Xu Phat Tinh Que I – 06. Xa Ve Quoc [Sravasti] – Xứ Phật Tình Quê I


image
Một phần quang cảnh tinh xá Kỳ viên (Jetavana)- Ảnh: Tâm Bửu

Kỳ Viên (Jetavana): Vườn do trưởng giả Cấp Cô Độc mua lại của thái tử Kỳ Đà để xây cất tịnh xá cúng dường đức Phật và tăng đoàn. Khu vườn này khi xưa đã được trưởng giả mua bằng vàng lót trên mặt đất và ngày nay vẫn còn là một khuôn viên rộng lớn và xinh đẹp với rất nhiều nền móng tháp, tự viện ở rải rác khắp nơi. Đây cũng hiện là một địa điểm hành hương chính của những ai muốn đến chiêm bái các thánh tích Phật giáo tại Xá Vệ.

Từ thành Vương Xá của vua Tần Bà Sa La (Bimbisara) đến thành Xá Vệ của vua Ba Tư Nặc (Prasenajit) thật là xa mà ngày xưa đức Phật đã cùng chư tăng đi đi về về hai nơi này. Có lẽ đây là hai thành phố mà tăng đoàn đức Phật ở lâu nhất. Tôi những người con của ngài đã không thể theo dấu vết người xưa trên các đoạn đường cát bụi mà đi đâu cũng tìm lối nhanh và phương tiện tốt nhất. Tôi thường đến Xá vệ bằng con đường từ Gorakhpur và đây cũng là giao điểm gần nhất của hai thánh tích quan trọng là Kushinagar và Lumbini. Gorakhpur không xa Xá Vệ bao nhiêu chỉ cách hơn bốn giờ xe và thường thì đoạn đường này thật xấu nên mỗi lần đi là mỗi lần tôi thấy sờ sợ. Đôi lúc không may phải ngồi sau xe buýt thì phải cứ tỉnh thức vịn đầu để tránh những lúc xe giồng đưa người ngồi đằng sau như muốn bay thẳng lên nóc mui. Những lúc như vậy tôi lại thắc mắc là tại sao chính phủ Ấn lại không cho sửa sang những đoạn đường đi hành hương mà cứ để tình trạng tồi tệ mãi như vậy. Tôi lấy làm thắc mắc là vì trong những năm sống ở Ấn Độ, đi biết bao đoạn đường từ quê lên tỉnh, từ bắc sang nam đường xá đâu đâu các nơi cũng đều khá tốt, vậy mà cứ phải giáp mặt với những đoạn đường hành hương thì lại xấu không thể tả.

Cũng may một vài năm gần đây do có sự tài trợ của Nhật Bản mà các tuyến đường hành hương nay đã sửa sang lại gần hết. Và trong chuyến hành hương năm rồi với phái đoàn của Thượng Tọa Minh Tâm chùa Khánh Anh (cuối 1995) tôi gần như đã hưởng được một số các đoạn đường rất tốt đẹp (chỉ trừ đoạn đường từ Patna đi Kushinagar là còn xấu kinh khủng) mà phải nói là do nhờ công đức tiền bạc bỏ ra của Nhật Bản đóng góp. 

Lần đầu đến Xá Vệ tôi cố tìm ra vết tích của một kinh thành thời xa xưa nhưng cảm thấy một chút gì đâu đó thất vọng. Chẳng còn lại gì cả ngoài một số di tích Phật giáo còn sót lại. Không có các địa điểm khảo cổ này chắc không ai biết được đây là một kinh thành nổi tiếng phồn thịnh thời xa xưa. Quả thật cuộc đời này là vô thường và huyễn hoặc. Tôi nghĩ đến thế giới mình đang sống hiện tại sẽ đổi thay ra sao sau một vài mươi thế kỷ nữa.

Đến Xá Vệ tôi viếng thăm vườn của ông Cấp Cô Độc hay Kỳ Viên (Jetavana). Để tưởng niệm đến đức Phật và tăng đoàn đã từng một thời ở đây mà tôi vượt bao những khổ nhọc đến chiêm bái chứ đến để sightseeng nơi này thì chỉ có nổi thất vọng và sớm tìm cách cáo từ vì ở đây có còn lại gì đâu ngoài những nền móng chùa tháp nằm trơ vơ rãi rác khắp nơi. Có những lúc chiều xuống tôi nhìn cảnh vườn hoang sơ mà thấy đau lòng buồn bã. Tâm cảm đó có lẽ khi ai trong chúng ta đến viếng nơi này cũng sẽ thấy và cảm nhận được nếu có thêm thời gian để được ngồi yên, lắng lòng yên tĩnh tưởng nhớ về quá khứ. 

Đức Phật và Xá Vệ Quốc.

Vào năm thứ hai sau khi đức Phật thành đạo, lúc bấy giờ ngài đang ở thành Vương Xá của nước Ma Kiệt Đà để độ cho vua Tần Ba Sa La (Bimbisara) và dân chúng ở đây. Một buổi sáng hôm lúc trời còn chưa tỏ rạng và lúc bấy giờ ngài đang đi thiền hành trong khuôn viên của tịnh xá Trúc Lâm mà vua Tần Ba Sa La cúng cho ngài cùng tăng đoàn cách đây không lâu. Bỗng nhiên có một người rụt rè đến gần ngài và muốn xin được hầu chuyện với đức Phật.

Người đó chẳng ai khác hơn là trưởng giả Tu Đạt người ở thành Xá Vệ đến Vương Xá thăm người anh vợ và lo một số chuyện thương mại ở đây. Câu chuyện bắt đầu từ khi trưởng giả Tu Đạt thấy nhà người anh vợ tưng bừng nhộn nhịp và hầu như ai ai cũng bận rộn trong công việc sửa soạn mâm cỗ và trang hoàng trong nhà. Trưởng giả Tu Đạt nghĩ thầm trong bụng rằng ai sẽ đến đây mà anh ta lo lắng chu đáo và thịnh soạn như thế này. Đức vua người cha của trăm họ tại xứ này chăng? hay là nhà anh ta đang chuẩn bị một lễ cưới trọng đại cho người thân trong gia đình. Lấy làm thắc mắc mãi trong đầu, Tu Đạt cứ đi qua lại mà không tìm ra câu giải đáp.

Sau cùng trưởng giả Tu Đạt mới đánh bạo đến gần người anh thưa chuyện để tìm ra nguyên nhân thì được biết ngày mai này có một vị Phật quang lâm đến đây để thọ trai. Nghe đến đây trưởng giả cảm thấy hoan hỷ lạ lùng, một luồng sinh lực nào đó chạy rần rần trong các huyết quản của ông. Một vị Phật, một bậc minh triết, một kẻ giác ngộ hoàn toàn sẽ đến đây! Ôi! thật hy hữu và diễm phúc làm sao! Ta phải đi gặp người, ta phải đi gặp người để được diện kiến và thỉnh pháp.

