ngài nhận chân ra con đường trung đạo và quyết tâm lìa bỏ những kiến chấp sai lạc thuở trước. Con đường trung đạo ấy là con đường xa lìa những kiến chấp cực đoan thường dẫn đến những khổ đau và hủy diệt. Ngài cũng trình bày cho họ biết là ngài không trở lại đời sống lợi dưỡng và xa hoa; ngài đã không ngừng dụng công tu tập và thiền định sau khi rời bỏ đời sống khổ hạnh và cuối cùng sau những chiến đấu cam go với Ma vương dưới gốc cây Bồ Đề ngài đã giác ngộ hoàn toàn, chứng được quả Phật.
 Đức Phật từ đó cũng nói những người bạn đồng tu rằng từ đây đừng gọi ngài bằng tên hay bằng danh từ bạn hữu vì ngài hiện đã là một vị Phật, một đấng toàn giác. “Này các thầy, do sự nỗ lực không ngừng mà ta giờ đây đã giác ngộ, thành đạo vô sanh bất diệt và hôm nay vì lợi ích của các thầy, ta sẽ giảng nói giáo pháp ấy cho các thầy nghe. Nếu các thầy thực hành đúng theo lời dạy đó, các thầy cũng sẽ sớm được chứng ngộ, có được tuệ giác và dứt bỏ hẳn con đường sinh tử.
 Năm đạo sĩ khi ấy chẳng tin lời Phật, họ cùng nhau đồng nói: “Này đạo sĩ Cồ đàm, trước kia người từng sống khắc khổ, nghiêm trì giới luật, tinh tấn tu hành mà còn chưa đạt được trí tuệ siêu thoát nào; thì làm sao khi người trở về đời sống xa hoa lợi dưỡng lại có thể đạt được trí tuệ siêu phàm, chứng ngộ quả vị Phật”.

 Một lần nữa đức Phật lại nói rằng, ngài không hề sống xa hoa trở về với lợi dưỡng mà luôn luôn dụng công tinh cần tu tập và đã đạt được quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác sau khi thiền tọa dưới cội cây bồ đề. Cả ba lần họ đều từ chối không tin ngài nhưng thấy sự xác quyết nhiều lần của đức Phật, họ cũng tin theo và xin ngài giảng pháp cho họ nghe.

Cách đó không xa là nơi chư Phật trong nhiều đời trước thường chuyển bánh xe pháp và độ cho những người đệ tử ban đầu. Nương theo truyền thống của chư Phật từ ngàn xưa, đức Phật cũng đến nơi ấy và đi kinh hành chung quanh ba lượt. Lúc ấy trên hư không muôn ngàn tiếng nhạc trời trổi dậy và các loại hương, loại hoa Chiên Đàn, Mạn Thù Sa đồng rơi xuống cúng dường ngài. Trong hư không cũng có một ngàn pháp tòa xuất hiện chiếu đầy màu sắc khắp cả không gian.

 Khi đức Phật cất tiếng thuyết giảng bài kinh Chuyển Pháp Luân thì lúc ấy hào quang và ánh sáng quanh mình ngài bỗng chói chang chiếu ra muôn ngàn tia màu sắc, cùng lúc ấy cả thảy ba ngàn thế giới đều rúng động. Chư thiên từ các cõi trời giáng xuống và trải thêm đầy các loài hoa quý cúng dường ngài. Mọi loài trong chúng sanh giới lúc ấy cũng cất tiếng cầu thỉnh ngài chuyển pháp. Pháp âm vừa xong, người trưởng thượng trong năm người là ngài A Nhã Kiều Trần Như liền đắc
thánh quả A La Hán. Một lần nữa đức Phật thuyết lại bài kinh Chuyển Pháp Luân này và tánh chất vô thường của vạn pháp,
lần này bốn người bạn khác của ngài đồng chứng quả A La HánẠ.
 Mở đầu bài pháp này đức Phật nói đến con đường tu Trung Đạo xa lìa các kiến chấp cực đoan bằng lời mở đầu như sau:
 Này các Tỳ kheo có hai điều thái quá mà người tu không nên theo. Thế nào là hai. Một là mê đắm dục lạc, đó là thấp hèn, phàm tục, không xứng phẩm hạnh của bậc thánh nhơn và vô ích. Hai là tu khổ hạnh, đó là khổ đau, không xứng phẩm hạnh của bậc thánh nhơn và vô ích. Này các Tỳ kheo chính là nhờ từ bỏ hai điều thái quá này mà Như Lai giác ngộ con đường Trung Đạo, con đường đem đến pháp nhãn, trí tuệ, đem lại an tịnh, thượng trí và giác ngộ Niết bàn”.

 Đức Phật kế đó giảng giải bài kinh và được tóm tắt lại như sau:
I. Chân lý về khổ. (Khổ đế). Ngài nói lên đầy đủ các sự khổ não của thế gian mà phàm phu do vì si mê không thể thấy được, đó là: Sanh là khổ, già là khổ, bệnh là khổ, tử là khổ, sống chung với người mình không ưa là khổ, xa lìa những người thân yêu là khổ, mong muốn không được là khổ và năm uẩn không thường là khổ.

II. Chân lý về các nguyên nhân của khổ. (Tập đế). Đề cập đến những nguyên nhân gây khổ đau đức Phật nhấn mạnh đến ái dục, vì ái dẫn đến sự tái sanh, ái làm đau khổ vì tâm tha thiết khao khát, bám víu các trần cảnh trong cuộc sống. Chính ái dục kéo theo nhục dục của ngũ trần, ái kéo theo các sự sinh tồn, sanh ái, luyến ái trong tư tưởng, hành động lầm lạc cho rằng thế gian là trường cữu vĩnh cữu. Và cũng chính ái kéo theo các ý tưởng không sinh tồn, đoạn diệt vì lầm lạc cho rằng sau khi chết là hết, là hư vô.

III. Chân lý về các trạng thái hỷ lạc sau khi dập tắt ái dục. (Diệt đế). Tại đây đức Phật đã miêu tả một cách chi tiết các cảnh giới an tịnh hay con gọi là Niết bàn, một trạng thái vắng lặng các ái dục và phiền não. Phiền não do ái dục sinh và khi ái dục đã hết thì phiền não cũng không còn. Trong các trạng thái hỷ lạc này đức Phật nói đến các quả chứng ngộ mà nơi đó hỷ lạc và an tịnh phát sinh.
1. Tu Đà Hoàn, một trạng thái chứng ngộ sơ quả, đã hết mê lầm nhưng còn chấp ngã nên phải trở lại dục giới nhiều nhất là 7 lần để thành tựu quả A La Hán.
2. Tư Đà Hàm, chứng bực cao hơn Tu Đà Hoàn và phải một phen trở lại sanh tử sau mới dứt hẳn.
3. A Na Hàm, đã dứt hẳn mê lầm, hết phải tái sanh trở lại.
4. A La Hán, quả vị cao nhất, có đầy đủ phước đức trí tuệ và hết phiền não sanh tử luân hồi.

IV. Chân lý về các pháp tu đưa đến sự hỷ lạc, an tịnh. (Đạo đế). Đức Phật trình bày thứ lớp các con đường tu để dập tắt các nguyên nhân của khổ đau. Các pháp đó là, A) Tứ Niệm XứẠ, B) Tứ Chánh CầnẠ, C) Tứ Như Ý TúcẠ, D) Ngũ CănẠ, E) Ngũ LựcẠ, F) Thất Bồ Đề PhầnẠ và G) Bát Chánh ĐạoẠ.

 Sau khi đức Phật độ xong năm người bạn đạo, ngài cùng đi với họ đến bờ sông Naci. Lúc ấy trời sập tối và có một người Bà La Môn trẻ tuổi tên Yasa đến bờ sông để cầu nguyện.
 Yasa nguyên là một con trai cưng trong một gia đình trưởng giả giàu có ở Ba La Nại. Anh sống trong sự huy hoàng giàu sang nhưng vẫn không cảm thấy được hạnh phúc. Ý chí tìm cầu một đời sống nội tâm luôn luôn thao thức trong anh và anh vẫn chưa tìm ra được một lối thoát. Nổi khao khát tìm đạo trong anh bỗng bừng cháy khi một hôm thức dậy vào buổi tối, anh trông thấy những nàng hầu nằm vất vưởng ngủ quanh phòng và nơi khóe miệng họ nước dãi chảy đầy ô uế, cảm thấy xót xa, xúc động và bức rức anh đi lang thang trên những con đường phố hướng dần ra bờ sông.
 Khi đến bờ sông và trông thấy đức Thế Tôn đứng bên kia bờ anh ta xúc động òa lên khóc và cất tiếng than van rằng: Ngài ôi! con thấy khốn khổ và đọa đày quá. Con không tìm ra được một con đường an tịnh cho chính con. Xin ngài hãy giúp đỡ và cứu độ con.  Đức Phật chậm rãi nói giọng từ hòa rằng: Này đạo hữu, nơi đây không có sự khốn khổ và không có sự đọa đày. Đạo hữu hãy đến và ngồi đây, Như Lai sẽ giảng giáo pháp cho ngươi nghe. Nghe xong Yasa quá đổi vui mừng bèn vứt bỏ đôi dép trên bờ sang sông để gặp đức Phật.

Tại đây đức Phật giảng giải Phật pháp cho Yasa nghe, ngài trình bày những nổi khổ đau của cuộc đời, nơi đó thật không có một hạnh phúc thật sự, tất cả đều chỉ là huyển ảo, tạm bợ và đem lại cho con người nhiều bất mãn. “Hạnh phúc thật sự không thể có được nơi những tài sản, danh vọng hay quyền lực thế gian, vậy mà chúng sanh lại đắm say vào các thứ này để từ đó tạo ra vô số các ác nghiệp. Họ theo đuổi hạnh phúc trong ái ân nhục dục và cho rằng đây là hạnh phúc bậc nhất nhưng đáng thương thay đâu là hạnh phúc thật sự khi tất cả chỉ là một sự thỏa mãn ước vọng nhất thời do tác động bởi ngã và vô minh si ám. Chỉ có hạnh phúc chân thật và cao thượng hơn hết là hạnh phúc của sự vươn mình vượt ra khỏi ái dục và những khoái lạc vật chất”. Đức Phật cũng giảng cho Yasa nghe về hạnh xả ly, trì giới và các cõi trời, về hạnh tri túc và con đường đạt đến chánh trí. Nghe xong Yasa giác ngộ được chân lý và xin quy y với đức Phật, trở thành người phật tử tại gia đầu tiên trong Phật giáo.
 Cùng đêm ấy người hầu của Yasa phát hiện ra chủ mình bỏ nhà ra đi và sợ rằng chủ mình sẽ gặp tai nạn nào đó nên báo cáo lên cha của Yasa. Hai người hốt hoảng đi khắp nơi tìm kiếm, cuối cùng hai người ra bờ sông và gặp Yasa cùng đức Phật ở đây. Nhân đó ngài đã giảng cho cha của Yasa nghe về những diệu đế trên. Nghe lần thứ hai này Yasa liền đắc thánh quả A La Hán và để tán thán nhân duyên hy hữu này đức Phật nói lên một bài kệ như sau:

Kẻ sắc phục huy hoàng,
bước vào con đường thánh.

