Skip to content
We'll be happy to help. Call Us Today: +1800-222-9876

Tâm học yếu lược là phần nội dung do tác giả Tâm Học chọn lọc theo kiến giải riêng của mình… Do thấy kiến thức ở nhiều kinh , sách , bài giảng bị lặp lại nhiều quá. Nội dung chưa phải là chân lý chỉ có tính chất tham khảo.

 

KHÁI QUÁT VỀ
LÝ DUYÊN KHỞIPHÁP DUYÊN SINH
Thích Nữ Hằng Như

 

NGỮ NGHĨA

Lý Duyên Khởi gốc từ tiếng Pàli là “Paticca Samuppàda Dhamma”, dịch là “tuỳ thuộc phát sinh, nương theo các duyên mà sinh“. Tiếng Anh dịch là Dependent origination. Lý là nguyên lý hay định lý. Duyên là điều kiện. Lý Duyên Khởi có nghĩa là: “Tất cả những hiện tượng thế gian khởi lên là do nhiều điều kiện hay nhiều nhân nhiều duyên mà được thành lập.” hay nói ngắn gọn: “Lý Duyên Khởi là từ điều kiện này khởi ra cái khác”.

Pháp Duyên Sinh gốc từ tiếng Pàli là “Paticca Samuppanna Dhammà”. Pháp này là hiện tượng thế gianPháp Duyên Sinh có nghĩa là “Hiện tượng thế gian (pháp) thành lập là do nhiều điều kiện, nhiều yếu tố kết hợp sinh ra nó (pháp)” hay nói ngắn gọn: “Cái này có mặt là do nhiều điều kiện sinh ra”.

Gút lại: Tất cả các pháp trong vũ trụ vạn hữu đều vận hành theo quy luật Duyên sinh hay Duyên khởi. Nghĩa là các pháp sinh khởi theo Duyên, theo các điều kiện. Không có một pháp nào tồn tại độc lập. Chúng phải nương vào các yếu tốđiều kiện để phát sinh.

So sánh Lý Duyên Khởi và Pháp Duyên Sinh ta có thể hiểu như sau:

– Lý Duyên Khởi: Từ điều kiện (duyên) này sinh ra cái khác (pháp). Thí dụNhờ cây trái mà người ta có việc làm, có lương, nuôi sống gia đình. Nhờ cây trái (là điều kiện) mới có (khởi) việc làm. Có việc làm (là điều kiện) mới có (khởi) lương. Có lương (điều kiện) mới (khởi) nuôi sống gia đình. Đây là Lý Duyên Khởi.

– Pháp duyên sinh: Là khi đứng ở chỗ hiện tượng thế gian (pháp) có mặt là do nhiều điều kiện hợp lại sinh ra nó. Thí dụMột hạt mầm nhờ đất nước phân bón sinh ra cây, từ cây sinh ra trái.  Cây sinh ra trái (hiện tượng thế gian) do hột mầm cộng đất nước, phân bón, ánh nắng mặt trời… (là các điều kiện hợp lại) mới sinh ra cây, cây mới ra trái.  Đây là Pháp duyên sinh.

CHỨNG NGỘ LÝ DUYÊN KHỞI

Trong kinh Phật Tự Thuyết, Đức Phật thuật lại rằng sau khi chứng ngộ Ba Minh. Ngài tiếp tục thiền định trong một tuần lễ để chiêm nghiệm thành quả giải thoát. Sau đó, Ngài đã lần lượt quán chiếu về mười hai nguyên nhân gây ra luân hồi của con người.

Ngài nhận ra mười hai Duyên khởi theo chiều xuôi, tức là mười hai nhân duyên (nhân) khởi lên mười hai sự kiện (quả) gây nên khổ uẩnTiếp theo, Ngài quán Lý Duyên khởi theo chiều ngược. Tức là Duyên này diệt, Duyên kia sẽ diệt và toàn bộ mười hai Duyên cũng sẽ diệt. Đây là chìa khoá chấm dứt khổ uẩnchấm dứt Vô Minh. Sau cùng, Ngài đúc kết lại thành một hệ thống Lý Duyên Khởi đặt ra định lý “Tương quan nhân quả” như sau:

Chiều xuôi:

“Cái này có, cái kia có

                              Cái này sinh, cái kia sinh

Chiều ngược:

                              “Cái này không, cái kia không

                              Cái này diệt, cái kia diệt”

          Đây là Chân lý thường hằng bất biến không thay đổi. Chân lý này áp dụng cho con người, loài thú, sự kiện cũng như tất cả vạn vật vô tri vô giác, tức là cho mọi hiện tượng thế gian.