 Thế là ý nghĩ đi gặp đức Phật cứ ám ảnh trưởng giả Tu Đạt suốt trọn ngày hôm ấy và đến nửa đêm trưởng giả cũng không thể chợp mắt được. ích gì cho ta còn nằm ngủ đây khi một đấng giác ngộ đang cần kề! Thật uổng thay cho Tu Đạt nếu ngươi không sớm đến gặp ngài để diện kiến và thỉnh pháp. Trằn trọc suy tư mãi và cuối cùng Tu Đạt phải cất bước ra đi trong đêm tối hướng về tịnh xá để cầu mong được chiêm ngưỡng dung nhan của đức Phật. Rồi khi một mình ra đi trong đêm đen và đến được giữa đường, tiếng côn trùng kêu rỉ rả và những bóng đen mờ quái phía trước đã làm cho Tu Đạt run sợ muốn quay trở về. Ba lần muốn quay lại và ba lần bên trong con người Tu Đạt như có một mãnh lực nào đó thôi thúc ông tiến bước. Cuối cùng niềm tin vững chắc và sức mạnh nội tâm đã thắng, ông đến được vườn Trúc Lâm và thấy đức Phật đang đi thiền hành bên ngoài tịnh xá. Ngập ngừng một lúc ông mới thưa cùng đức Phật rằng:.

“Bạch đức Thế tôn, quả thật là hy hữu và tốt đẹp khi hôm nay con được diện kiến cùng ngài nơi đây. Con không thể tả được nổi vui mừng của con khi được gặp ngài đây và trong giờ phút này, xin ngài hãy vì con giảng pháp và cứu độ con trên con đường tu tập tâm linh hướng về giải thoát.

Đức Phật nhân đó giảng giải cho trưởng giả Tu Đạt nghe về ý nghĩa cao quý của kiếp sống con người, những phước báu của người, trời và nghĩa lý chân thật của các pháp để thoát khỏi khổ đau, đạt đến sự an vui tịnh lạc của cảnh giới Niết bàn. Pháp vừa được nghe xong, trưởng giả Tu Đạt liền được cảm ngộ và xin quy y với đức Phật, thề trọn đời nương theo lời dạy của ngài và không bao giờ hướng theo những lời dạy của những người khác đạo. Ông cũng cung thỉnh đức Phật đến thọ trai nơi chốn riêng của ông tại Vương Xá vào một ngày khác sau đó. Đức Phật biết có duyên tốt với ông nên hứa khả chấp nhận.

Hôm đức Phật đến nhà, ông cũng sửa soạn và long trọng đón tiếp linh đình chưa từng thấy. Rồi khi buổi lễ cúng dường vừa xong ông ta cầu thỉnh đức Phật sang năm viếng thăm nước Xá Vệ để giảng pháp và độ cho người dân nước đó. Đức Phật lúc ấy bèn hỏi trưởng giả Tu Đạt rằng:

– Này trưởng giả, ở Xá Vệ xứ ông đã từng có một tịnh xá nào chưa?
– Bạch Thế tôn chưa.
– Trưởng giả, nơi xứ ông có chốn nào mà chư tăng có thể đến, đi và ở lại chăng?
– Bạch đức Thế tôn, nếu chư tăng đến Xá Vệ con sẽ thiết lập một tịnh xá tốt đẹp cho chư tăng cư trú.

 

Biết Xá vệ là nơi có một nhân duyên hy hữu trong những năm hoằng pháp sau đó nên đức Phật hứa khả rằng sang năm ngài cùng chư tăng sẽ đi đến Xá Vệ. Trưởng giả vui mừng tột độ lễ bái mà lui ra. Và quả thật là khi ông về Xá Vệ, công cuộc tìm kiếm khu đất xinh đẹp để thiết lập tịnh xá cho chư tăng tiến hành ngay tức thời. 

 

Đất đai quanh Xá Vệ có nhiều lắm nhưng ông chẳng ưa nơi nào vì xa xôi và cằn cỗi, riêng chỉ có khu hoa viên của thái tử Kỳ Đà là hợp ý ông hơn hết. Trưởng giả Tu Đạt không ngần ngại đến gặp thái tử Kỳ Đà để thương lượng và mua nhưng thái tử Kỳ Đà một mực không muốn bán. Sau cùng thấy sự thành khẩn và lòng mong muốn tột độ của trưởng giả Tu Đạt nên thái tử nói giá bán thật cao để ông chối từ. “Nếu trưởng giả muốn thì cứ đem vàng lót khu đất đi, lót đến đâu thì ông lấy phần đất đó”. Nhưng quả ngạc nhiên là thay vì thối thất mà rút lui, trưởng giả Tu Đạt lại vui mừng tiến hành việc trải vàng trên đất để mua. 

Hết cỗ xe vàng này đến cỗ xe vàng khác được chở đến để lót đất đến nổi thái tử Kỳ Đà kinh ngạc và gần như muốn hủy bỏ giao kèo. Sau cùng thấy chuyện không thể đổi khác nên thái tử đành ưng chịu và chỉ phần cây không thể lót được nên thái tử cũng vui lòng mà cúng dường phần cây đó cho đức Phật, tạm gọi là một chút cúng dường góp phần công đức. Khu đất mua xong việc xây cất liền tiến hành và trưởng giả Tu Đạt lại sang Vương Xá để thỉnh ý đức Phật về kiến trúc xây cất tịnh xá. Đức Phật đã sai ngài Xá Lợi Phất theo trưởng giả sang Xá Vệ để làm cố vấn trong việc xây cất và chỉ sau một thời gian ngắn tịnh xá Kỳ Viên được hoàn thành. Ngay sau khi hoàn tất ông đã gởi tin đến đức Phật cung thỉnh ngài cùng chư tăng năm sau viếng thăm Xá Vệ và ở lại tịnh xá Kỳ Viên này.

Vào năm thứ baẠ sau khi thành đạo đức Phật cùng chư tăng đã đến Xá Vệ và trú lại nơi tịnh xá Kỳ Viên. Lúc bấy giờ vua Ba Tư Nặc đang ở trong kinh thành nghe tin ngài đến Xá Vệ và hiện đang ở tịnh xá nên cũng đến và xin được yết kiến ngài. Trong lần gặp gỡ đầu tiên đức vua lấy làm thắc mắc về chuyện một bậc giác ngộ mà sao còn quá trẻ, nên sau một lúc dụ dự vua cũng tác bạch cùng đức Phật rằng:
 “Bạch đức Thế tôn, các bậc trưởng lão như ngài Purna Kaciapa, ngài Parivradjaka, ngài Gocala, ngài Sanjaya, ngài Ajita Kecakambala tuổi hạc đã cao, thuộc hàng trưởng lão cao trọng, được mọi người trong toàn xứ này tôn kính còn chưa xưng mình là Phật, là bậc giác ngộ hoàn toàn mà sao đức Thế tôn lại tuyên bố mình là Phật, là người đã giác ngộ hoàn toàn”. 

Lúc bấy giờ để phá đi kiến chấp của nhà vua đức Phật mới dạy rằng:
 “Tâu đại vương, có bốn chuyện không nên coi thường, những gì là bốn. Thứ nhất là một thái tử còn nhỏ; hai là một con rắn; ba là một đốm lửa nhỏ và bốn là một Tỳ kheo trẻ tuổi. Vì sao không nên coi thường bốn chuyện trên, vì một hoàng tử nhỏ dù ít tuổi nhưng cũng có ngày sẽ lớn thay quyền nhà vua nắm giữ thiên hạ, có quyền sinh sát tuyệt đối trong tay. Một con rắn nhỏ nhưng rất là độc và có thể giết chết nhiều người. Một đốm lửa nhỏ có thể gây tai họa khốc liệt tiêu hủy bao nhiêu rừng rậm xóm làng và một Tỳ kheo trẻ tuổi sẽ có pháp học cao siêu, đắc được thánh quả và vì đó có thể làm lợi lạc cho muôn ngàn chúng sinh”. 