 Cảm động ân đức này Yasa xin cha mời đức Phật đến thọ trai nơi nhà vào ngày hôm sau và giảng pháp cho mọi người trong gia đình nghe. Cha Yasa ưng thuận và thỉnh cầu lên đức Phật, ngài hoan hỷ nhận lời. Sau khi cung thỉnh được đức Phật đến nhà thọ trai vào hôm sau, Yasa cùng cha mình trở về nhà.  Sáng hôm sau đức Phật đến nhà Yasa thọ thực và nhân đó giảng pháp cho toàn thể gia đình Yasa nghe. Sau khi lãnh thọ giáo pháp xong cả gia đình Yasa đồng tỉnh ngộ và để trình bày lòng tin kiên cố của mình đến với giáo pháp mà ông vừa nhận được, cha của Yasa bạch cùng đức Thế tôn rằng:

“Thật là hy hữu thay! đức Thế tôn, cũng như có người dựng lại ngay ngắn một vật gì bị lật đổ, hay khám phá ra điều gì bị giấu kín từ lâu, hay vạch đường chỉ lối cho người lạc bước, hay rọi đèn soi sáng trong đêm tối cho người, giáo pháp mà đức Thế Tôn giảng bằng nhiều phương tiện cũng dường như thế” .
 Bạch đức Thế Tôn, chúng con xin được quy y Phật, Pháp và Tăng. Xin ngài thâu nhận con vào hàng thiện tín. Xin ngài cho phép con nương tựa nơi Tam Bảo từ ngày này cho đến giờ phút cuối cùng của đời conẠ.
 Riêng Yasa sau khi đắc thánh quả bèn xin đi xuất gia. Lúc bấy giờ trong làng, Yasa có bốn người bạn thân tên là Vimala, Subhabu, Punnaji và Gavampati nghe tin Yasa đắc thánh quả xuất gia nên cũng đến tìm gặp và thỉnh pháp với đức Phật. Yasa dẫn họ vào tiếp kiến ngài và do tuệ nhãn quán sát biết căn cơ họ đã thuần thục, đức Phật giảng các pháp vi diệu cho họ nghe và ngay sau khi thời pháp chấm dứt cả bốn người đồng đắc thánh quả A La Hán xin được xuất gia. Lúc đó trên cõi này có tất cả là mười vị A La Hán.

Nghe những chuyện kỳ lạ này, năm mươi người thanh niên trong hoàng tộc bèn đến gặp đức Phật và xin được nghe ngài giảng pháp. Sau khi nghe xong họ liền được độ và xin xuất gia tu học với ngài. Chẳng lâu sau tất cả họ cũng đều chứng quả A La Hán.
 Đức Phật lưu lại Lộc Uyển trong mùa mưa đầu tiên trước khi đi ngược trở lại về hướng Bồ Đề Đạo Tràng và đến thành Vương Xá. Trước khi ra đi ngài tập hợp sáu mươi vị A La Hán lại ân cần dặn dò và giao phó họ trách nhiệm hoằng pháp. Ngài dạy rằng:

Này hỡi các Tỳ kheo, Như lai đã thoát ra khỏi mọi sự trói buộc, dầu ở cảnh trời hay cảnh người. Các con cũng vậy, các con cũng đã thoát ra được những trói buộc của cảnh trời cảnh người. Hãy ra đi các Tỳ kheo để đem lại sự tốt đẹp và hạnh phúc cho nhiều người. Vì lòng từ bi hãy đem lại sự tốt đẹp, lợi ích và hạnh phúc cho chư thiên và nhơn loại. Mỗi người hãy đi mỗi ngã. Này hỡi các Tỳ kheo, hãy hoằng dương giáo pháp tốt đẹp trong ba thời. Hãy công bố đời sống thiêng liêng cao thượng, toàn thiện và trong sạch của các vị.

Có những chúng sanh vướng ít nhiều cát bụi trong mắt và nếu không nghe được giáo pháp họ sẽ bị sa đọa. Cũng sẽ có những người am hiểu được giáo pháp. Chính Như lai cũng ra đi hướng về Uruvela để hoằng dương giáo pháp. Hãy phất lên ngọn cờ của bậc thiện trí. Hãy truyền dạy giáo pháp cao siêu. Hãy mang lại sự tốt đẹp cho người khác. Được vậy là các con đã hoàn tất nhiệm vụϮ
 Tiếp tục cuộc hành trình chuyển hóa, một hôm trên đoạn đường đi lúc ngồi nghỉ dưới một gốc cây ngài gặp 60 người thanh niên đang chơi đùa chọc ghẹo mấy cô thiếu nữ. Khi một trong mấy cô ấy chạy mất nên cả đám họ đi tìm và gặp đức Phật lúc ấy đang ngồi dưới một gốc cây. Thấy đức Phật các chàng thanh niên lại gần và hỏi ngài có thấy một cô thiếu nữ đi ngang qua đây không?
Đức Phật hỏi lại:
– Theo ý các anh thì nên tìm một cô gái là hơn hay nên tự tìm
   mình là hơn?
– Thưa ngài dĩ nhiên tìm mình là hơn. Càc chàng thanh niên
   kia đáp.
– Đức Phật nói: nếu các anh ngồi lại đây một chốc, ta sẽ giảng cho các anh nghe sự thật.
 Tất cả họ đều quỳ xuống cung kính đảnh lễ và ngồi sang một bên im lặng lắng nghe lời Phật dạy. Đức Phật giảng giải đạo lý cho họ nghe và nhơn đây mọi người đều phát được lòng tin trong sạch, họ xin được quy y với ngài làm những người đệ tử tại gia của đức PhậtẠ.

Ba La Nại và Lộc Uyển ngược thời gian

 Tính chất thiêng liêng của thành phố này đã đóng một vai trò lịch sử trong chiều hướng phát triển đời sống tâm linh cho cả người dân Ấn thời xưa và mãi cho đến ngày nay. Vào thời kỳ đức Phật Ba La Nại có lẽ là một thành phố rất lớn vì ngài A Nan khi thỉnh cầu đức Phật nhập diệt nơi một trong 6 thành phố lớn này có đề cập đến thành phố Ba La Nại mà lúc bấy giờ tên là Kasi: “Bạch đức Thế tôn sao ngài không chọn chỗ nhập diệt ở các thành phố lớn như: Sravasti, Campa, Rajagrha, Saketa, Kausambi và Kasi mà ngài lại chọn nơi một ngôi làng nhỏ bé hẻo lánh này.Ạ”
 Trong cuốn Tây Vực Ký ngài Huyền Trang (thế kỷ thứ VII) cũng ghi một số nét về thành phố Ba La Nại này. Ghi rằng,  Ba La Nại tọa lạc về hướng tây sông Hằng rộng khoảng 4000 lý, dân chúng sống đông đúc ở vùng này, rất nhiều gia đình giàu có và nơi họ ở thường có nhiều bảo vật quý giá. Người dân tại vùng này rất nhân ái, thanh nhã và ham học. Đa số họ là người không có tín ngưỡng tuy nhiên họ cũng rất tôn kính giáo pháp đức Phật. Thời tiết dễ chịu, mùa màng phong nhiêu, cây cỏ xum xê và rừng rậm có ở khắp mọi nơiẠ.

 Đối với Phật giáo thì tính chất thiêng liêng ở đây được thiết lập kể từ khi đức Phật cất tiếng rống sư tử khởi chuyển pháp luân tại Lộc Uyển (cách Ba La Nại khoảng 7 dặm) vào khoảng 25 thế kỷ về trước. Lộc Uyển được khởi sự  biết đến kể từ thời gian đó. Theo như kinh truyện ghi chép thì Lộc Uyển không chỉ là nơi đức Phật Thích Ca thị hiện chuyển bánh xe pháp trong hiện tại mà cả 1000 chư Phật trong hiền kiếp này cũng đã và sẽ chuyển bánh xe pháp tại đây.

 Lộc Uyển có một chuyện tích kỳ thú như sau: Thuở xa xưa Bồ tát trong một kiếp phải thọ sanh làm nai và được cả bầy nai 500 con bầu làm nai chúa tại vùng này. Cũng trong khu rừng ấy có một đàn nai 500 con khác do nai chúa Đề Bà Đạt Đa (Devadatta) dẫn đầu. Vào lúc bấy giờ trong vương quốc nọ có một vị vua chuyên thích thú việc săn bắn và thường săn đuổi đốt rừng giết hại các bầy nai và bắt về ăn thịt. Thấy tình cảnh như vậy nên một hôm trong cuộc săn bắn của nhà vua, nai chúa một mình đi đến và thưa  thỉnh với nhà vua như sau:
“Đại vương! ngài đã thiêu đốt, săn bắn và giết chóc bao nhiêu là nai chúng trong khu rừng này. Trước khi mặt trời lên nhiều con phải chết, nhiều con đói không tìm ra thức ăn. Vậy từ nay xin Đại vương cho phép chúng tôi mỗi ngày được dâng nạp một con nai và như vậy Đại vương sẽ có được một món thịt tươi tốt và chúng tôi nhờ đó cũng kéo dài được mạng sống. Nhà vua vui vẻ đồng ý và rút đoàn quân săn bắn trở về.
 Thế là hai đàn nai trong khu rừng ấy cứ thay phiên dâng nạp sinh mạng một con nai mỗi ngày cho nhà vua. Một hôm có con nai mẹ trong đàn của Đề Bà Đạt Đa mang thai. Con nai cái ấy đến Đề Bà Đạt Đa và tâu lên rằng: Thưa ngài, nay đến phiên tôi dâng nạp mình cho nhà vua nhưng tôi đang có mang, con tôi không thể theo đó mà hy sinh luôn. Vậy xin ngài cho tôi khất hẹn cho đến khi sinh nở xong.
 Nai chúa Đề Bà Đạt Đa bấy giờ rất giận dữ và la lên rằng: Ai cũng quý sinh mạng mình, làm sao có thể tìm sinh mạng ai thay thế cho ngươi đây. Ngươi phải đi chịu chết.