– Nói theo Lý Duyên Khởi thì “Cái này Có khởi lên cái kia Có”.

– Nói theo Pháp Duyên Sinh nghĩa là cái pháp đã hình thành rồi, “Cái kia Có” đã là pháp, đã trở thành hiện tượng thế gian“Cái kia Có” nhìn lại phía trước do điều kiện là “Cái này Có” mới sinh “Cái Có” sau.

Về mặt 12 mắt xích cũng thế. Từ duyên Vô Minh khởi lên duyên Hành, đó là Duyên Khởi. Hành là quả của Vô Minh lập nên. Hành cũng là pháp do duyên sinh, duyên ở đây là Vô Minh.

Như vậy hai cụm từ Lý Duyên Khởi và Pháp Duyên Sinh chỉ cho một hiện tượng thế gian có hai mặt, tuỳ theo chỗ đứng của người quan sát. Nếu chúng ta đứng ở chỗ Nhân khởi lên cái khác là Quả, thì đó là Lý Duyên Khởi. Nếu chúng ta đứng ở chỗ Quả thì nói Quả do nhiều Nhân sinh ra, thì đây là Pháp Duyên Sinh.

Tóm lại Duyên Khởi là đứng ở chỗ Nhân mà nói. Còn Duyên Sinh là đứng ở Quả nói do nhiều duyên sinh ra.

 

KHÁI QUÁT LÝ DUYÊN KHỞI

Kinh ghi lại Đức Phật chứng ngộ đầu tiên về con người trong một đêm. Trước hết Ngài nhận thấy con người khổ là do sanh, già, bệnh, chết, sầu bi ưu khổ não.

Nguyên nhân do đâu mà có cái khối Già chết sầu bi ưu khổ não? Là tại vì có Sanh. Do đâu có Sanh? Do Hữu. Hữu là ý muốn có mặt đời sau. Do đâu có Hữu muốn sống hoài? Do Thủ. Thủ là luôn nắm chặt, giữ chặt. Do đâu có Thủ? Là do Ái. Do Thọ có Ái. Do Xúc có Thọ. Do Sáu Căn có Xúc. Do Danh Sắc có Sáu Căn. Do Thức có Danh Sắc. Do Hành có Thức. Do Vô Minh có Hành.

Sau khi tiềm năng giác ngộ kiến giải ra mười hai manh mối khiến cho con người phải chịu luân hồi sanh tửĐức Phật bắt đầu chánh tư duy về những điều này.

– Vào canh Một, Đức Phật chiêm nghiệm Lý Duyên Khởi theo chiều xuôi:  Do duyên Vô Minh khởi sinh Hành, nghĩa là vì Vô Minh, nên con người mới khởi ra Hành, Hành là trạng thái tâm hay tâm sởVô Minh là “nhân” là “điều kiện” sinh ra “quả” là Hành. Do Hành khởi sinh Thức. Khi con người chết đi thì Thức (tử Thức) thoát ra khỏi xác thân, tuỳ nghiệp mà tái sanh vào một thân mới, khởi đầu là Danh Sắc. Do Danh Sắc khởi sinh Sáu Xứ hay Sáu Căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý). Sáu Căn này tiếp xúc với hiện tượng thế gian nên khởi lên Xúc.  Do Xúc khởi sinh Thọ. Khi có Thọ thì khởi lên lòng ham muốn là Ái. Khi có Ái thì muốn giữ chặt tức là khởi lên Thủ. Khi có Thủ thì khởi lên ý muốn được sống mãi trong đời này hay đời sau nên khởi Hữu. Vì có Hữu nên khởi lên động lực đưa tới tái sanh. Do Sanh thì sẽ có Lão Tử, có sầu bi ưu khổ não. Đó là các yếu tố cấu thành đau khổ gọi là Khổ uẩn.