 Biết nhà vua có uy đức và là một bậc minh quân có những công hạnh lớn để cứu độ thần dân nơi xứ này nên đức Phật nhân đây thuyết giảng thêm cho nhà vua rõ về bổn phận và trách nhiệm của một vị quân vương như sau:

“Này đại vương, những hành động thiện hay ác của chúng ta sẽ mãi theo ta như bóng với hình. Điều cần thiết mà chúng ta phải có là tình thương. Hãy xem thần dân như con ruột của mình, đừng áp bức họ, đừng tổn hại họ, trái lại hãy gìn giữ họ như tay chân của mình. Hãy sống với chánh pháp và đi mãi trên con đường lành. Đừng nâng mình lên bằng cách đạp kẻ khác xuống. Hãy gần gũi và thương yêu những kẻ nghèo khổ.

Đừng nghĩ nhiều đến địa vị quốc vương và đừng nghe những lời nịnh hót. Không có một sự an lạc nào trong sự làm khổ mình bằng cách ép xác. Nên chú tâm vào chánh pháp và áp dụng chánh pháp vào cuộc sống. Chúng sanh đang bị bao quanh bởi những núi thành sầu khổ và chỉ có thể giải thoát bằng cách sống thật với chơn lý. Tất cả nhưng bậc trí giả đều ghê tởm những thú vui thấp hèn của xác thịt và sống trọn cho trí tuệ. Thử hỏi: làm sao chim chóc có thể đậu được trên một cây đang bị bốc cháy dữ dội. Chơn lý cũng vậy, không thể tìm thấy nó trong một cuộc sống đầy dục vọng. Không nhận thức được như thế, dầu được xưng tụng là bậc thánh nhân cũng chỉ là kẻ dốt nát. Nhận thức được như thế là người thật có trí tuệ. Hãy dành nhiều thời giờ cho việc khai sáng tâm linh. Thiếu trí tuệ cuộc đời trở nên vô nghĩa. Tất cả giáo lý của các tôn giáo phải phụng sự cho trí tuệ loài người. Nếu không chúng không có lý do để tồn tại.

Chơn lý không phải là của riêng của người tu sĩ mà là của chung của nhân loại. Không có sự phân biệt giữa nhà tu và kẻ thế tục trong vấn đề đi tìm chơn lý vì rằng cũng có nhiều nhà tu phải bị sa đọa trong khi có những kẻ thế tục lại lên cao. Làn sóng tham dục là tai nạn hiểm nghèo cho tất cả: nó nhận chìm tất cả, không ai tránh khỏi. Chỉ có nương vào thuyền trí tuệ mới có thể vượt qua nó được. Và tôn giáo chơn chánh là tôn giáo thức tỉnh mọi người để tự họ có thể cứu mình ra khỏi cạm bẫy của ma vương

Vì không thể trốn thoát được quả báo của hành động do chúng ta gây ra nên chúng ta hãy thực hành điều thiện, hãy kiểm soát tư tưởng đừng để suy nghĩ điều ác. Vì chúng ta sẽ gặt những gì chúng ta đã gieo.

Có những con đường đưa từ nơi sáng đến chỗ tối và từ chỗ tối đến nơi sáng. Cũng có nhưng con đường đưa từ nơi mờ mờ đến nơi tối thẫm và từ chỗ sáng ít đến nơi sáng nhiều. Người có trí luôn luôn mở mắt để đón nhận ánh sáng càng nhiều càng tốt. Họ luôn luôn tiến mạnh trên con đường sáng để được đến gần với chân lý.

Hãy tỏ ra cao khiết bằng cách sống với đức hạnh và trau dồi trí tuệ. Hãy nhận chân và suy tư nhiều về sự thấp kém của vật dục và sự phiền nhiễu của cuộc đời ô trược.

Hãy nâng cao trí sáng và trung kiên với lý tưởng. Đừng xem thường những đức hạnh cần phải có của một đấng quân vương. Hãy tìm hạnh phúc chính trong lòng người, đừng chạy theo những vật chất bên ngoài và như vậy là người xây dựng uy danh một cách vững chắc”Ạ.

Sau khi nghe Phật giảng giải mọi điều, nhà vua lấy làm hoan hỷ và xin thọ lễ quy y Tam Bảo. Kể từ ngày ấy nhà vua trở nên một đệ tử thuần thành của đức Phật và nhờ đó mà Phật giáo đã được nâng cao và truyền bá khắp mọi nước lân cận. Do nhờ cảm nhận được ân giáo hóa của đức Phật và nhờ đó mà quốc gia được thái bình thịnh trị, thần dân được yên ấm hạnh phúc và giàu có nên một lần khi được dịp gặp đức Phật, nhà vua đã thực tình bày tỏ và tán thán ngài như sau:

“Bạch đức Thế tôn, thật là hạnh phúc thay cho đất nước hèn mọn của con được đức Thế Tôn quang lâm và thường trú. Tai biến và hoạn nạn sẽ không có cơ hội xảy ra  trong lúc đấng giác ngộ có mặt tại đây. Mỗi lần ngài đến đây là con rất sung sướng được chiêm ngưõng dung mạo của ngài. Xin đức Thế Tôn từ bi rưới nước cam lồ cho con và ban cho con pháp lạc dịu mát. Giờ đây con nhận chân ra được dục lạc là những gì mau hoại diệt, còn pháp lạc là nguồn vui vô tận. Thế nhân dầu là vua hay bá tánh vẫn đầy dẫy những phiền muộn. Chỉ có bậc đức hạnh mới có sự tịnh lạc”Ạ.

Vua Ba Tư Nặc một đệ tử thuần thành của đức Phật cũng là người đầu tiên cầu thỉnh ngài cho phép tạc tượng của ngài để các đệ tử đỡ bớt nhớ mỗi lần ngài đi xa hoặc lên cung trời giảng pháp cho chư thiên.

Do quán sát biết Xá Vệ có nhiều nhân duyên lành với Phật pháp nên ngài đến đây nhiều lần để an cư và trú lại nơi tịnh xá. Trong suốt cuộc đời hoằng pháp, ngài đã trải qua nơi đây 24 mùa hạ và độ cho vô số hàng trời người. Cuộc đời của ngài ở nơi đây mang đầy những hạnh lành độ người và bao nhiêu kỳ tích giáo hóa chúng sanh. Phần lớn các kinh điển trong bộ A Hàm và kinh điển Đại thừa được ngài thuyết giảng nơi đây trong vườn của trưởng giả Cấp Cô Độc. Về các kinh trong A Hàm ngài đã giảng một số bài như sau: Kinh Thiện Pháp, Kinh Thành Dụ, Kinh Hà Nghĩa, Kinh Giới, Kinh Phạm Thiên Thỉnh Phật, Kinh Khổ Ấm, Kinh Nguyện, Kinh Tự Quán Tâm v.v… Các kinh thuộc về Đại Thừa ngài đã giảng nơi đây như: Kinh A Di Đà, Kinh Kim Cang, Kinh Di Lặc v.v…

Bối cảnh lịch sử.