 Con nai mẹ ấy rất buồn rầu than khóc và đi tìm phương giúp đỡ. Nghe có tin đồn rằng nai chúa của đàn kia rất có lòng từ bi nên nai mẹ ấy đến gặp và trình bày hoàn cảnh của mình. Nghe xong Bồ tát nai nói rằng: Câu chuyện đáng buồn nhưng ngươi với tình thương yêu của một người mẹ thật cao cả, ta sẽ hy sinh cứu mạng cho nhà ngươi.

Nai chúa một thân một mình đi đến cổng thành của nhà vua và mọi người trên đường phố khi ấy đều lấy làm lạ và nói lên rằng: lạ thay, lạ thay hôm nay nai chúa đi đến kinh thành. Dân chúng trong thành ai nấy chạy ra xem.

Nghe mọi người đồn nói như vậy, nhà vua chẳng tin nên sai người hầu chạy ra xem và quả thật người hầu cũng trình bày lại như vậy. Vua bấy giờ mới cho vời nai chúa vào và hỏi: Tại sao hôm nay nhà ngươi đến kinh thành?
 Nai chúa trả lời: Lẽ ra hôm nay có một con nai mẹ đến phiên nạp mình nhưng vì đang thời mang thai nên xin được thay thế. Tôi không thể cầm lòng được khi thấy nai mẹ ấy phải bị chết khi chưa được sinh con nên đến đây nạp mình thay cho nai mẹ ấy.
 Nhà vua nghe xong câu chuyện rất lấy làm cảm động và nói lên rằng: Hay thay! nai chúa, ngươi tuy là loài vật nhưng lại mang tâm người, còn ta thật xấu hổ thay tuy là người lại mang tâm thú. Nói xong nhà vua cho thả nai chúa ra và truyền lệnh rằng, kể từ nay những con nai không còn phải mỗi ngày nạp mạng cho nhà vua nữa. Vua cũng hiến tặng khu vườn ấy cho loài nai và kể từ đó khu vườn này được đặt tên là là Lộc Uyển.

Nơi Lộc Uyển này có nhiều câu chuyện khác liên quan đến những vị Độc Giác Phật đã bỏ thân nhập diệt tại đây khi hay tin đức Phật Thích Ca sắp hạ sanh từ cung trời Đâu Suất. Một vài kinh sách ghi rằng khi các vị Độc Giác Phật này nhập diệt họ bay lên hư không và Xá lợi họ rơi xuống vùng này nên khu đất này được gọi là Risipatana, nghĩa là: ‘nơi các vị ẩn sĩ rơi xuống’. Lúc ngài Huyền Trang đến đây ngài cũng còn trông thấy ngôi tháp đánh dấu nơi 500 vị Độc Giác Phật nhập diệt. Gần đó cũng có ba ngôi tháp khác đánh dấu nơi ngồi và đi thiền hành của ba vị Phật trước đức Phật.
 Sau thời gian đức Phật nhập Niết bàn, Lộc Uyển vẫn còn là một trung tâm tu học thuần tịnh tuy rằng không còn được phồn thịnh như khi đức Phật còn tại thế. Vua A Dục vào thế kỷ thứ III trước TL có đến đây chiêm bái đảnh lễ nơi ngài chuyển pháp luân và cho xây một số tháp tôn thờ đức Phật.

 Thời đại vua A Dục cũng là thời đại mà nền nghệ thuật đạt đến điểm cao nhất. Những nhà nghệ thuật thuộc Mathura đã cung cấp nhiều mẫu tượng độc đáo và trang trí cho những đền tháp tại Lộc Uyển này. Khi vua Kanishka trùng tu những tự viện ở Lộc Uyển và xây dựng những tu viện mới vào thế kỷ thứ nhất sau Tây lịch thì ảnh hưởng của nghệ thuật Mathura vẫn còn tiếp tục. Năm 87 sau Tây lịch, vị tăng Bala người Mathura đã tạc và cúng dường một pho tượng Bồ tát to lớn được chạm khắc bằng cát đỏ. Nhưng có thể nói truyền thống nghệ thuật này đạt được những đường nét thẩm mỹ cao nhất là vào triều đại của những hoàng đế Gupta (thế kỷ thứ IV đến thứ VI sau Tây lịch). Trong thời đại này ngôi điện thờ trung tâm được mở rộng và bề mặt của tháp Dharmekkha được làm lại bằng đá có chạm khắc một cách thanh nhã.
 Ngài Pháp Hiển từ Trung Hoa sang học tại Ấn Độ vào thế kỷ thứ V có ghi lại rằng, vào thời gian ngài đến Lộc Uyển lúc ấy có hai tự viện và 4 ngôi tháp lớn, cũng có một số đông tăng sĩ tu học tại đâyẠ. Rải rác đó đây trong Lộc Uyển có một số ngôi tháp đánh dấu nơi mà vạn ức năm xa xưa đức Phật Thích ca và ngài Di Lặc được thọ ký về sự giác ngộ của họ trong tương lai.

Trong các ký sự ghi lại những di tích Phật giáo ở Ấn Độ thì tập ký sự của ngài Huyền Trang được đánh giá cao hơn hết vì ngài đã ghi chép lại đầy đủ và chi tiết mọi sự kiện trong thời gian ngài viếng thăm Ấn Độ kể cả phong tục, văn hóa, thời tiết, và tinh thần của người dân bản xứ. ở nơi Lộc Uyển này ngài cũng tả chi li về các di tích tại đây: “nội trong khuôn viên của nó mà thôi cũng đã có nhiều di tích đánh dấu sự hiện hữu của đức Phật và ba trăm điện thờ cùng với tháp. Nào nơi đây đức Thế tôn đã tắm, nơi kia đức Thế tôn rửa chiếc bình bát khất thực. Một nơi khác là nơi ngài thường giặt y áo. Rồi những tháp lớn nhỏ xung quanh đánh dấu các truyền tích về những đời tái sanh trước của ngài. Nơi đây trong một kiếp quá khứ Bồ tát đã từng làm con voi sáu ngà, rồi một kiếp khác làm con chim, nơi kia ngài đã từng làm một con nai chúa và một chỗ khác có tháp đánh dấu ngài trong một kiếp làm thỏ đã bố thí thân mạng mình làm thức ăn cho một người đi đường đang đói khác”.
 Khi chúng tôi (ngài Huyền Trang) đến viếng nơi này thì Lộc Uyển có khoảng 30 tự viện và 3000 tăng sĩ tu theo truyền thống Samatiya (Chánh Lựợng Bộ). Cũng có hàng trăm ngôi đền thờ Deva thuộc Ấn giáo và 10.000 du sĩ ngoại đạo. Họ tôn thờ đấng Đại Thiên và thực hành các pháp tu khổ hạnh như cắt tóc, buộc tóc, thân không mặc quần áo và trét tro đầy người. Bằng những pháp tu ấy họ mong cầu được giác ngộ giải thoát khỏi sinh tửẠ.

Vào thời gian đó Lộc Uyển đã trở thành một trung tâm quan trọng của những tu sĩ Samatiya, một trong 18 tông phái Phật giáo rất đang thịnh hành tại Ấn Độ lúc bấy giờ. Phía đông bắc thành phố, mạng tây của dòng sông Varana có một ngôi tháp cao 100 feet do vua A Dục xây dựng với một trụ đá dựng ở trước mặt. Trên bề mặt trụ đá chói lọi và sáng như gương, phẳng và láng như nước đá. Trên đó người ta cũng thường thấy hình bóng của đức Phật.

 Cách dòng sông Varana về hướng đông bắc khoảng 10 lý, có một tự viện rất lớn khác. Tự viện này gồm có tám dãy phòng nối nhau với những bức tường bao quanh. Tại đây những tháp lớn với các lan can được xây dựng với một kiến trúc rất tinh vi. Gần đó có một tịnh xá khác cao khoảng 200 feet. Tất cả kiến trúc này được xây bằng đá nhưng những tháp bên trong thì xây bằng gạch. Chính giữa tịnh xá có đặt một tượng Phật bằng đồng theo tư thế đang chuyển pháp luân.

Hướng tây nam của tịnh xá có một tháp đá được xây dựng bởi vua A Dục (Ashoka). Mặc dù nền tháp bị hư tháp vẫn còn cao 100 feet hoặc hơn với bờ tường còn sót lại. Trước kiến trúc này có một trụ đá cao 70 feet. Chính nơi này đức Phật đã đến đây và chuyển pháp luân lần đầuẠ.
 Không xa lắm từ nơi này là một nền tháp khác đánh dấu nơi ở của năm người bạn đồng tu với đức Phật và khi thấy ngài từ xa đi lại, họ đã bàn với nhau là không nên đứng dậy chào và cung kính ngài.

 Phật giáo thịnh đạt và phát triển trong một thời gian dài ở Lộc Uyển là do sự ủng hộ của các hàng vua chúa và những tầng lớp trung lưu giàu có. Đến thời gian cực thịnh Lộc Uyển đã trở thành một trung tâm nghệ thuật và giáo dục cũng như những hoạt động tín ngưỡng. Tuy nhiên các ảnh hưởng này đã mất dần kể từ cuối thế kỷ thứ XII sau khi quân đội Hồi giáo sang xâm chiếm Ấn Độ. Sử liệu ghi lại rằng Lộc Uyển bị phá hoại và điêu tàn nặng nhất trong thời gian này. Cuộc tấn công đầu tiên do một ông vua Hồi giáo tên là Mohamet và trong lần đánh chiếm này ông ta đã cho phá tan hàng trăm ngôi chùa tại Ba La Nại và Lộc Uyển, giết đức vua và phá tan thành phố. Lịch sử ghi lại rằng cả một trung tâm thánh địa Phật giáo rộng lớn đã trở thành đỏ thắm bởi màu máu. Sau khi cướp bóc ông ta đã cho chở về nước hơn 1400 con lạc đà chứa đầy châu báu. Lần đánh cướp thứ hai của một ông vua Hồi giáo khác tên là Kutubuddin xảy ra vào năm 1194 đã biến thành phố Ba La Nại và Lộc Uyển thành bình địa hoang tàn.

