Tích Năm Vị Tỳ Khưu – chuyện về chế ngự lục căn
Tích Năm Vị Tỳ Khưu – chuyện về chế ngự lục căn
Chú Giải Kinh Pháp Cú Quyển IV
360. “Cakkhunā saṃvaro sādhu,
Sādhu sotena saṃvaro;
Ghānena saṃvaro sādhu
Sādhu jivhāya saṃvaro”.
361. “Kāyena saṃvaro sādhu,
Sādhu vācāya saṃvaro;
Manasā saṃvaro sādhu,
Sādhu sabbattha saṃvaro;
Sabbattha saṃvuto bhikkhu,
Sabbadukkhā pamuccati”.
“Lành thay, phòng hộ mắt!
Lành thay, phòng hộ tai!
Lành thay, phòng hộ mũi!
Lành thay, phòng hộ lưỡi!”.
“Lành thay, phòng hộ thân!
Lành thay, phòng hộ lời,
Lành thay, phòng hộ ý.
Lành thay, phòng tất cả.
Tỳ Kheo phòng tất cả,
Thoát được mọi khổ đau.
Kệ ngôn nầy được Đức Đạo Sư thuyết ra khi Ngài ngự tại Jetavana, đề cập đến năm vị Tỳ khưu. Như được nghe rằng: Có năm vị Tỳ khưu, mỗi vị phòng hộ chế ngự một căn môn, như là chế ngự mắt, chế ngự tai… Một hôm, cả năm vị Tỳ khưu ấy cùng ngồi lại với nhau trong Thiện Pháp đường, bàn luận cùng nhau rằng:
– Nầy chư Hiền! Tôi là người chế ngự căn môn là mắt, vì mắt là căn khó chế ngự hơn cả.
Vị khác lại nói:
– Nầy chư Hiền! Tai là căn môn khó chế ngự hơn cả, tôi là người phòng hộ nhĩ môn.
Một vị lại bảo rằng:
– Nầy chư Hiền! Theo tôi mũi là căn môn khó chế ngự hơn cả, tôi là người phòng hộ tỷ môn.
Một vị lại bảo rằng:
– Nầy chư Hiền! Theo tôi lưỡi là căn môn khó chế ngự hơn cả, tôi là người phòng hộ thiệt môn.
Và vị Tỳ khưu thứ năm lại nói:
– Thưa chư Hiền! Thật ra thân môn mới khó chế ngự hơn cả. Tôi là người chế ngự được thân môn.
Cả năm vị đều cho rằng căn môn mà mình đang chế ngự, phòng hộ là khó chế ngự hơn cả.
Thế rồi, cả năm vị bảo nhau rằng:
– Chúng ta hãy mang vấn đề nầy bạch hỏi nơi Đức Đạo Sư vậy.
Sau khi đảnh lễ Đức Đạo Sư xong rồi, chư Tỳ khưu ấy ngồi vào nơi phải lẽ, bạch với Đức Thế Tôn rằng:
– Bạch Thế Tôn! Chúng con mỗi người chế ngự một căn môn. Chúng con cho rằng môn quyền mà mình đang chế ngự phòng hộ là khó chế ngự hơn cả. Bạch Thế Tôn, trong chúng con, ai là người chế ngự được môn quyền khó chế ngự nhất. Đức Đạo Sư không làm cho vị Tỳ khưu nào sanh tâm bất lạc cả, Ngài dạy rằng:
– Nầy các Tỳ khưu! Tất cả các căn đều khó phòng hộ thật sự. Một lẽ nữa, chẳng phải bây giờ các ngươi mới là người thu thúc căn môn đâu, trong quá khứ các ngươi vì không thu thúc căn môn, không thực hành theo lời Giáo giới của bậc hiền trí, nên đã đi đến sự hoại vong. Chính vì không thu thúc căn môn ấy.
Chư Tỳ khưu thỉnh cầu rằng: “Bạch Thế Tôn! Khi nào vậy?”.
Đức Thế Tôn khi ấy thuyết giảng lên Bổn Sanh Takkasilā chi tiết rằng: Ta không bị rơi vào quyền lực của Dạ xoa, là do ta định tĩnh với sự tinh cần vững chắc trên con đường Giáo Giới của bậc trí, và vì không dễ duôi trước tai hại, nên ta mới đạt được sự an lành, thoát khỏi đại nạn ấy.
Và Bồ Tát làm lễ tôn vương trước sự suy vong của Hoàng Tộc sanh lên từ Dạ xoa. Ngài ngồi trên Long Ngai dưới cây Lọng trắng chín tầng của Vương triều, nhìn Vương quốc mình, thốt lên rằng:
“Sự tinh cần là Pháp mà tất cả chúng sanh nên thọ trì”.
Tiếp theo Ngài nhận diện Bổn Sanh rằng:
– Nầy các Tỳ khưu! Trong thời ấy, các ngươi cầm lấy vũ khí sắc bén, tháp tùng theo bậc hiền trí đi chiếm lấy Vương Quốc Takkasilā. Trên đường đi do không thu thúc mắt, tai, mũi, lưỡi và thân nên các ngươi lần lượt rơi vào cạm bẫy của Dạ xoa. Các ngươi đã không hành theo lời Giáo huấn của bậc trí trên đường đi, nên đã đi đến sự hoại vong. Riêng bậc trí không màng đến những cảnh ấy, dù cho Dạ xoa có hóa thân thành Thiên nữ theo đuổi phía sau Ngài, Ngài cũng chẳng màng và đi đến thành Takkasilā được bình an vô sự và được làm Vua. Hiền trí ấy chính là Đấng Như Lai hiện tại vậy.