Xá Vệ từng một thời là hòn ngọc của vương quốc Câu xa La do vua Ba Tư Nặc trì vì vào khoảng thời gian Thế kỷ thứ 6 trước TL. Kinh đô nổi tiếng phồn thịnh và người dân sống sung túc giàu có. Đức Phật đã miêu tả kinh đô Xá Vệ trong một bài kinh rằng: 

“Dòng sông Achiravati (hiện nay là Rati) chảy ngang qua những cánh đồng lúa mạch phì nhiêu. Chúng vây bọc thành phố vĩ đại này, hòn ngọc của vương quốc Câu Xa La cổ kính và trong thành phố này có 57.000 người dân chúng sống trù phú”. 

Kể từ khi tịnh xá Kỳ Viên được thành lập đức Phật đã đến đây nhiều lần để an cư kiết hạ trong các mùa mưa và giảng pháp cho chư tăng. Thời gian đó Xá Vệ cũng là nơi cư trú của nhiều bậc thầy danh tiếng thuộc Bà La Môn giáo. Khi thấy đức Phật đến đây và mọi người trong nước theo Phật ngày càng đông nên họ bèn tức tối yêu cầu lên vua Ba Tư Nặc đòi đuổi ngài cùng tăng chúng đi nơi khác. Nhà vua không biết sử lý ra sao nên sau cùng đề nghị một cuộc tranh tài, ai thắng sẽ được ở lại và người thua phải ra đi. Cuộc tranh tài lúc ấy giữa đức Phật và sáu bậc đạo sư đứng đầu sáu trường phái triết học Ấn Độ lúc bấy giờ tại kinh đô Xá Vệ đã làm nước này vang tiếng một thời.

Trong tập “The holy Places of Buddha” Tathang Tulku kể lại câu chuyện đức Phật hàng phục sáu nhà ngoại đạo như sau:

“Sáu nhà ngoại đạo sư thuộc sáu trường phái triết học nổi tiếng nhất tại Ấn Độ thời ấy khi thưa thỉnh với vua Ba Tư Nặc xong liền gởi lời thách thức thi đấu đến đức Phật về các cuộc tranh tài luận biện cũng như thần thông. Lúc bấy giờ đức Phật đang trú ở thành Vương Xá nước Ma Kiệt Đà và khi nghe được sự nhắn tin này đức Phật đã gởi lời chấp nhận cuộc thi đấu đến họ. Đức Phật cũng tuyên bố rằng ngài sẽ đánh bại tất cả những bậc đạo sư ấy dưới một tàng cây xoài. Trong khi đó tại kinh đô Xá Vệ vua Ba Tư Nặc cho dựng một đại sảnh thật lớn làm nơi cho cuộc thi tài. Bảy pháp tòa cao lớn cũng được an trí trong sảnh đường cho đức Phật và sáu nhà ngoại đạo sư. 

Để làm cho lời tuyên bố đức Phật phải bị sai, sáu nhà ngoại đạo sư Bà La Môn lúc bấy giờ cho các đệ tử của mình đi đốn sạch tất cả các cây xoài trong thành Xá Vệ. Thế nhưng khi đức Phật đến nơi này ngài đã ném một hạt xoài xuống đất, dùng thần lực khiến cây xoài mọc rễ và lớn lên tức thời đơm bông kết trái che mát cả một sảnh đường. Sau khi thắng được họ trong những cuộc thi về biện luận, đức Phật dùng thần thông thi triển nhiều phép lạ nhiệm màu. Trong kinh Mahavastu miêu tả sự việc này như sau:

“Khi đó Thế Tôn bay bỗng lên không trung ngang tầm độ cao của một cây dừa, thực hiện phép lạ song đôi, trên thân ra nước dưới thân ra lửa, trên thân ra lửa dưới thân ra nước. Rồi bằng một năng lực thần bí ngài hóa hiện ra một con bò vĩ đại cất lên tiếng rống lay động cả không gian. Xuất hiện từ phía đông con bò lại biến mất và hiện ra về phía tây. Biến mất ở phía tây con bò hiện về phía đông. Hiện ra ở phía bắc rồi mất và hiện ra phía nam, mất ở phía nam rồi hiện ra lại ở phía bắc… Năm ba ngàn vạn ức chúng sanh thấy được phép lạ vĩ đại này đã trở nên hớn hở vui vẻ. Sau hai mươi hai thần biến khác nhau, đức Thế Tôn ngồi an tọa trên hoa sen và biến ra nhiều thân tướng đức Phật, trải rộng ra cho đến cảnh trời Akanistha”.

 Khi trưởng giả Tu Đạt (Cấp Cô Độc) mua được khu hoa viên của thái tử Kỳ Đà để làm nơi xây cất tịnh xá cho đức Phật và tăng đoàn trú ngụ mỗi khi đến Xá Vệ thì nơi đây đã trở thành một vùng Phật giáo quan trọng đứng hàng thứ hai sau Trúc Lâm tịnh xá và Vương Xá Thành. Về các kinh mà đức Phật thuyết giảng nơi tịnh xá Kỳ Viên này thì không thể kể khắp tuy nhiên một số các sự kiện quan trọng xảy ra nơi tịnh xá này cũng như tại kinh đô Xá Vệ trong thời Phật còn tại thế có thể được lược kể như sau:

Chuyện vua Ba Tư Nặc cho nghệ nhân chạm tạc tượng Phật.

Có một lần khi đức Phật lên cung trời Đạo Lợi để giảng pháp cho mẹ là hoàng hậu Maya. Lúc bấy giờ vua Ba Tư Nặc rất tưởng nhớ đến đức Phật nên ra lệnh tạc khắc một bức tượng hình Phật bằng gỗ hương chiên đàn và vua cho đặt bức tượng này nơi Phật thường ngồi. Tương truyền rằng khi đức Phật trở về trần thế, bức tượng gỗ ấy ngồi dậy và ra nghing tiếp ngài. Lúc bấy giờ đức Phật nói: Ngươi hãy về chỗ ngồi, sau khi ta nhập Niết bàn ngươi hãy là mẫu cho 4 chúng sau này tạc tượng ta:. Tượng nghe nói như vậy liền về chỗ cũ.

Chuyện Đề Bà Đạt Đa rơi vào địa ngục.

Đề Bà Đạt Đa là người anh em cô cậu của đức Phật và ông xuất gia cùng lúc với ngài A Nan và các hoàng thân dòng họ Thích Ca. Do ganh tức đức Phật nên ông đã tìm mọi cách hại ngài, từ chuyện thả voi say để đạp chết đức Phật cho đến lăn đá từ trên núi cao xuống đè ngài. Sau nhiều âm mưu ác độc hại ngài không thành, ông chuyển sang đường lối nhẹ nhàng hơn bằng cách chia rẽ tăng đoàn. Một mình ông đứng ra lập giáo hội riêng với một số các giới luật mới do ông đặt ra như: 

1. Tỳ Kheo phải sống trọn đời trong rừng.
2. Tỳ Kheo phải sống đời du phương hành khất.
3. Tỳ Kheo phải đắp y may bằng những mảnh vải lượm ở đống rác hoặc nơi nghĩa địa.
4. Tỳ Kheo phải sống dưới gốc cây.
5. Tỳ Kheo phải ăn chay suốt đời.