Kể từ thời gian đó Lộc Uyển đã dần dần trở thành một nơi của lãng quên, của hoang tàn đổ nát. Lịch sử Lộc Uyển và thành phố Ba La Nại đã chìm vào quên lãng trong suốt những thế kỷ sau đó. Ánh sáng của nơi thiêng liêng này hé dần bắt đầu vào thế kỷ XIIX năm 1794 khi một quan viên của thành phố Ba La Nại do xây cất dinh thự đã sai những người thợ vào khu vực Lộc Uyển để lấy gạch đá đem về. Khi đống gạch nơi tháp bị kéo sập người ta tìm thấy một hộp đá trong có chứa xương và một tấm thẻ bài ghi chú. Không biết đây là Xá lợi của Phật người ta đem vứt xuống sông HằngϮ

ở phần này có nhiều tài liệu ghi khác nhau. Theo cuốn “The Holy places of Buddha” thì lúc những người thợ kéo sập đống gạch đá nơi ngôi tháp, họ tìm thấy một hộp bằng đá nằm rất sâu bên trong cùng với nhiều mảnh tượng và các tấm thẻ bài, một hình tượng đức Phật được chạm khắc với niên đại Samvat 1083. Bên trong hộp này có một chiếc hộp khác bằng cẩm thạch trong có chứa xương Xá lợi Phật, một số ngọc trai, hồng ngọc, vòng tai bằng vàng và bạc. Hộp cẩm thạch được giao cho một viên chức hành chính Ronathan Dunkan, nhưng ông ta không nhận được hộp bằng đá. Cunningham nhà khảo cổ học người Đức đã tìm cách xác định vị trí của hộp bằng đá này nhưng không tìm ra các sử liệu nào ghi chép về nó. Những hình tượng, các thẻ bài và pho tượng Phật cũng biến mất. Người ta tiến hành việc tìm kiếm pho tượng Phật và sau cùng nó được tìm thấy bị bể  bên trong những tảng đá khác bị dời khỏi ngôi tháp. Trong nỗ lực truy tìm chiếc hộp bằng đá, Cunningham đã đến một người công nhân già và theo lời ông ta kể thì ông ta đã để lại chiếc hộp ấy nơi chỗ cũ của nó. Theo sự hướng dẫn của ông ta cuối cùng Cunnningham đã đào lại được chiếc hộp đá đó Ạ

Các cuộc khai quật do nhà khảo cổ học Cunningham đưa ra ánh sáng hầu hết các di tích của Phật giáo mà trong suốt nhiều thế kỷ qua đã bị quân đội Hồi giáo tàn phá và vùi lấp. Cũng trong các cuộc khai quật này người ta đã đào bới được nhiều nền móng tháp và tự viện cổ xưa. Một số tháp có niên đại vào thời đại vua A Dục trong khi một số hàng rào bao lơn có niên đại vào thời kỳ Sunga, xác định rằng các tháp Dharmarajika, Dhamekkha đã từng được bao quanh bởi những bao lơn có hình dáng giống như đại tháp ở Sanchi. Những bia ký được tìm thấy nơi đây cũng ghi nhận rằng tháp Dharmarajika và Dharmachakra đã được sửa sang bởi Sthirabala và Vasantabala trong năm 1026 theo lời yêu cầu của nhà vua Mahibala.

Tiếp theo sau các cuộc khai quật và nghiên cứu của nhà khảo cổ học Cunningham là một loạt các công trình khảo cổ và nghiên cứu tại những thánh tích Phật giáo khác ở Ấn Độ. Tuy nhiên Lộc Uyển có thể được xem là một địa điểm khảo cổ quan trọng vì những mẫu vật mang tính chất rất nghệ thuật được tìm thấy ở đây. Trong khi các công trình khai quật đang được tiến hành thì Lộc Uyển cũng dần được sáng tỏ nổi bậc lên trong lịch sử tôn giáo ở Ấn Độ. Tuy nhiên công trình nghiên cứu vùng này đến quá trể nên không thể cứu vãn được ngôi tháp Dharmarajika, và giờ đây do bị tàn phá và hư hại nặng nề trong cuộc đào bới tìm vật liệu xây dựng năm 1794 mà tháp này hiện chỉ còn là một nền móng phẳng lì rộng lớn.

Trong các cuộc khai quật ở Lộc Uyển người ta tìm thấy tổng cộng hơn 300 tượng Phật tại đây. Điều này đã xác định tầm quan trọng của Lộc Uyển như là một trung tâm nghệ thuật từ những thời đại Gupta cho đến thế kỷ XI. Trong các pho tượng được khám phá có những pho tượng Phật rất mỹ thuật đã từng đánh động các nhà sử học và những sinh viên ngành nghệ thuật Phật giáo quan tâm. Đó là bức tượng đá tạc hình đức Phật đang kiết ấn Chuyển Pháp Luân. Một số các tượng Heruka và Tara cũng được tìm ở đây cho thấy rằng truyền thống Phật giáo Tantra đã từng có mặt tại đây. Hầu hết các pho tượng này có thể được nhìn thấy tại Bảo tàng viện Lộc UyểnẠ.

Theo Cunningham thì hầu hết các cuộc khai quật cho thấy Lộc Uyển đã từng bị những nạn hỏa tai lớn. Phần lớn các kiến trúc được ghi nhận là đã bị cướp phá và đốt cháy nhiều lần. Những di vật, các mẫu gạch, các nền móng tháp, chùa viện được tìm thấy trong màu xám đen của tro đốt. Một vài tháp lớn như tháp Dharmekkha còn lại ngày nay là do nhờ những chiếc kiềng bằng sắt chắn trên những viên đá của mặt tháp Dharmekkha và có thể do đó mà tháp khỏi bị sụp đổ và tiêu hủy như những đền tháp tự viện khác.
 Kế bên đại tháp là khu vực khảo cổ gồm nhiều nền móng các tự viện xưa được khai quật lại. Khu vực này mang tên Kittoe vì do ông Kittoe đào bới từ 1934 đến 1937. Khu vực này nguyên mỗi bề dài 33m và có tất cả gần 28 tăng phòng.

Các cuộc khai quật gần đây đã tìm ra một mảnh của một trụ đá vĩ đại được vua A Dục cho xây tại Lộc Uyển để đánh dấu nơi đức Phật gởi 60 người đệ tử A La Hán đầu tiên đi khắp nơi để hoằng truyền giáo lý đức Phật. Trụ đá được tìm thấy gãy gần sát đất, có lẽ do bị sấm sét và nền của nó được bao quanh bởi một hàng rào bằng thép. Trụ đá này nguyên thủy cao 15.24m được làm bằng đá nguyên khối và thân trụ được chà bóng lưỡng. Đầu trụ có hình sư tử bốn đầu mỗi đầu quay về mỗi hướng tượng trưng cho giáo lý hòa bình của đức Phật sẽ truyền rộng khắp bốn phương thế giới. Dưới chân của tượng sư tử bốn đầu là bốn con vật cùng với bốn bánh xe pháp, mỗi bánh xe có 24 căm tượng trưng cho 24 pháp của đức Phật. Bốn con thú là: ngựa, bò, voi và sư tử. Ngựa tượng trưng cho sự xả bỏ của đức Phật, bò tượng trưng cho dấu hiệu xuất thế của đức Phật, voi tượng trưng cho sự uy dũng của đức Phật và sư tử tượng trưng đức Phật thuộc dòng dõi này. Nền bên dưới là những cánh sen liên hệ đến sự đản sinh của đức Phật khi ngài bước đi bảy bước và dưới chân ngài những đóa sen hiện ra.

Về trụ đá của vua A Dục thì ngài Huyền Trang có tả rõ như sau: Phía tây nam ngôi chùa có một ngôi tháp do vua A Dục dựng lên dù bị đổ nát nhưng cũng còn ba bức tường dài độ 30m rất trơn láng chẳng khác gì ngọc thạch… Phần dưới trụ đá có khắc hàng chữ bằng mẫu tự Bramin theo lệnh của vua A Dục:
 “Đấng thiên nhơn sư đã dạy rằng, Giáo hội Tăng Ni không được chia rẽ. Nếu có vị Tỳ kheo nào phá hoại giáo hội, vị ấy phải mặc đại y và phải ở một chỗ thanh tịnh chí thành sám hối. Chỉ thị này phải được tuyên bố khắp nơi cho giáo hội Tăng chúng và Ni chúng được biết. Hoàng đế ban rằng một chỉ thị như vậy được chạm khắc vào chỗ hội họp, chỉ thị ấy phải được triệt để thi hành…Ạ”
 Có hai bia ký nữa được chạm bằng chữ Kushana có niên đại vào thời kỳ vua Kanishka (thế kỷ thú I sau TL). Những bia ký này đang được lưu giữ tại bảo tàng viện Lộc Uyển.

Di tích lịch sử.

Tháp Chaukhandi:
Nằm gần con đường tẻ đi vào Lộc Uyển và cách không xa từ viện bảo tàng khảo cổ Lộc Uyển. Tháp này đánh dấu nơi đức Phật gặp lại năm người bạn khổ hạnh đồng tu. Theo các tài liệu ghi chép lại thì tháp này được xây dựng trong thời đại Gupta tức là vào khoảng thế kỷ thứ V sau TL. Trong những thời gian sau này khi Lộc Uyển bị tàn phá và rơi vào quên lãng thì tháp này cũng như những nơi khác ở Lộc Uyển đã bị dân làng đến lấy gạch đá đem về xây dựng. Tháp hiện chẳng còn gì ngoài một mô đất cao với những phần gạch còn sót lại. Phần trên của ngọn tháp là một kiến trúc hình bát giác do vua Humayun cho xây dựng vào thế kỷ thứ XVI để tưởng niệm nơi ông đã từng lánh nạn cùng với sự cứu giúp của một sư cô tên là Mamta.
 Ngày nay ngôi đền hình bát giác ấy vẫn còn, đứng chơ vơ trên một nền gạch rộng lớn với các bụi cỏ hoang dại rải rác khắp nơi thiếu người chăm sóc.