– Nầy các Tỳ khưu! Lẽ thường Tỳ khưu cần phải thu thúc các căn, vì khi vị Tỳ khưu nào thu thúc các căn đó rồi, thì sẽ thoát khỏi mọi khổ đau.
CHÚ GIẢI:
Nên hiểu câu Cakkhunā… trong kệ ngôn nầy rằng: Khi nào cảnh sắc đi vào lộ nhãn môn của vị Tỳ khưu, khi ấy vị Tỳ khưu không vui thích với sắc ấy, với cảnh khả ái khả lạc, cũng không bất bình với cảnh xấu, bất mỹ, khả ố. Không có sự phóng dật vì tác ý không đều đặn. Thu thúc là sự ngăn trừ, nghĩa là phòng hộ cho hành động mà vị Tỳ khưu thực hiện trong môn quyền ấy. Nhĩ môn, thiệt môn, tỷ môn… cũng đồng ý nghĩa.
Thu thúc hay bất thu thúc không sanh lên trong môn đó, nhưng sẽ sanh tiếp nối theo trong Lộ Đổng Lực. Thật vậy, sự bất thu thúc sanh lên là do nương vào năm pháp bất thiện là:
– Vô tín, bất kham nhẫn, lười biếng, thất niệm và vô minh. Năm pháp bất thiện nầy thường hiện khởi trong lộ tâm đổng lực bất thiện. Còn thu thúc có được là do năm pháp: Đức tin, nhẫn nại, tinh cần, ghi nhớ và trí tuệ hiểu biết, năm pháp nầy thường hiện khởi trong lộ đổng lực thiện.
Pasādakāya hay Copanakāya có trong hai câu: “Kāyena saṃvaro”. Hai câu Pasādakāya hay Copanakāya đều là thân môn vậy. Trong cả hai môn ấy, Đức Thế Tôn nói về sự thu thúc và bất thu thúc trong Pasādadvāra (thân môn). Nghĩa là Đức Thế Tôn nói về ba thân trược hạnh là sát sanh, trộm cắp, tà hạnh do y cứ vào Pasādadvāra kể cả Copanadvāra. Vị Tỳ khưu không thu thúc thân môn thì ba ác thân hạnh sẽ hiện khởi trong động lực bất thiện qua thân môn. Còn vị Tỳ khưu thu thúc, ba thân thiện hạnh thường hiện khởi trong lộ động lực thiện qua thân môn.
Copanavācā, Ngài nói trong câu: “Sādhu vācāya”. Do không thu thúc khẩu môn (copanadvāra) nên bốn khẩu ác hạnh là nói dối, nói ác, nói đâm thọc, nói nhãm nhí sanh lên trong lộ đổng lực bất thiện. Vị Tỳ khưu thu thúc do có tác ý từ bỏ vọng ngữ, ác ngữ, hại ngữ, hý ngữ và khẩu thiện hạnh sanh lên trong động lực thiện. Còn ý ác hạnh như tham ác, sân ác, tà kiến ác cùng với các tâm khác từ tâm phóng dật không đề cập đến trong câu Manasā saṃvaro. Ý môn không thu thúc thì lộ đổng lực bất thiện hiện khởi qua ý môn sẽ có tham, sân, tà kiến… Trái lại ý môn được thu thúc thì lộ ý môn động lực sẽ có vô tham, vô sân và trí tuệ.
Sādhu sabbattha nghĩa là sự thu thúc trong các môn như nhãn… sẽ mang lại sự an lạc. Đức Thế Tôn có thuyết giảng tám điều vị Tỳ khưu nên hành trì và tám điều không nên hành trì với Phật ngôn là như thế. Y cứ vào tám điều nên hành trì chắc chắn sẽ thoát khỏi khổ đau, luân hồi, còn y cứ vào tám điều không nên hành trì chắc chắn sẽ rơi vào khổ cảnh.
Vì thế, Đức Thế Tôn dạy: “Sabbattha saṃvuto bhikkhu, sabbadukkhā pamuccati”.
Dứt Pháp thoại cả năm vị Tỳ khưu chứng đạt Quả Dự Lưu…
Dịch Giả Cẩn Đề
Năm căn khó giữ nhất căn nào,
Năm vị Tỳ khưu luận thấp cao,
Ai cũng cho mình là hữu lí,
Cùng vào hỏi Phật định ra sao?
Phật bảo: Vì không giữ giới răn,
Năm thầy đã bị Dạ xoa ăn,
Một mình Bồ Tát là ta sống,
Nhờ ráng kiên trì đủ lục căn,
Kiếp trước năm thầy đã bị thua,
Riêng ta toàn thắng được làm Vua,
Tỳ khưu phải giữ toàn sáu cửa,
Biển khổ chưa qua chớ cợt đùa.
DỨT TÍCH NĂM VỊ TỲ KHƯU
Nguồn : Source link
Sách điển từ Online – Thời Phật tại thế Tâm Học 2022 : một cuốn sách dạng webs , sưu tầm các tài liệu về Cuộc đời Đức Phật , câu chuyện tại thế và tiền kiếp. Ngoài ra sách còn tra cứu những người và cuộc đời của người đó cùng thời Phật tại thế
Hits: 13
Website chia sẻ kiến thức , những tâm đắc về đạo Phật , cổ nhân xưa của 1 cá nhân ( không phải tổ chức , chùa ) . Mọi ý kiến đóng góp, khiếu nại xin gửi về hòm thư [email protected] . Điều khoản , nội quy
Wiki Tâm Học