Biết trước đức Phật sẽ không chấp nhận nên ông ta nói xấu và tìm cách bôi nhọ đức Phật. Sau bao nhiêu mưu toan ám hại và chia rẽ tăng đoàn không thành, ông lâm trọng bệnh và hối hận. Trước khi trở về sám hối với đức Phật ông xuống một dòng sông tắm và khi vừa bước lên ông bị đất rút và tức khắc rơi vào địa ngục Vô Gián. 

Chuyện Chinchimana thân sống rơi vào địa ngục.

Do căm ghét đức Phật và muốn hủy hoại thanh danh của ngài nên những kẻ ngoại đạo đã thuê một người đàn bà đi tu  làm ni và vu khống đức Phật là có hành động không xứng đáng với nàng. Trong lúc đứng trước mặt Phật với chiếc bụng giả độn đồ to tướng và buộc tội ngài là đã tư thông với nàng thì lúc bấy giờ có vị trời Đế Thích hóa thành con chuột bạch cắt đứt dây độn bên trong khiến cho đống áo quần độn phải rơi xuống đất. Tức thời liền sau đó nàng Chinchimana thân sống đã rơi thẳng vào địa ngục.

Chuyện kẻ ngoại đạo giết một người đàn bà để vu khống cho đức Phật.

Cũng tại tịnh xá Kỳ Viên này, có một giáo phái đã thuê người giết một thiếu phụ và chôn vùi dưới đống rác gần tịnh thất của đức Phật để vu oan cho ngài. Về sau những người giết thuê ấy thú thật và do đó đã lộ diện kẻ thuê người hành động sát nhơn.

Chuyện vua Lưu Ly cùng với vị đại thần rơi vào địa ngục.

Do mối thù bị người trong dòng họ Sakya khinh thường là con của người hạ tiện nên Tỳ Lưu Ly sau khi lên làm vua kế vị vua Ba Tư Nặc, ông đã cho đem quân đi đánh thành Ca Tỳ La Vệ và tàn sát dòng họ này. Sử kể rằng trong cuộc tàn sát đẩm máu dòng họ Sakya, vua Lưu Ly đã giết hơn 77.000Ạ người trong thành và bắt làm tù binh 500 chàng thanh niên và 500 nàng hầu. Sau nghe lời cố vấn của vị tể tướng vua cho ném tất cả họ xuống hầm chông sắt nhọn. 

Chuyện kể rằng sau khi làm những hành động ác độc trên vua còn sai người đến gặp đức Phật để nghe ngài nói gì về biến cố xảy ra đó. Đức Phật biết được sự việc trên bèn nói với các Tỳ Kheo rằng, trong vòng bảy ngày nhà của Câu Sa La sẽ bị hủy diệt, vua Lưu Ly và vị Tể Tướng sẽ bị thiêu cháy và rơi vào Vô Gián địa ngục.

Trong khi đó tại Xá Vệ vua Tỳ Lưu Ly cũng không ngừng tạo cảnh giết chóc. Khi sai phái đem 500 nàng hầu dòng Sakya sát nhập vào đám nô tỳ của nhà vua thì họ tỏ vẻ kháng cự và thách thức.  Nhà vua nổi giận nên ra lệnh chặt hết tay và chân của 500 người thiếu nữ và cho ném bên bờ hồ Patali. Đức Phật biết được sự việc nên đi đến và thuyết pháp cho 500 thiếu nữ này nghe về nghiệp và khổ. Tất cả họ cảm thất bớt đau đớn và phát lòng tin thanh  tịnh nên ít lâu sau khi họ chết, họ liền được tái sanh vào cảnh trời Tứ Thiên Vương.

Nói về nhà vua Tỳ Lưu Ly khi nghe người thân tín chạy về thuật lại, tuy ông không mấy tin tưởng lời Phật nhưng cũng cảm thấy hơi dao động. Nghe lời vị Tể tướng ông bèn cho xây một căn nhà trên bờ hồ và cùng với đám nàng hầu sống ở đó 7 ngày để tránh bị lửa đốt cháy. Tuy nhiên vào ngày thứ 7 khi sắp sửa trở về thì hỏa hoạn xảy ra do ánh sáng gay gắt của mặt trời chiếu vào các cửa kính. Lửa cháy bùng lên lan khắp nhà nên mọi người ai nấy đều tìm đường thoát thân. Vua và vị Tể tướng không chạy thoát nên cả hai đều bị chết cháy và bị rơi thẳng vào địa ngục Vô Gián.

Chuyện 500 người mù được sáng mắt.

Vào thời vua Ba Tư Nặc trị vì, trong kinh đô ấy có 500 tên cướp chuyên hoành hành cướp bóc phá hại xóm làng. Nhà vua rất tức giận nên một hôm ra quân đi săn lùng. Sau khi bắt được hết bọn cướp 500 người, vua cho móc mắt hết và đem bỏ chúng vào khu rừng tối. Những tên cướp ấy trong lúc đớn đâu và tuyệt vọng đã nhớ lại các tội ác của mình và hướng về nơi tịnh xá Kỳ Viên cầu nguyện đức Phật cứu giúp. Động lòng từ ngài thị hiện đến khu rừng và dùng đại lực làm ra một cơn gió mát từ dãy Hy mã Lạp sơn mang theo những chất thuốc thổi đến các người mù này. Cả 500 người khi ấy tức thời được sáng mắt và trông thấy đức Phật hiện đang ở trước mặt. Họ vui mừng đảnh lễ cảm tạ ngài và ra đi. 500 cây gậy họ cắm xuống đất và bỏ đi khi ấy về sau đã mọc lên và trở thành rừng. Từ đó khu rừng có tên là Phục Thị Lâm (rừng sáng mắt trở lại). 

Chuyện nữ thí chủ Tỳ Xá Khư (Visakha).

Bà Tỳ Xá Khư là một tín nữ giàu có hàng thứ nhì sau trưởng giả Cấp Cô Độc và cũng do nhân duyên bà được gặp đức Phật, nghe giảng và xin quy y Phật. Kể từ khi theo Phật bà tỏ ra là một tín nữ nhiệt thành luôn cúng dường chư tăng và ủng hộ Phật giáo. Có lần sau khi cúng dường trai tăng xong bà đã xin đức Phật nhận cho một nguyện ước 8 điều của bà. Đó là:

1. Trọn đời cúng dường Y trong mùa mưa cho các thầy Tỳ Kheo (ngoài 3 bộ Y chính).
2. Được cúng dường thực phẩm cho các thầy Tỳ Kheo mới đến.
3. Được cúng dường thực phẩm cho các thầy Tỳ Kheo đi xa.
4. Được cúng dường thực phẩm cho các thầy Tỳ Kheo bị bệnh.
5. Cúng dường thực phẩm cho những người nuôi các thầy Tỳ Kheo bị bệnh.
6. Được trọn đời cúng dường cháo sữa buổi mai cho chư tăng.
7. Thuốc men cho các thầy Tỳ Kheo bị bệnh.
8. Được cúng dường y tắm cho các Tỳ Kheo ni.