Dharmekhastupa (Tháp chuyển pháp luân):
Đại tháp này nổi bậc trong khuôn viên rộng lớn của Lộc Uyển. Đây là một trong những kiến trúc to lớn còn sót lại sau thời gian bị tàn phá. Nhà khảo cổ Cunningham khi cho đào bới phần trên cùng của ngôi tháp thì tìm thấy một tấm bản đá ghi “Dharmekkha” nói rằng đây là nơi đức Phật thuyết giảng bài pháp đầu tiên. Dharmekkha dường như bắt nguồn từ “Dharma Chakra” nghĩa là chuyển bánh xe pháp. Tấm bảng đó cũng đề cập rằng đây là nơi mà năm anh em Kiều Trần Như sống và tu khổ hạnh sau khi họ từ bỏ đức Phật tại Bồ Đề Đạo Tràng.. Đại tháp này nguyên được vua A Dục cho xây vào khoảng năm 300 trước TL. Kích thước hiện tại của tháp này với chiều cao là 31,3m và đường kính là 28.3m. Phần dưới của đại tháp được bao quanh với những phiến đá có đường nét chạm trỗ xinh đẹp về những loại hoa kiết tường, hoa sen. Trên những đường nét chạm trổ đó có 8 khám thờ bằng đá kích cỡ vừa đủ cho một tượng Phật như người thật ngồi bên trong. Nhưng ngày nay thì các pho tượng ấy đã không còn nữa.

Các nền tháp tự viện:
Từ bên ngoài đi vào và mặt sau của đại tháp Dharmekkha là một vùng rộng lớn gồm nhiều nền móng tháp và các tự viện khi xưa. Theo ngài Huyền Trang thì nơi đây trong thời ngài có khoảng 30 tự viện và 3000 tăng sĩ tu học. Có lẽ sự hưng thịnh của Phật giáo tại nơi đây thật sự bắt đầu chấm dứt vào thời gian người Hồi giáo xâm chiếm và tàn sát vùng này.
    Năm 1794 trong các cuộc khai quật của nhà khảo cổ Col. C. Mc Kenji và Cunningham sau đó các xương Xá lợi Phật đã được tìm thấy từ tháp Dharmarajika. Theo sự ghi lại của ngài Huyền Trang thì trước đại tháp này có một trụ đá của vua A Dục.

Ashoka Pillar (Trụ đá vua A Dục):
Kế bên khu vực khảo cổ, bên trong một hàng rào sắt là một phần của trụ đá vua A Dục. Nhà vua cho xây trụ đá này vào khoảng 250 trước TL trong dịp đi chiêm bái các thánh địa Phật giáo tại vùng này. Trụ đá nguyên thủy cao 21.33m trên đỉnh có tạc tượng sư tử bốn đầu. Thời gian sau trụ đá bị gãy và trong các cuộc khai quật sau này người ta đã tìm thấy được phần trên của trụ đá, phần này được đưa vào trưng bày trong bảo tàng viện khảo cổ ở Lộc Uyển. Phần dưới thân trụ đá vua A Dục cho khắc những hàng chữ Bramin khuyến bảo các đệ tử Phật nên sống hòa hợp trong tăng đoàn. Theo các ký sự ghi lại thì trụ đá này đánh dấu nơi đức Phật sai phái 60 người đệ tử A La Hán đầu tiên trong giáo đoàn đi khắp nơi để tuyên dương Phật pháp.

Vườn nai:
Mặt bên của khu vực đào bới khảo cổ trong phạm vi Lộc Uyển là một khu vườn nai rộng lớn. Tại đây người ta có thể trông thấy nhiều loại nai khác nhau. Cách đó không xa là một số chuồng khác và một vài hồ nhỏ nơi người ta nuôi một số chim đủ loại.
 

Những thắng tích  thời đại:

Bảo tàng viện khảo cổ: Bảo tàng viện này được thành lập vào năm 1910, trong có cất giữ nhiều tượng Phật cổ xưa quý báu. Một số các tượng Bồ tát, tượng hộ thần theo truyền thống Kim Cang Thừa cũng được thấy tại đây. Trong bảo tàng viện này có hai vật thật đặc biệt một là tượng Phật được tạc theo tư thế chuyển Pháp luân, diện mạo trông thật sống động và đầy nét an tĩnh tự tại của một bậc giác ngộ.  Hai là phần trên của trụ đá A Dục gồm có tượng sư tử bốn đầu quay về 4 hướng khác nhau. Tượng đầu sư tử này trông còn nguyên vẹn và bóng lưỡng. Chính phủ Ấn Độ cũng lấy dấu hiệu này làm quốc huy của mình cũng như cho in biểu tượng này trên các tờ giấy bạc. Hầu hết các tượng đá Phật giáo đều bị đẽo cả mắt tai trông thật đau lòng.

Mulgandha Kuti.
(Tịnh xá Hội Đại Bồ Đề): Từ cổng chính đi vào Lộc Uyển là ngôi tịnh xá Mulgandha Kuti cao lớn sừng sững. Ngôi tịnh xá này nguyên được Hội Mahabodhi cho xây dựng vào năm 1931 với chiều cao 30.48m. Lối kiến trúc của tịnh xá này lấy từ mẫu của Đại tháp Bồ đề ở Bồ Đề Đạo Tràng. Bên phải của tịnh xá là một khu vực nhỏ, nơi có tạc hình tượng của đức Phật và năm anh em Kiều Trần Như ngồi nghe pháp xung quanh. Sau lưng tượng đức Phật là cây Bồ đề, được chiếc nhánh từ cây Bồ đề nguyên thủy tại Tích Lan. Cây Bồ đề này được xem là đời thứ ba so với cây Bồ đề tại Bồ Đề Đạo Tràng.

Chùa Tàu:
Không xa lắm từ tịnh xá Mulgandhakuti là chùa Tàu được kiến trúc theo kiểu mẫu Trung Hoa. Chùa đầu tiên tạo dựng do ông Leechoon Seng, tỉnh Phúc Kiến Trung Hoa năm 1939. Thời gian gần đây được biết chùa đã hiến tặng lại cho Phật Quang Sơn nguyên do ngài Tinh Vân Lãnh đạo tại Đài Loan. Bên trong chánh điện có tôn thờ một tượng Phật bằng ngọc cẩm thạch được tạc theo kiễu mẫu Miến Điện.

Chùa Tây Tạng:
Chùa này là một kiến trúc tiêu biểu của nền Phật giáo Tây Tạng tuy không lớn lắm. Bên ngoài cổng tam quan có tượng hai con lân lớn ngồi chầu. Vào sâu trong chánh điện ngay ở giữa là một tượng Phật Thích Ca rất lớn tay kiết ấn Chuyển Pháp Luân cao khoảng 4.5m. Bên phải tượng là ngài Xá Lợi Phất và bên trái là ngài Mục Kiền Liên. Mặt sau của bức tượng là những họa hình theo kiểu Thangka Tây Tạng rất đẹp, cả bốn bên tường cũng có họa nhiều hình Thangka nhưng đã phai màu qua thời gian. Hai bên điện thờ cũng được trang trí một ngàn vị Phật nhỏ bằng đồng được đựng trong các tủ kính.

Viện Phật học quốc tế:
Cách chùa Tây Tạng khoảng vài trăm mét là một Phật học viện Tây Tạng tương đối tầm cở gồm nhiều phân khu khác nhau để các sinh viên nghiên cứu. Viện này được khởi xướng vào năm 1970 và đến năm 1977 viện mới chính thức được chính phủ Ấn tài trợ. Đại học Phật giáo này đào tạo các cấp bậc cử nhân và cao học. Nơi đây có một thư viện tầm cở gồm nhiều bộ Đại Tạng Kinh khác nhau như: Đại Tạng Tạng 310 bộ in theo kiểu mới và được ấn hành tại Mỹ; Đại Tạng Hán 162 bộ; một phần ĐạI Tạng Phạn gồm 20 bộ, Đại Tạng Pali, Anh và Hindi. Thư viện cũng có nhiều băng giảng Cassette, băng Video, những loại máy móc tìm, in tài liệu tối tân như máy đọc microfilm, máy in microfiche. Người ta có thể dùng các loại máy này để đọc hoặc in ra 35.000 cuốn kinh sách tiếng Tây Tạng tại đây. Cũng có một nhà in để in các tài liệu, kinh sách nghiên cứu cho sinh viên. Phần lớn các bản kinh, luận bị thất lạc tại Ấn Độ nay cũng được dịch lại từ Tạng ngữ ở nơi viện Phật học quốc tế này. Hiện có khoảng 300 sinh viên đang học tại trường.

Chùa Miến Điện và nhà khách:
Từ trong khu vực khảo cổ Lộc Uyển người ta có thể nhìn thấy cổng tam quan của chùa Miến Điện. Chùa này có một tượng Phật tuy nhỏ nhưng rất đẹp. Những người khách hành hương cá nhân có thể xin phép nghỉ lại tại nhà khách chùa Miến Điện này mà không gặp nhiều khó khăn.

Sông Hằng:
 Trong nhiều đoạn kinh đức Phật thường nói đến sông Hằng, so sánh cát ở con sông này mỗi khi đức Phật muốn nói đến con số không thể đếm kể được như: ‘Hằng hà sa số chư Phật, chư vị Bồ tát, Hằng hà sa số thế giới.v.v… Sông Hằng này bắt nguồn từ dãy Hy Mã Lạp Sơn chảy xuyên suốt qua Tây Tạng và Ấn Độ với độ dài trên 5575 Km. Ấn Độ là một quốc gia rộng lớn nhận nhiều nguồn nước từ con sông này nhưng khi nói đến tính chất thiêng liêng của Sông Hằng người ta thường liên tưởng đến một vài khúc sông đặc biệt nơi đó người dân Ấn thường tắm rửa, cầu nguyện, lễ bái, thiền định và quy tụ về hàng năm mỗi khi đến ngày đại lễ của họ. Mang tính chất đặc biệt nhất của con sông Hằng là vùng đền thờ và Ghat để tắm và cầu nguyện ở Ba La Nại, nơi mà người dân Ấn tôn sùng và kính ngưỡng như là một nơi linh thiêng bậc nhất.