– Sang canh Hai, Đức Phật lý luận Duyên Khởi theo chiều ngược. Nghĩa là “do cái này không có mặt, cái kia không có mặt, do cái này diệt, cái kia diệt”. Như vậy nếu con người hoàn toàn ly tham, có trí hiểu rõ về bản thể thế gian là Vô Thường, Khổ, Vô Ngã; có trí hiểu rõ về nghiệp báo, về luân hồi, về Lý Duyên khởi thì không còn Vô Minh nữa. Tận diệt Vô Minh đưa đến tận diệt Hành. Tận diệt Hành đưa đến tận diệt Thức. Tận diệt Thức đưa đến tận diệt Danh Sắc. Tận diệt Danh Sắc thì Sáu Căn diệt. Tận diệt Sáu Căn thì Xúc diệt. Tận diệt Xúc thì Thọ diệt. Tận diệt Thọ thì Ái diệt. Tận diệt Ái thì Thủ diệt. Tận diệt Thủ thì Hữu diệt. Tận diệt Hữu thì Sanh diệt. Tận diệt Sanh thì lão tử, sầu, bi, khổ, ưu, não, tận diệt. Như vậy là đoạn tận hoàn toàn hậu quả của các yếu tố gây nên đau khổ.

– Sang canh thứ Ba, Đức Phật quán chiếu Duyên Khởi theo chiều xuôi và chiều ngược một lần nữa. Sau khi hoàn tất, Ngài sắp xếp lại thành hệ thống cả hai chiều xuôi và ngược: “Do cái này có mặt, cái kia hiện hữu. Do cái này sanh, cái kia sanh. Do cái này không có mặt, cái kia không hiện hữu. Do cái này diệt, cái kia diệt. Tức là do duyên Vô Minh có các Hành. Do duyên các Hành có Thức.. v.v… Như vậy là tập hợp của khổ uẩn này. Do đoạn diệtly thamVô Minh không có dư tàn, nên các Hành diệt. Do các Hành diệt, nên Thức diệt v.v… Như vậy là đoạn diệt của khổ uẩn này.”

Hoàn tất chứng ngộ Lý Duyên KhởiĐức Phật đạt được giác ngộ tối hậuchứng quả Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác (Pãli: Anuttara Sammà Sambodhi) là bậc đạo sư của chư Thiên và loài ngườiđồng thời được tôn xưng là vị Phật lịch sử có một không hai ở thế giới Ta Bà này. Đó là Đức Phật Thích Ca Mâu Ni.

`

 

so do 12 duyen khoi 

 

NHÂN SINH QUAN

THEO CÁI NHÌN CỦA PHẬT GIÁO

          Thuyết giảng mười hai Nhân DuyênĐức Phật chủ yếu nhắm vào nhân sinh. Khi mười hai Duyên Khởi, tức toàn bộ khổ đau tập khởi. Khi mười hai Nhân Duyên đoạn diệt đồng nghĩa với khổ đau chấm dứt.

Mười hai Nhân Duyên còn gọi là 12 mắt xích, vì Duyên này kết chặt với Duyên kia tạo thành một chuỗi nhân quả khép kín. Mặc dù xiết chặt không rời như thế, nhưng vì mỗi mắt xích này là Quả của nhiều Nhân nhiều Duyên kia, nếu Nhân thay đổi thì Duyên sẽ thay đổi. Trong đó mắt xích Vô Minh và Hành thuộc về đời Quá khứ. Tám mắt xích từ Thức đến Hữu thuộc về đời hiện tại. Mắt xích Sanh và Lão Tử thuộc về đời Tương lai.

Khi giảng về Lý Duyên Khởi Pháp Duyên SinhĐức Phật nêu lên một số đặc điểm của Duyên KhởiDuyên Sinh như sau:

1) Vô thường: Các pháp do Duyên mà sinh, cũng do Duyên mà diệt, chúng không bao giờ tồn tại độc lập, cho nên chúng luôn luôn thay đổi không cố định.

2) Hữu vi pháp: Các pháp do nhiều điều kiện lập thành được xếp là Hữu vi phápPháp Vô vi không nằm trong Duyên Khởi.

3) Duyên sinh: Pháp có mặt là do nhiều duyên sinh ra.

4) Biến hoại tánh: Bản thể của pháp là vô thường, bị ảnh hưởng của quy luật biến dịch nên sau một thời gian nào đó phải chịu hư hỏng biến hoại.

5) Biến diệt tánh: Khi Duyên này diệt đi thì Duyên kia cũng biến mất, hoặc vì chịu ảnh hưởng của quy luật biến dịch nên sau thời kỳ hư hoại thì chấm dứt để trở thành cái khác.