Khi nghe bà giải thích và muốn phát tâm cúng dường như trên đức Phật đã hứa khả và tán thán công đức của bà như sau: Lành thay! lành thay! Tỳ Xá Khư! Ngươi đã khéo xin Như Lai 8 điều trên với những lý do rất xác đáng và lợi ích. Cúng dường đến những người đáng cúng dường như gieo giống trên đất tốt và sẽ được gặt hái nhiều quả tốt. Trái lại nếu cúng dường cho những kẻ thiếu đạo đức, còn mang nặng dục vọng thấp hèn thì chẳng khác gieo giống trên đất xấu. Nắng dục vọng của người thọ lãnh sẽ làm khô chết giống công đức của người cúng dường.

Bà Tỳ Xá Khư lại một hôm muốn tìm cách nhờ đức Phật độ cho những người bạn của bà nên bà dẫn họ đi gặp ngài. Trên đường đi họ vui chơi ăn uống và say sưa, còn tỏ vẻ múa may trước đức Phật. Dùng năng lực thần thông đức Phật tạo ra cảnh trời đất tối tăm mù mịt bao trùm lấy họ và sau cùng đưa họ lại tỉnh táo. Nhân dịp này đức Phật mời nói một bài kệ cho các bà ấy nghe như sau: 

Thích thú vui cười gì!

 Hoan hỷ khoái lạc gì! 

Khi thế gian trùm tối.

Lại không tìm ánh sáng.

 Từ chuyện giúp đở độ cho các người bạn quay về với cuộc sống chơn chánh thanh tịnh, bà cũng không quên tìm cách đưa những người thân làm việc trong gia đình về với đạo pháp bằng cách tạo cho họ cơ hội thọ Bát quan trai mỗi tuần với chư tăng. Có lần bà được nghe đức Phật dạy về những đức tánh của người phụ nữ và cách giữ gìn hạnh phúc trong gia đình như sau: 

“Người phụ nữ luôn luôn tích cực hoạt động, dịu dàng và thường chìu chuộng chồng.Không nên dùng những lời bất cẩn, nghịch ý, thiếu lễ độ làm chồng nổi tức giận.
Tôn trọng những bạn bè quen biết của chồng.
Người phụ nữ là người sáng suốt, khôn ngoan. Thức khuya dậy sớm, lanh lẹ và khéo léo trong mọi công việc.
Tận tâm săn sóc chồng khi chồng làm việc cực nhọc.
Nhã nhặn, lễ độ, hiền hòa và giữ gìn tài sản của cải trong  nhà.
Biết hiểu những điều chồng muốn và cố gắng làm hài lòng chồng.
Sống trong giới hạnh của niềm tin, tăng trưởng trí tuệ, nương vào giới luật và mở rộng lòng quảng đại.
Nếu một người vợ làm đúng nghĩa của một người vợ, tạo những điều lành như trên thì sẽ tái sanh vào các cảnh trời sau khi mất. 

 Sau thời gian đức Phật, Xá Vệ vẫn tiếp tục là trụ xứ của tăng đoàn trong một thời gian dài, vẫn đóng một vai trò lớn trong sự truyền bá Phật pháp. Khi vua A Dục đến đây chiêm bái các thánh tích vào khoảng thế kỷ thứ III trước TL, tức là sau thời đức Phật khoảng 200 năm thì ngài có cho tạo dựng 2 trụ đá ở hai bên cổng phía đông để đánh dấu nơi đức Phật và chư tăng thường trú tại đây trong 24 mùa hạ. Vua cũng cho xây một ngôi chùa bên dưới có giữ Xá lợi Phật để cúng dường ngài.

Kế đến vào triều đai� các vua Kushana vào khoảng thế kỷ thứ nhất sau Tây lịch thì một số hình tượng đức Phật được chạm khắc và đặt vào các đền tháp để thờ tại đây. Ngay cả một vài thế kỷ sau đó tức là vào các triều đạI Gupta khi Bà La Môn giáo phục hồi thì Phật giáo cũng vẫn còn giữ tính chất thịnh đạt như trước đó. Nhưng thời gian không lâu sau Phật giáo bắt đầu suy tàn và cho đến khi ngài Pháp Hiển từ Trung Hoa sang chiêm bái Ấn Độ thì Phật giáo và các di tích ở đây gần như chỉ còn là một bóng mờ của quá khứ.

Ngài Pháp Hiển trong cuốn Phật Quốc Ký có kể lại rằng khi ngài đến khu vườn của ông Cấp Cô Độc xưa kia, lúc bấy giờ chỉ còn một số các tu viện và vài trăm tăng sĩ tu tập tại đây. Khi thấy ngài đến họ lấy làm lạ thăm hỏi và biết rằng ngài từ Trung Hoa sang, họ tán thán lên rằng: 

“Lạ thay, vị ấy ở một nơi xa xôi tận cùng trái đất mà cũng đến đây tu học. Chúng ta và những vị trưởng lão trước tại đây chưa từng được trông thấy như vậyẠ”.

Đề cập Xá Vệ và những di tích nơi đây ngài kể rằng: Có rất ít dân cư sống nơi thành phố này, tổng cộng cả thảy có khoảng 200 gia đình sống nơi xưa kia do vua Ba Tư Nặc trị vì. Đi về cổng phía nam của thành phố khoảng 1200 trượng, phía bên trái của con đường là nơi mà xưa kia trưởng giả Tu Đạt xây cất tịnh xá cúng dường đức Phật. Cửa chính đi vào nằm bên hông của hai dãy phòng lớn, trước mặt là hai trụ đá; trên đỉnh trụ mé tay trái là tượng một bánh xe và trên đỉnh trụ tay phải là tượng một con trâu. Những hồ nước trong xanh chung quanh, những khu rừng cây hoa lệ và vô số các loài hoa chung hợp lại đã tạo nên một quang cảnh của cái gọi là Kỳ Viên tịnh xá. 

Sáu hoặc bảy lý về hướng đông bắc của Kỳ Viên tịnh xá là một tịnh xá khác do bà Tỳ Xá Khư xây cất cúng Phật và chư tăng. Nền tịnh xá vẫn còn đó. Rời khỏi cổng hướng bắc của tịnh xá và đi về cổng hướng đông khoảng 70 trượng là nơi đức Phật bàn luận với các đệ tử của 96 trường phái ngoại đạo. Lúc ấy vua quan dân chúng đến nơi ngài để nghe và lúc ấy có một tín nữ ngoại đạo tên là Chinchimana rất ganh tức nên dùng áo vải độn bên trong bụng và vu khống đức Phật là có hành vi mất phạm hạnh với nàng. Một vị trời Đế Thích thấy vậy bèn hóa thành một con chuột bạch cắn đứt đây cột bên trong để làm đổ ra mọi thứ độn và ngay khi ấy nàng rơi thẳng xuống địa ngục Vô gián.