 Tại Ba La Nại chạy dọc theo khu phố chợ là các hẻm nhỏ dẫn xuống con sông Hằng. Xuống đến gần bờ sông có rất nhiều thang cấp nối liền với mực nước của con sông. Đây là nơi tắm rửa, giặt giũ hoặc là nơi tu tập mỗi sáng của người Ấn giáo.
 Vào tháng ba năm 95 chúng tôi cùng một phái đoàn bên Đức đến viếng nơi sông Hằng này vào buổi sáng sớm. Có lẽ hôm ấy là ngày lễ đặc biệt của hàng tu sĩ Ni Kiền Tử chăng vì khi chúng tôi đến có khoảng hơn trăm tu sĩ Lõa thể đứng tụ tập bên sông. Sau đó họ từng nhóm hoặc đi trên sông, hoặc cỡi ngựa theo hai bên bờ hoặc ngồi quây quần chung quanh các đống lửa. Thân thể trần truồng, tóc râu dài lê thê và mình đầy những tro trông đến dị kỳ.

Quả thật xứ Ấn Độ sau hơn 2500 năm từ thời Phật còn tại thế mà vẫn còn mang nhiều màu sắc cổ tục lạ lùng. Tôi tưởng chừng như ở nơi đây thời gian dường như bị ngưng đọng lại và những gì Phật nói khi xưa đều có thể trông thấy ở ngày nay. Một lần xem cuốn phim “Little Buddha” tôi thấy quang cảnh dàn dựng thời đức Phật thật đẹp và hay và cũng rất giống quang cảnh ngày nay của xứ Ấn Độ. Cũng những chiếc sari muôn màu sắc của phụ nữ và những khố trắng lam lũ bạc màu ấy thuở trước, những khu nhà xưa cổ kính và những đoàn người gồng gánh khiêng vác mua bán rao rêu, cũng những đám bụi mờ trên đường phố và người vật chen chúc nhau đi qua lại. Tôi cười nói với thầy Hạnh Tấn rằng, chà! họ đóng phim thời đức Phật như vầy thật chẳng cần tốn nhiều tiền để dàn dựng quanh cảnh, vì cảnh thời đức Phật và nay chẳng khác lắm, khác chăng là chỉ thêm vài chiếc xe hơi, xe buýt.

Sông Hằng là một nơi lý tưởng để xem cảnh trời mọc lúc bình minh. Người hành hương thông thường thức dậy từ sáng sớm ra nơi con sông Hằng này để xem cảnh mặt trời mọc và cảnh những người Ấn giáo tu tập tắm giặt bên sông. Mọi người có thể đi ghe trên sông để nhìn ngắm quang cảnh chung quanh. Phía trên dòng sông là nơi hỏa thiêu xác người. Tại đây chỉ là một bãi đất trống và xác người được mang đến trên một chiếc cáng gỗ bằng hai thanh cây đơn sơ. Cái chết ở một vùng đất tâm linh lạ thường như vậy đó. Tầm thường và đơn giản đến bạc bẽo vô tình. Khi tiễn đưa người quá cố cũng chẳng có kèn trống lễ nhạc, cũng chẳng có tiếng khóc than tủi phận của người thân trong gia đình. Chỉ có bốn chàng thanh niên mang cáng và một vài người thân nào đó lặng lẽ đi theo sau.

Người Ấn tin tưởng rằng dòng sông Hằng là nơi linh thiêng và cao quý vì nước sông này có thể rửa sạch tội lỗi của người quá cố. Thế nên dù chết ở bao xa họ cũng cố gắng mang về đây hỏa táng và ném tro xuống dòng sông. Thông thường có bốn loại người khi chết sẽ không bị thiêu đốt và ném xuống dòng sông Hằng, đó là: người bị rắn cắn, người bị trúng độc, em bé nhỏ và một vị hiền trí. Niềm tin của người Ấn cho rằng người bị rắn cắn chết và người bị trúng độc chết có thể được cứu chữa bởi một loại linh dược nào đó khi cơ may này đến nên sẽ không bị thiêu. Một em bé mới sanh thì còn trong trắng, ngây thơ chưa tạo ra tội lỗi nên không phải thiêu đốt và ném xuống dòng sông để được rửa sạch tội lỗi. Một bậc hiền trí thì đã có công năng tu tập loại bỏ được phiền não tội lỗi nên cũng không cần phải được rửa sạch tội lỗi nơi dòng sông này.

Những mẩu chuyện.
 Chúng tôi đến Ba La Nại rất nhiều lần, mỗi lần là mỗi hướng và mỗi phương tiện. Có khi chúng tôi đi tàu lửa từ Bodhgaya, có khi đi xe buýt từ Gorakhpur và có khi lại đi máy bay từ Delhi. Đoạn đường hành hương có nhiều hướng khác nhau nhưng thường là chúng tôi muốn chọn cho mình một kinh nghiệm hiểu biết. Lần đi gần đây nhất là đi máy bay từ Delhi. Chuyến đi ngắn ngủi đến tệ vì chỉ thoáng sau một bửa ăn là máy bay bắt đầu đáp xuống Ba La Nại. Người ta không có thời gian để nhìn và để hiểu những đoạn đường từ Delhi đến Ba La Nại trên những con tàu hoặc trên những chiếc xe buýt được gọi là tối tân hiện đại.
 Lần đầu tiên đến đây tôi ngỡ ngàng ngắm nhìn thành phố xa lạ mang đầy màu sắc tôn giáo này. Thành phố không lớn lắm nhưng có rất nhiều các đền thờ Ấn giáo. Có những đền thờ to lớn lộng lẫy nhưng cũng có nhiều đền thờ nhỏ bé mang đầy lối kiến trúc cổ xưa. Các đền thờ ấy với những đền tháp nhòn nhọn vươn thẳng lên cao chen mình trong những đường phố ồn ào huyên náo của phố thị và ngày đêm tuôn phát ra các bài kinh tụng từ một hai chiếc loa gắn bên trên đỉnh đền. Người dân Ấn không phiền hà về việc này và cho đó là chuyện tự nhiên cần phải có để con người có thể ghi nhớ những lời kinh tụng khuyến dạy đạo đức của bậc thánh nhân.
 Tôi luôn luôn có cảm giác gần gũi với đời sống tâm linh nên có những dịp rảnh tôi cũng hay đi đó đây để tìm hiểu cho biết. Có lần cũng việc đi xem chùa ở sông Hằng mà tôi xem bị mắc lưới họ dù rằng cho đến nay tôi vẫn chưa đoan chắc là sẽ bị mắc lưới hay do vì trí quá sức tưởng tượng của tôi. Lần ấy sau khi được chiếc ghe chèo đưa đi đến thăm nơi hỏa thiêu xác người, anh chèo ghe dụ tôi đi thăm một đền thờ vàng nổi tiếng linh thiêng gần đó. Tôi nửa muốn đi cho biết nửa lại chẳng muốn vì sợ -lần đầu tiên đến Ấn mà, thấy ai ai cũng đen đúa râu ria xồm xoàm thật bắt ớn sợ- nên một mực chối từ.

Có lẽ cái tật nói dai nhách, dai còn hơn đĩa của mấy anh chàng Ấn đôi khi cũng thành công trong việc thuyết phục kẻ ngu ngơ nên anh ta cứ bám sát theo tôi mãi mặc dù tôi khoác tay từ chối đến hơn hai mươi lần. Vậy mà không hiểu sao trời xui đất khiến sau cùng tôi cũng nghe lời mà theo chân anh chàng ấy. Lần đi xuyên qua và len lách trong những con hẻm nhỏ đến chật người và cao vòi vọi của những tòa nhà nhiều tầng. Năm phút trôi qua đI xuyên những hẻm hóc ấy mà tôi vẫn chưa thấy đến mặc dù anh ta cứ luôn miệng nói rằng ở trước kìa, ở trước kìa. Tôi bắt đầu run bắn người vì chung quanh mình không một ai khác ngoài những người Ấn khác tò mò tôi lạ lùng. Không run sợ sao được khi trong túi tôi có vài ngàn đô và nơi đây chỉ có tôi nhỏ bé và một anh chàng Ấn to lớn trong một con hẻm nhỏ vắng người. Anh ta có thể dí dao hoặc dọa bóp cổ tôi để chận tiền lắm chứ. Và nếu chuyện ấy xảy ra thì quả thật đó là một chuyện xui xẻo trong ngu xuẩn vô cùng. Đi năm châu bốn bể, ngược xuôi bắc nam đông tây Ấn Độ cả trong đêm tối nữa không bị mà bị ban ngày ban mặt như đây thì thật là hết thời.

 Đúng như tôi có dự đoán trong đầu sau khi đi một lúc là chủ ý anh ta chẳng phải muốn dẫn tôi đến đền thờ Vàng nào đó -vì thật sự đến đó chẳng mang lợi gì cho anh ta- mà muốn dẫn tôi đến một tiệm bán tơ lụa gấm để lấy tiền dẫn mối. Anh ta nói vào đây một chút thôi, để coi không mua cũng được. Lại thêm những lời nói năn nỉ đường mật đến chết người. Tôi lại cũng ngu ngơ chấp nhận nhưng khi vào trong cái tiệm nhỏ như chiếc hộp ấy tôi mới lại hối hận. Vì khi bước vào anh ta liền gác ngang thanh gỗ và cài then cửa lại. Tôi lại giật mình đến thót người vì giờ đây trong căn hộp này có đến ba người. Nếu họ hành hung tống tiền và hạ sát tôi thì ai biết và rõ thật là xui. Ôi chao! lúc ấy sao Phật pháp và chánh niệm ở đâu tôi không thấy và không thể nhớ. Cái ngã khổng lồ lúc ấy đang ngự trị tâm tôi và tôi khi ấy chỉ biết có mình và có tiền của mình. Gặp phật tử tôi cũng thường nói chuyện đạo với họ và khuyên họ nhiều lắm mà, nào phá ngã, nào vô thường, xác thân này, tài sản này không phải của ta. Vậy mà chính tôi lúc ấy mới thấy thật là “của ta” hơn ai hết. Rõ là công phu tu tập mấy năm rồi chẳng mang lại một tý nào hiểu biết, ý thức và giác tỉnh về thân mình và ngoại cảnh chung quanh. Chuyện đời mà, phải chăng cớ sự khi xảy ra liên hệ đến chính bản thân này mình mới thấy thật và lo tìm phương cách chạy trốn. Ngay cả khi cái nguy, cái hiểm đến mình và có thầy bạn mình bên cạnh mình cũng cứ chạy để thoát mặc cho ai ra sao thì ra. Còn giả như lúc ấy có chút ý thức biết rằng làm vậy sẽ mang tiếng xấu cả đời nhưng có lẽ cái ngã và thân này được như ý thì cũng cứ thoát chẳng kể đến ai.

