Tại sao chúng ta phải quán tưởng khi thực hành Kim Cương thừa?


 

 

Sau khi đã đón nhận quán đỉnh, cũng có nghĩa là đón nhận sự gia trì, bạn đã được dẫn nhập vào pháp tu, và giờ bạn sẽ phải thực hành pháp tu để viên mãn các tâm nguyện giác ngộ. Trong Kim Cương thừa, các pháp thực hành tựu trung có thể chia thành hai giai đoạn: giai đoạn phát sinh và giai đoạn hoàn thiện. Giai đoạn đầu tiên là phát sinh, bao gồm quán tưởng (hình ảnh) và trì tụng chân ngôn (âm thanh), đây là những phương tiện trưởng dưỡng các phẩm chất của tâm giác ngộ để chuẩn bị cho các trải nghiệm vi tế hơn trong giai đoạn thứ hai là thiền.

 

Nhưng trước tiên, tại sao chúng ta cần phải quán tưởng? Tại sao chúng ta cần trì tụng? Tại sao chúng ta cần phải an trụ hay thiền định? Có những người còn tự hỏi lợi ích của việc quán tưởng là gì? Có phải là thật đâu, tôi chỉ quán tưởng ra thôi, vậy thì lợi ích là gì? Thế nhưng, bạn cần phải hiểu rằng “Toàn bộ cõi luân hồi này hiện hữu đều do sự phóng chiếu chấp trước mà ra. Chúng ta vẫn luôn phóng chiếu ra mọi thứ để rồi bám chấp và khổ đau vào kết quả của sự phóng chiếu đấy”.

 

 

Vậy trình tự thực hành quán tưởng phải như thế nào? Nếu bạn đã  thuần thục trong sự thực hành, tức là đã trải qua một quá trình công phu tu tập – bạn có thể chỉ cần an trụ trong tự tính tâm, an trụ trong tính không và rồi bản chất của vạn pháp sẽ tự nhiên hiển lộ. Thế nhưng vào lúc này, hành giả sơ cơ như chúng ta không thể làm như vậy. Chúng ta chỉ cần ngồi như thế này và tự kiểm soát để tâm mình không lang thang khắp mọi nơi cũng đã là điều vô cùng khó khăn. Đó chính là nguyên nhân tại sao Kim Cương thừa lại có rất nhiều phương tiện thiện xảo. Ví dụ như thực hành quán tưởng buộc bạn sẽ phải tập trung, phải đào luyện tâm thông qua những thứ lớp tiến trình và cách thức thiện xảo. Theo cách này bạn sẽ tự rèn luyện để kiểm soát và nhận thức tâm mình. Trong Kim Cương thừa, nhờ vào quán tưởng chúng ta có thể có được sự định tâm, định ở đây có nghĩa là khả năng tập trung vào một chủ điểm. Đó là điểm thứ nhất.

 

 

Điểm thứ hai, cho dù còn có vô số nguyên nhân sâu xa liên quan tới sự quán tưởng, song lúc này vì chúng ta còn đang có nhiều khái niệm về cái đẹp, xấu,… vô số khái niệm nhị nguyên như vậy, nên thông qua quán tưởng, bằng cách quán rằng tất cả mọi thứ đều thanh tịnh, rằng cõi này là cảnh giới Tịnh Độ, mọi Bậc Thầy đều là Phật, hết thảy Tăng Già là chư Bồ tát, đất nước này cũng là cõi Tịnh Độ, mọi quán tưởng của chúng ta đều hướng tới sự thanh tịnh vô nhiễm. Sở dĩ chúng ta hướng tới sự thanh tịnh vô nhiễm là vì nếu như không có những khái niệm nhị nguyên, chúng ta sẽ không phân biệt xấu đẹp, khen chê. Tất cả mọi thứ vốn hoàn hảo tự nhiên. Xấu hay tốt là do khái niệm ngụy tạo!

 

Cõi Tây phương Tịnh độ Đức Phật A Di Đà 

Như vậy việc quán tưởng giúp bạn hiểu ra rằng nếu như không phải do sự tạo tác của chúng ta thì vạn pháp vốn tự nó đã hoàn hảo và toàn thiện. Chính vì vậy nên trong truyền thống Kim Cương thừa, việc tôn kính Thượng sư là Đức Phật là điều vô cùng quan trọng. Bởi nếu bạn muốn hiểu được chân lý tối thượng và bản chất tối thượng của tâm bạn, bạn cần phải quán tưởng bằng trí tuệ bất nhị. Như vậy, thoạt đầu bạn sẽ tôn kính Thượng sư là một Đức Phật và phát khởi tâm chí thành, rồi về sau khi sự hiểu biết của bạn đạt tới một mức độ cao hơn, bạn cần phải tôn kính Thượng sư là hóa thân của trí tuệ bất nhị.

 

 

Chính do đó mà Kim Cương thừa đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của Thượng sư và việc tìm cầu bậc Thượng sư có đầy đủ phẩm hạnh. Sau khi đã quán sát bậc Thượng sư, chúng ta sẽ phải luôn coi mọi hành động của Thượng sư là tuyệt hảo. Vì sao chúng ta lại phải coi mọi hành động của Thượng sư là tuyệt hảo? Bởi xét từ quan điểm bất nhị thì vạn pháp đều hoàn hảo. Như vậy, trước tiên cần phải nỗ lực nhìn nhận mọi thứ nơi bậc Thượng sư đều thanh tịnh toàn thiện và Ngài là trí tuệ bất nhị vô ngã, rồi từ từ chúng ta cũng sẽ có thể coi tất cả mọi chúng sinh thông thường cũng như vạn pháp xung quanh đều là trí tuệ bất nhị vô ngã và thanh tịnh. Đây được coi là giai đoạn tiếp theo!
 





Nguồn : Source link

Hits: 17

Trả lời