Bốn lý về hướng đông nam của Xá Vệ có một ngôi tháp đánh dấu nơi mà đức Phật dừng lại nghỉ trên đường và gặp vua Tỳ Lưu Ly lúc ấy đem quân đi giết những người thuộc giòng họ Thích Ca. Năm mươi lý về hướng tây của thành phố, có ngôi làng nhỏ tên là To-wai là nơi mà Phật Ca DiếpẠ đản sinh và cũng nơi làng này có hai ngôi tháp đánh dấu nơi ngài nói chuyện với vua cha và nơi ngài nhập Niết bànẠ.

Hai thế kỷ sau ngài Pháp Hiển, ngài Huyền Trang có đến Xá Vệ và ghi lại về thành phố này như sau: “Vương quốc Xá Vệ có chu vi là 6000 lý, thành phố chính đã đi vào hoang tàn đổ nát và bức tường thành cũng đầy vẻ tiêu sơ. Dân cư có rất ít sống tại đó. Thời tiết mát mẻ dễ chịu và con người vùng này thật đạo đức, ưa thích tôn giáo. Cũng có hàng trăm ngôi tịnh xá tại đây và phần lớn bị đổ nát, các tăng sĩ theo tu học cũng chẳng được bao nhiêu và đa số thuộc phái Samatiya (Chánh Lượng bộ).

Cách đó không xa về hướng đông có một nền móng xưa, đó là nơi đánh dấu một Giới Đường lớn do vua Ba Tư Nặc xây cúng đức Phật. Không xa lắm từ Giới Đường đó là một ngôi tháp đánh dấu nơi vua Ba Tư Nặc xây tịnh xá để cúng dường Tỳ kheo ni Ma Ha Ba Xà Ba Đề.

Đây đó khắp nơi đầy những nền móng của các tịnh xá và tháp thờ. Nào đây là tháp đánh dấu nơi đức Phật chùi rửa vết thương cho một thầy Tỳ kheo bị bệnh, kia là tháp giếng nơi chiếc giếng ngày xưa đức Phật thường tắm rửa. ở một chỗ khác là nơi đức Phật thường đi kinh hành và giảng giải về giới cho chư tăng nghe.

Không xá lắm từ tịnh xá chính do trưởng giả Tu Đạt xây là nơi những kẻ ngoại đạo cho giết một người đàn bà để vu khống cho đức Phật. Một chỗ khác về hướng đông cách đó khoảng 100 trượng có một chiếc rảnh nước và nơi đây Đề Bà Đạt Đa định dùng độc trong móng tay của ông ta để hại Phật khi ông cúi xuống đảnh lễ ngài và sau đó chỗ này ông đã rơi thẳng vào địa ngục. Cách đó không xa về hướng nam có một rãnh nước lớn khác, đây là nơi Tỳ kheo ni Kukali vu cáo đức Phật và rơi thẳng vào địa ngục. Cách rãnh nước lớn Kukali khoảng 800 trượng về hướng nam là một rãnh nước lớn và sâu khác, nơi đây một cô thiếu nữ Bà La Môn cũng vu khống đức Phật và ngay sau đó thân sống rơi vào địa ngục.

Cách tịnh xá chính về hướng đông khoảng 60,70 trượng có một tịnh xá khác cao 60 feet. Nơi này có một hình tượng đức Phật trong thế ngồi tọa thiền nhìn về hướng đông. Khi thời Phật còn tại thế ngài đã ngồi nơi này và tranh luận với các ngoại đạo sư. Về hướng đông của tịnh xá này có một ngôi chùa Deva đồng cở với tịnh xá. Có một điều kỳ lạ là khi mặt trời lên chùa Deva này không che mất bóng của tịnh xá nhưng khi mặt trời lặn thì tịnh xá lại che bóng của chùa Deva�.

Sau thời ngài Huyền Trang thì Xá Vệ ít được biết đến và mặc dầu cũng có một số nhà vua ủng hộ Phật giáo nhưng những sinh hoạt Phật giáo tại đó cũng không thể phục hồi lên như trước được. Cho đến thế kỷ thứ 12 sau một thời gian ngắn được hổ trợ bởi nhà vua Madanabala và hoàng tử Govinda Chandra, Phật giáo phát triển được đôi chút nhưng rồi lại bị nạn diệt vong sau khi quân Hồi giáo sang xâm chiếm Ấn Độ. Từ đó Xá Vệ bị chìm trong quên lãng cho đến khi được nhà khảo cổ học Alexander Cunningham khám phá ra vào năm 1863. Tiếp theo là những cuộc khai quật đầy giá trị (1907-08 và 1910-11) của những nhà khảo cổ học khác như: Vogel Marshall và Daya Ram đã đưa ra ánh sáng nhiều chứng tích quan trọng về một thành phố cổ Xá Vệ thời xa xưaẠ.

Sravasti chỉ cho thành phố Xá Vệ ngày xưa và nay có tên mới là Saheth-maheth. Sravasti cách khu phố Balrampur khoảng 17 km về hướng tây và nằm trên đoạn đường đi từ Balrampur đến Lucknow, thủ phủ của tiểu bang Uttar Pradesh. Sravasti ngày nay chẳng còn lại gì ngoài một số di tích Phật giáo còn sót lại trong khu vườn ông Cấp Cô Độc (Kỳ Viên).

Các cuộc khảo cổ gần đây vào năm 1959 cho thấy rằng những cổ vật được tìm thấy tại đây cho thấy nền văn minh của xứ này có từ khoảng mười thế kỷ trước TL. Nhưng Xá Vệ được nổi tiếng và biết nhiều kể từ thời vua Ba Tư Nặc trị vì xứ này là vương quốc Câu Sa La và thời gian mà đức Phật viếng thăm nước này. Đức Phật khi kể về Xá Vệ ngài cũng nói rằng, thành phố này có một liên hệ mật thiết với nhiều kiếp sống của đức Phật trong quá khứ. Thời đức Phật, Xá Vệ cũng đóng một vai trò to lớn trong việc hoằng pháp và truyền bá giáo pháp sang hướng tây Ấn Độ.

Những Di Tích lịch sử.

Kỳ Viên (Jetavana): Vườn do trưởng giả Cấp Cô Độc mua lại của thái tử Kỳ Đà để xây cất tịnh xá cúng dường đức Phật và tăng đoàn. Khu vườn này khi xưa đã được trưởng giả mua bằng vàng lót trên mặt đất và ngày nay vẫn còn là một khuôn viên rộng lớn và xinh đẹp với rất nhiều nền móng tháp, tự viện ở rải rác khắp nơi. Đây cũng hiện là một địa điểm hành hương chính của những ai muốn đến chiêm bái các thánh tích Phật giáo tại Xá Vệ. Kỳ Viên này rất rộng lớn bao gồm nhiều di tích Phật giáo thời xa xưa mà trong đó có một vài địa điểm quan trong như:

Hương thất (Gandakuti Vihara): 
Đây được xem là nơi mà trưởng giả Cấp Cô Độc xây cất tịnh xá lần đầu tiên cho đức Phật khi ông mua được khu vườn này và mời ngài đến Xá Vệ. Trải qua nhiều mùa hạ đức Phật đã sống và giảng pháp tại đây. Kinh bản có ghi rằng có một thời tịnh thất này đã được xây dựng bằng gỗ cao đến 7 tầng và bên trong có tôn thờ một tượng Phật bằng gỗ trầm hương. Tại nền thất này thưòng là nơi mà các chư tăng và các phật tử khắp nơi trên thế giới đến đây đảnh lễ, chiêm bái và cầu nguyện.