 Cũng may sự tình lúc ấy chưa đến hồi kết cuộc, chỉ đang ở đoạn giữa vì khi đó mấy anh chàng bán lụa gấm mới bày hàng ra chào tôi. Hết cuộn này đến cuộn khác anh ta cứ sổ tung ra và dơ cho tôi xem. Tôi đâu có ý mua đâu và tại sao lại cứ sổ tung hàng mấy chục cuộn vải gấm như vậy. Bộ hết chuyện gì làm rồi hay sao mà cứ làm vậy. Trong đầu tôi loay hoay tự hỏi và cố tìm cách thoát thân mà chưa biết ra sao, vì bỏ đi như vậy là phụ lòng anh dẫn mối và bỏ công hai anh chàng sổ tung vải chào khách. Sau cùng chịu không nổi nữa tôi đánh liều nói rằng tôi không mua đâu, cám ơn hai anh và mở nhanh thanh cửa chắn, tôi chạy tuốt ra ngoài. Bắn mình ra khỏi con hẻm tôi nói với lại: tôi không đi xem chùa nữa đâu, tôi đi về, và như vậy tôi chạy thật nhanh xuyên qua những con hẻm nhỏ. Đâu đó khoảng mười phút rồi mà tôi vẫn chưa ra được khu hẻm chằn chịt và cũng may cuối cùng tôi gặp một vài người cảnh sát đang ngồi trực ở một ngã ba hẻm. Hỏi lần đường ra cuối cùng tôi đến được chợ và cảm thấy hú hồn vì một phen trót dại nghe lời.

Với chúng tôi trong những lần đi sau đó thì Ba La Nại chẳng có gì đáng xem nhiều ngoài con sông Hằng mang nhiều tính chất kỳ bí qua các kinh điển hay qua nhiều lời truyền tụng. Sông Hằng không đẹp lắm nhưng trông đầy vẻ thiêng liêng huyền bí của những ngôi đền Ấn giáo xây dọc theo men sông hay những tiếng chuông ngân, tiếng loa, kèn luôn ngày tụng kinh chú ầm ỉ. Chúng tôi không biết linh thiêng ở chỗ nào nhưng tất cả người dân Ấn nam nữ, già trẻ đều tin như vậy và xuống sông tắm mỗi khi có dịp. Họ thường xuống sông tắm vào buổi sáng, vốc nước cúng dường cầu nguyện và tin rằng dòng dông này làm nơi rửa sạch linh hồn cho các người quá cố. Họ làm vậy với đầy lòng sùng kính và tin tưởng nhưng chúng tôi thì lấy làm ghê vì con sông này thật là dơ không thể tả. Bao nhiêu xác người, xác vật và tro cốt của người chết đều được ném xuống sông Hằng, nơi khúc sông này. Có lúc chèo ghe trên sông chúng tôi thấy những xác con trâu, con bò hoặc đôi lúc một xác ngươi bập bềnh trôi qua lại. Thế đấy dòng sông Hằng có những chuyện kỳ quái đến lạ lùng như vậy đấy.

Mỗi lần đến là mỗi lần chúng tôi đi xem sông Hằng lúc bình minh. Cảnh trạng trên sông thật đẹp khi mặt trời vừa lên, còn trước đó thì cảnh tượng mang màu sắc yên tĩnh của buổi tối trời. Lần đầu đến đây chúng tôi cũng hơi sờ sợ nhưng cũng làm bộ anh hùng quơ chân múa tay mặc cả từng xu từng cắc khi mướn thuyền bè với họ. Theo cuốn ” India, Travel survival kit” chúng tôi biết giá chính thức mướn một chiếc thuyền để chèo trên sông là 25 Rs nên đòi cho được giá này, trả giá, cắt bớt từ 350 Rs xuống đến 30 Rs. Lần đầu mà như vậy chúng tôi cũng thấy mình như lập được một kỳ công. Tôi biết có những người bạn du lịch ở Ấn nhiều năm mà đến đây vẫn bị hớ và họ phải trả 200 Rs để mướn một chiếc thuyền, lúc đó còn hãnh diện là đã trả giá hay và có được một giá rẻ. Khi gặp tôi nghe bật mí 25, 30 Rs, ai cũng la hoảng. Ấn Độ là vậy đó, có bị gạt mới khôn, có thấy tức tối mới thấy vui, có thấy dơ nhớp của lầy lội sình đất, của phân bò vơi vãi khắp nơi và của những bãi rác cao ngất mới thấy cái sạch của những nơi không rác không phân trên các con đường phố khác.

Quang cảnh trên sông cũng thường là nơi buôn bán, dụ dỗ to nhỏ của những anh chàng Ấn chuyên làm nghề gạ gẫm du khách. Có lẽ nghề này thịnh đạt lắm nên thấy số thương gia ngày càng tăng. Lâu lâu trong phái đoàn chúng tôi dẫn đi cũng có một vài người mắc lưới. Tuy không đến nỗi hớ giá lắm nhưng thường là làm bực mình cho cả phái đoàn vì khi họ bán được một người rồi thì cả năm bảy chiếc ghe khác cũng chèo xúm lại, theo đuôi gạ gẫm dai nhách chiếc ghe của chúng tôi suốt hàng giờ trên sông. Đây nên là một kinh nghiệm đáng tránh.
 Ngay cả khi đi chiêm bái cá nhân chúng tôi cũng không tránh khỏi màn bị đuổi bắt. Cuộc đuổi bắt bất bạo động thường diễn ra ở nơi linh thiêng nhất giữa kẻ muốn thương người và giữa người muốn được thương. Đôi khi cuộc đuổi bắt đến hồi gay cấn đến nỗi kẻ muốn thương người sợ hãi không muốn thương nữa, không kịp cột dây giày cứ thế mà chạy trông thật thảm thương. Đây thật là một cảnh tượng có một không hai và chỉ có trên bờ sông Hằng, xảy ra giữa các khách hành hương với một đám người ăn xin bị phung cùi ghẻ lỡ.

Số là khi mọi người trong đoàn hành hương đến bờ sông, cảnh tượng lúc ấy tối trời và mọi người ai chẳng trông rõ ai chỉ lo chăm chăm đi cố định tâm tránh những bãi phân nằm rãi rác trên đoạn đường. Nhưng khi xem xong trở về thì trời hừng sáng, lúc ấy cũng là giờ mà các bác, cô chú, anh chị phung cùi (có lẽ có một trại cùi gần đó mở cửa giờ đó để mọi người đi làm) ăn xin bắt đầu làm việc. Họ thường ngồi một hàng dài dọc theo con đường van lơn người du khách xin thương xót. Khi không thấy được đếm xỉa họ liền chạy theo, có khi chạy nhanh trước chận đầu. Đa phần là người phung cùi và có khi để đưa ra chứng cớ về bệnh tình của mình, họ bày cho xem những phần cùi bị lở loét đầy máu. Trong những trường hợp như vậy tôi thường khuyên những người trong đoàn không nên cho vì cho những lúc như vậy rõ là không đúng lúc đúng thời và thường mang vạ lây cho người trong đoàn. Thường thì những người gan lì nhất (hay cho không đúng lúc không đúng thời tại Bồ Đề Đạo Tràng) cũng phải gần như vắt chân lên cỗ mà chạy vì lúc ấy kinh sợ. Nói chung cũng may là các cô bác anh chị cùi ở Ấn Độ hiền lành chỉ đưa bệnh lỡ của mình lên cho xem dù không được cho chứ không đến nỗi hung hăng đòi trây vào người khác!

Lần đầu đến Lộc Uyển chúng tôi còn nhớ mình phải dọ dẫm tìm đường. Khu vực này không rộng lắm nhưng nếu gặp một vài anh bạn Ấn nào đó nhiệt tình nhưng thiếu hiểu biết thì có thể từ đông họ chỉ sang tây, từ tây họ chỉ sang bắc, bắc sang nam rồi cuối cùng điều tất nhiên phải có là gặp một anh bạn Ấn chỉ đúng đường chỉ ta về lại chỗ cũ cách đó không xa dăm bước. ở Ấn Độ này là vậy và chúng tôi có thể nói trong một trăm lần hỏi đường thì phải trải qua hết chín mươi lăm lần đi vòng vòng một cách mỏi cẳng ngu ngơ. Người dân Ấn không xấu, không cố tình chỉ sai có điều họ nhiệt tình quá nên không biết cũng tỏ ra biết để giúp người, để khỏi làm người khác thất vọng. Mình không cần họ giúp họ cũng bâu lại nói này nói kia tìm cách giúp đỡ. Chỉ có điều sau mỗi lần được giúp đỡ kiểu đó chúng tôi đã phải kềm mình giữ lắm mới có thể nói được câu “Thank You” thay vì phải rủa ra thành lời. Quả thật ở Ấn Độ thì chúng tôi phải tập sống, tập tư duy theo lối của Sĩ Đạt trong cuốn “Câu chuyện của dòng sông” là  “nhịn đói, im lặng và chờ đợi” hay đúng hơn có lẽ là chịu nhịn”. Có như vậy thì chúng tôi mới có thể thấy an lạc và hạnh phúc trong thời gian sống tu học tại đây.

 Lộc Uyển ngày nay không còn là những nơi tu hành khổ hạnh của các vị ẩn sĩ ngày xưa, mà là một nơi tưởng niệm của chánh pháp với những công viên trải dầy cỏ xanh mướt, những vườn hoa được cắt xén chăm bón cẩn thận và những nền móng chùa tháp xưa còn sót lại sừng sững mang tiếng một thời. Chúng tôi đến Lộc Uyển với một tâm thành, một tấm lòng của một người con đi tìm về cội nguồn để nhớ tưởng đến người cha. Đến bên đại tháp Dharmekha chúng tôi ngưỡng vọng nguyện cầu cho dân tộc, cho sanh linh bớt đi những ách nạn và quay trở về sự giác tỉnh Phật tính trong tâm, trong những lần như vậy chúng tôi cũng tụng kinh, ngồi thiền hoặc đi kinh hành quanh tháp. Những giây phút tịnh tâm quán tưởng tu tập như vậy chúng tôi cảm thấy mình an lạc lạ và những khi đi một mình đến đây chúng tôi thường ở lại rất lâu bên đại tháp.