Chùa số 3: 
Nằm về hướng bắc của cây Bồ Đề và nền chùa này xây về hướng đông. Nền chùa này được xem là nơi nguyên thủy của một tự viện lớn do chính trưởng giả Cấp Cô Độc xây dựng tịnh xá cho đức Phật. Phía trước là hai bức tường thấp được ghi nhận là nơi đức Phật thường đi kinh hành trên các đường này. Cũng tại nơi này một bức tượng Bồ tát lớn được tìm thấy.

Cây Bồ đề A Nan (Ananda Boddhi Tree): 
Đây là cây Bồ đề được ngài Mục Kiền Liên chiếc nhánh từ cây Bồ đề gốc tại Bồ đề Đạo Tràng đem về theo lời thỉnh cầu của ngài A Nan để các chư tăng và các phật tử chiêm bái mỗi khi nhớ về đức Phật.

Nền chùa số 11 và 12: 
Những nền móng của hai chùa này hướng về hướng bắc. Trên các nền còn thấy vết tích của một kiến trúc nhiều phòng thuở xưa. Phòng chính có một lối đI vòng chung quanh. Còn lại các phòng khác thì khi xưa có thể được dùng để thờ hoặc làm nơi trú ngụ cho các tăng chúng.

Chùa và tịnh xá thứ 19: 
Không xa về hướng tây là một nền tự viện lớn với lối đi xây về hướng đông. Nơi đây có giếng, các phòng ngủ nhỏ cho chư tăng và các cổng đi. Kiến trúc này từng được xây dựng trong ba lần trên cùng một móng cũ. Nền móng tịnh xá này có 24 phòng tất cả. Tại đây khi các nhà khảo cổ học khai quật thì họ đã tìm thấy nhiều tấm bảng đá tạc những hình ảnh của đức Phật và cuộc đời ngài. Theo sự nghiên cứu thì kiến trúc sau cùng trên nền móng tịnh xá này được xây vào thế kỷ thứ 11 và 12 sau TL.

Tám ngọn tháp: 
Về hướng đông bắc khu vườn này, hướng đông của tịnh xá thứ 19, có nền móng của 8 ngọn tháp và về hướng tây bắc của các ngọn tháp này có một cái giếng hình bát giác.

Chùa số 6 và 7: 
Về hướng bắc của chiếc giếng hình bát giác này có nền móng của hai ngôi chùa. Nền chùa số 6 hướng về phương bắc trong khi nền chùa số 7 có cổng đi từ hướng đông.

Tháp số 17 và 18: 
Hướng đông của các nền chùa tháp  trên có nền tháp số 17 chỉ rõ khi xưa đây là một ngôi tháp lớn và ngôi tháp thứ 18 được xem là nhỏ hơn.

Chùa số 1 và tịnh xá: 
Đây cũng là một kiến trúc lớn trong tịnh xá Kỳ Viên này, nằm về hướng bắc và tọa lạc trên một bãi cỏ rộng. Nền tư viện xây về hướng đông và có một khoảng sân rộng. Những nền móng của chùa tháp được khai quật trong khuôn viên tịnh xá này đều được đánh dấu và mang nhiều tên khác nhau. Các nền móng chùa tháp mang số từ 1 đến 16 là do sự khai quật trước đó của nhà khảo cổ Cunningham, trong khi những nền móng mang số 17 trở lên là do các cuộc khai quật về sau do các nhà khảo cổ Vogel, Marshall và Sahani.

Pakki Kuti: 
Bên ngoài tịnh xá và cách đó khoảng 2 km người ta có thể đến thăm ngôi tháp kỷ niệm nơi Angulimala tìm cách hại Phật. Di tích của một ngôi tháp lớn vẫn còn chút gì sót lại sau nhiều thế kỷ và ngày nay có tên là Pakki Kuti. Theo sự nghiên cứu của nhà khảo cổ học Cunningham thì đây chính là dấu tích của một ngọn tháp kỷ niệm Angulimala (Vô Não). Riêng nhà khảo cổ khác tên là Hoey thì lại cho rằng đây là một “Giới Đường” do vua Ba Tư Nặc xây dựng. Tuy nhiên những cuộc khảo cứu sau đó vẫn cho nơi đây là một ngôi tháp, không chấp nhận sự thuyết minh của Hoey vì cho rằng kiến trúc của mô gạch này hoàn toàn cho thấy không có các cửa sổ và cửa ra vào.

Kachchi Kuti: 
Mô gạch này gần bên mô gạch tháp của Angulimala và được ngài Pháp Hiển và ngài Huyền Trang mô tả đây là tháp đánh dấu nơi nhà xưa của trưởng giả Cấp Cô Độc. 

Chùa viện quanh Xá Vệ.

Chùa Tích lan: 
Được xây cất đối diện với cổng vào Tịnh xá Kỳ Viên. Nơi chùa này cũng có nhà trọ để làm nơi cho khách thập phương có thể tá túc. Trong khuôn viên sân chùa cũng có một ngôi tháp được xây theo kiến trúc của truyền thống Phật giáo Tây Tạng.

Chùa Miến Điện: 
Cách tịnh xá không xa lắm. Chùa này được xây cất do công sức của một số phật tử người Miến Điện. Nơi đây cũng có phòng trọ cho khách thập phương đến nghỉ.

Chùa Tàu: 
Kiến trúc tại đây cũng khá lớn với một ngọn tháp cao 7 tầng và trông rất là cổ kính. Chùa này được một tăng sĩ người Hoa đến đây lo việc xây cất nhưng không may thầy ấy đã mất trước khi công việc xây cất hoàn thành. Tuy nhiên chùa sau đó đã được một phật tử người Hoa khác trông coi.

Chùa Thái: 
Nằm bên ngoài đường cái lớn trước khi xe tẻ vào con đường đến khuôn viên tịnh xá. Chùa được xây cất trong những năm gần đây và tương đối khá khang trang. Nơi đây cũng có một nhà khách đang được xây cất.

Để viếng Xá Vệ Quốc.

Đa phần khách hành hương đến viếng thăm Sravasti (Xá Vệ) thường là ở chặng đầu hoặc là chặng cuối của cuộc hành trình. Sravasti nằm trên tuyến đường khá thuận tiện từ Gorakhpur -thành phố gần nhất để đi thăm Kushinagar và Lumbini- đi Lucknow (thủ phủ của tiểu bang Uttar Pradesh) để sau đó đáp tàu hoặc máy bay về Delhi. Sravasti cách Lucknow khoảng 190 km và Gorakhpur 240 km tuy nhiên đoạn đường này khá xấu. Nếu người hành hương đi theo phái đoàn thì thường là sau khi nghỉ tại Balrampur gần Sravasti họ đi tiếp về Lucknow để thẳng về Delhi hoặc đi ngược lại bằng xe Bus thuê bao. Tuy nhiên nếu đi hành hương một mình thì rất khó kiếm xe để đi các đoạn đường này, vì Sravasti và Balrampur là một thành phố nhỏ nên khó kiếm được xe thường đi theo





Source link

Hits: 18

Trả lời