Thường thường ra khỏi những nơi thanh tịnh thì có nhiều những chuyện không thanh tịnh, phiền toái xô bồ của thế gian. Đâu cũng vậy, mỗi thánh tích Phật giáo là một một mưu mẹo mánh mung của người dân Ấn địa phương. Tại Lộc Uyển này có chuyện dụ dỗ bán tượng cỗ dù rằng tượng trông cổ thật nhưng cái cổ từ lò mới ra. Các tượng Phật nhỏ bằng đất nung tạc hình Phật ngồi kiết già tay kiết ấn chuyển pháp luân. Đây là một tạc tượng nổi tiếng tại Lộc Uyển và ngày nay người dân địa phương lấy đất nung tạc theo hình tượng này. Tượng nhỏ bằng nắm tay trông rất đẹp vì đường nét đúc rất sắc sảo, công phu thường được các chú đem dấu lập lò trong túi, nói rằng đây là tượng cổ vừa mới lén đào được rất quý hiếm và giá chỉ có 100 US, hoặc đôi khi nói giá chỉ 50 hay 20 US tùy theo chú ấy “coi mặt mà bắt hình dong”. Chắc lâu lâu chú cũng gạt được một vài người nai tơ nên coi bộ màn ấy cứ trình diễn hoài mỗi lần chúng tôi đến Lộc Uyển. Có lần mọi người trong đoàn thích và muốn mua nên tôi không ngại chạy đi tìm mối và sau cùng mua được trên hai mươi tượng mỗi tượng chỉ có 5 Ruppies, tức là 1US mua được hơn 6 tượng.

Ba La Nại & Lộc Uyển đến và đi.

 Ba La Nại là một trong những thành phố lớn nên việc đến và đi từ thành phố này tương đối dễ dàng và thuận tiện.

Đến Ba La Nại có thể thực hiện từ 3 hướng khác nhau.
1/. Delhi-Ba La Nại. Khởi đầu cho chuyến hành hương có thể đi từ Delhi bằng máy bay hoặc xe lửa. Delhi-Ba La Nại vé máy bay Indian Airlines là 74 USD, bay khoảng gần 2 tiếng cho đoạn đường 800 Km. Đi vé tàu lửa Delhi-Ba La Nại là 123 Rs hạng nhì, 463 Rs hạng nhất và 800 Rs cho hạng nhì máy lạnh và đi xe lửa mất  13 tiếng đến 16 tiếng.
2/. Gaya-Ba La Nại. Khách hành hương có thể đi tuyến đường trên và ngược lại từ Gaya. Có thể lấy chuyến tàu Rajdhani trên đường từ Calcutta đi Delhi và ta có thể dừng lại ở Ba La Nại.
3/. Patna-Ba La Nại. Patna thủ phủ của tiểu bang Bihar cách Gaya khoảng gần 150 Km và Ba La Nại 228 Km. Đi tàu lửa từ Patna có thể khởi hành từ sáng sớm với chuyến tàu Amritsar Mail. Chuyến đi tàu này mất 5 tiếng cho đoạn đường dài 228 Km.

Từ Ba La Nại có thể tiếp tục cuộc hành trình theo 4 hướng.
1/. Ba La Nại-Gorakhpur. Thành phố gần nhất (cách Kushinagar 55 Km) để viếng thăm Câu Thi Na thành, nơi đức Phật nhập Niết Bàn. Đoạn đường này chỉ có thể đi xe buýt và và xe lửa. Xe buýt giá vé 37 Rs và phải đi 6 tiếng 30 phút cho đoạn đường dài 255 Km. Xe lửa giá vé 49 Rs cho hạng nhì và 178 Rs cho hạng nhất, chuyến đi cũng kéo dài 6 tiếng.
2/. Ba La Nại-Sonauli. Biên giới Nepal Ấn Độ gần nhất để đi thăm Lumbini (Lâm Tỳ Ni) cách biên giới khoảng 25 Km. Đoạn đường chỉ có đi xe buýt hoặc có thể đi tàu đến Gorakhpur và từ đó lấy xe buýt đi tiếp đến biên giới Sonauli. Đi xe buýt thẳng đến biên giới Sonauli thì tại Ba La Nại có hai chuyến vào buổi sáng và buổi tối đến biên giới Sonauli. Giá vé 65 Rs và chuyến đi mất 9 tiếng.
3/. Ba La Nại-Patna. Đoạn đường này có thể đi được nhưng không thuận lắm trong tuyến đường hành hương. Ba La Nại đi Patna thường chỉ có xe lửa là tiện. Giá vé 49 Rs cho hàng nhì và 175 Rs hạng nhất. Chuyến đi mất 4 tiếng 30 phút cho đoạn đường 228 Km.
4/. Ba La Nại-Gaya. Đoạn đường tương đối khá phổ cập cho người hành hương sau khi viếng thăm thánh địa Phật giáo thứ nhất là Lộc Uyển. Không thấy trong các sách báo đề cập đi tuyến đường này bằng xe buýt chính phủ và máy bay nhưng đi bằng tàu lửa và xe buýt (hãng du lịch tổ chức) thì tương đối khá dễ dàng. Tuyến đường Ba La Nại đi Gaya nằm trên đoạn đường của chuyến tàu đặc biệt Rajdhani Express đi từ Delhi đến Calcutta. Chuyến tàu đặc biệt này chỉ có toa máy lạnh và giá vé độ 300 Rs cho đoạn đường dài 240 Km từ Ba La Nại đi Gaya, thành phố gần nhất cách Bồ Đề Đạo Tràng 15 Km.

Nghỉ lại đêm ở Ba la nại.

 So với những nơi khác trên thế giới có thể nói Ấn Độ là một nước có nhiều khách sạn nhất và giá cả cho người lữ khách cũng phải chăng nhất. Sang tột đỉnh cho các hạng người giàu sang với giá 100, 200 US một đêm cũng có nhiều khách sạn như: Taj Mahal, Oberoi, Clark, Best Western Surya v.v..  mà đơn sơ vỏn vẹn chỉ có chiếc phòng nhỏ với chiếc giường khập khểnh, chiếc khăn giường nhàu nát lem luốc màu dơ với một giá rất bình dân là 2 US 1 đêm cũng có. Phải có một sự cách biệt quá đổi trời vực như vậy thì Ấn Độ mới có thể đáp ứng được nhu cầu đòi hỏi của một xã hội có nhiều giai cấp. Người du khách đến Ấn Độ nhờ đó cũng được hưởng những giá cả phải chăng tùy theo khả năng và túi tiền hiện hữu của họ. Do thường đi chiêm bái các Phật tích cũng như có dịp hướng dẫn nhiều phái đoàn nên chúng tôi có được chút kinh nghiệm từng trải từ những khách sạn bình dân khi đi cá nhân cho đến các khách sạn sang trọng bậc nhất khi tổ chức hướng dẫn các phái đoàn. Vậy nên nhân đây chúng tôi cũng sơ lược qua một số các khách sạn từ thấp đến cao.

Khách sạn loại thấp/trung Tại Ba La Nại.
Tourist Bungalow.
(Tel: 43413) Khá sạch và được mắt, có vườn và nằm trong trung tâm, dễ đi đến trạm xe Bus và ga xe lửa. Giá cả tương đối từ 100 Rs đến 150 Rs cho phòng đôi.
Tourist Dak Bungalow. (Tel: 42182). nằm ở khu vực Cantonment, nhà trọ có vườn hoa đẹp, có phòng ngủ tập thể giá rẻ khoảng 50 Rs hoặc phòng đôi với giá từ 150 – 200 Rs một đêm.
Hotel Surya.
Nằm ngay sau khách sạn Clark Ba La Nại là một nơi khá tốt và sạch sẽ, cũng có vườn hoa và một nhà hàng bán thức ăn tàu rất ngon.  Tất cả phòng đều có chung nhà tắm và toilet. Giá mỗi phòng đôi từ 100 đến 150 Rs. Phòng có máy lạnh từ 250 đến 350 Rs.
Hotel India. (Tel: 44401).
Khách sạn tương đối khá mới, sạch sẽ và giá cả phù hợp. Phòng từ 250-350 Rs và có máy lạnh từ 350-400 Rs. Tại đây cũng có nhà hàng và bar.
Hotel Pradeep. (Tel: 44963).
Khách sạn này 2 sao. Giá phòng thường từ 200-250 Rs  và phòng có máy lạnh từ 350-400 Rs. Khách sạn có nhà hàng Poonam rất ngon.

Khách sạn loại sang 4 và 5 sao.
Khách sạn Taj Ganges (5 sao. Tel: 0542-42481, 42491. Fax: 0542-322067).
Là khách sạn sang trọng và nổi tiếng nhất tại thành phố Ba La Nại. Tọa lạc gần trung tâm cách 2 km từ phố chính, 1 km từ nhà ga và 22 km từ phi trường. Khách sạn có 130 phòng cả thảy với giá là 3500 Rs cho phòng đôi và 2700 Rs phòng chiếc. Khách sạn có các nhà hàng Ấn Độ, continental, có hồ bơi và sân chơi tenis.
Khách sạn Clark Varanasi (5 sao. Tel: 348501. Fax: 348186). Sang trọng bậc nhì tại thành phố này. Khách sạn có tất cả 135 phòng với giá 2400 Rs cho phòng đôi và 1300 Rs phòng chiếc. Thường thì tại các khách sạn sang trọng số tiền phòng trên còn phải cộng thêm 10 phần trăm tiền thuế nữa. Trong khách sạn có các nhà hàng Tàu, Ấn Độ và Continental. Nơi đây cũng có hồ bơi và một số các tiện nghi khác.

Nghỉ đêm tại Lộc Uyển.

Tourist Bungalow. (42515). Có phòng chiếc và phòng đôi giá từ 100 -200 Rs. Một số các chùa quanh Lộc Uyển cũng có nhà khách cho người hành hương và người ta cũng có thể hỏi xin trú tạm tại các nơi đó như chùa Miến Điện, chùa Tàu với giá phải chăng.





Source link

Hits: 41

Trả lời