6) Ly tham tánh: Không còn tham ái thì cắt đứt được một trong 12 mắt xích đồng nghĩa phá vỡ vòng luân hồi.

7) Đoạn diệt tánh: Chấm dứt.

Trong 12 mắt xích, mắt xích nào cũng hội đủ 7 đặc điểm này. Nhìn trên bề mặt thì 12 mắt xích tạo nên khối khổ đè nặng con người trong 3 đời. Nhưng thực ra bản thể của nó luôn thay đổi và có thể để chấm dứt khổ, nếu chúng ta biết tu tập rời bỏ lòng tham ái, tận diệt Vô Minh.

Đức Phật nêu ra 7 đặc tính của Duyên Khởi để giúp chúng ta biết cách cắt đứt vòng xiềng xích của mười hai mắt xích để chuyển hoá khổ đau. Thế nhưng cho tới bây giờ, qua bao nhiều đời chúng sanh vẫn còn trôi lăn trong 12 mắt xích. Đó là do năng lực hùng mạnh của Nghiệp lực thúc đẩy. Vậy Nghiệp là gì? Đó là hành động, là thói quen, đa phần là xấu ác. Nó là Nhân từ nhiều đời quá khứ, bây giờ thành Quả. Quả lôi kéo thúc đẩy chúng ta mãi chìm đắm trong si mê, tăm tối, tiếp tục tác ý bất thiện đưa đến hành vilời nói bất thiện tạo thành Nghiệp, đồng thời bên dưới Tâm Phàm Phu là Lậu hoặc cũng tích luỹ từ bao nhiêu đời, cũng là cái Nhân để chúng ta tạo thêm Nghiệp. Nhắc đến hai từ Lậu hoặcchúng ta nhớ lại trong tuần lễ thứ tư, Đức Phật chứng ngộ nguyên nhân của luân hồi sinh tử là Lậu hoặc. Khi chứng ngộ Ngài chỉ đề cập đến ba loại Lậu hoặc, đó là:

1Vô Minh Lậu, 2) Dục lậu, 3) Hữu Lậu.

Sau này, khi giáo hoá Ngài đưa thêm 4) Kiến lậu, tức là cái nhìn hay quan điểm sai lầm về cuộc đờithí dụ như điều sai thì nghĩ là đúng, điều đúng thì cho là sai, cho rằng cuộc đời của mình do sự ban phát kiểm soát của thần linh hay thượng đế v.v… khiến cho những quyết định hành động đi ngược với Chân lý, sa vào mê tín dị đoan tạo Nghiệp.

Trong 12 mắt xích chúng ta thấy có mắt xích Vô Minh (lậu) cũng có thể xem là Kiến lậu vì không có trí huệ, mắt xích Ái (Dục lậu) và mắt xích Hữu (Hữu lậu). Như vậy trong 12 Nhân Duyên này hội đủ toàn bộ Lậu hoặc là nguyên nhân của khổ đau, luân hồi sinh tử, mà Đức Phật đã đưa ra khi chứng ngộ Ba Minh. Nên nói Nghiệp lực và Lậu hoặc chính là động lực tiềm ẩn thúc đẩy bánh xe Luân hồi sinh tử có thừa xăng nhớt để tiếp tục quay mãi không ngừng.

Hiện tượng thế gian (pháp) trong đó có con người, không phải lúc nào cũng đứng yên một chỗ, mà thay đổi theo “quy luật biến dịch”. Đó là “Sinh-Trụ-Hoại-Diệt-Thành”. Lúc Đức Phật chứng ngộ, Ngài chỉ nói đến “Sinh-Trụ-Diệt” nhiều khi ngắn gọn là “Sinh-Diệt”. Về sau chư Tổ thêm vào các chu kỳ khác là: “Sinh-Trụ-Hoại-Diệt-Thành”. Có khi chư Tổ cũng nói một cách khác là: “Sinh-Trụ-Hoại-Không” rồi trở thành cái khác.

so do sinh diet cua con nguoi

VŨ TRỤ QUAN

THEO CÁI NHÌN CỦA PHẬT GIÁO

Trong tuần lễ thứ bảy, khi chứng ngộ Lý Duyên Khởi, trong trạng thái định bất độngĐức Phật nhìn ngắm hiện tượng thế gian và nhận ra bốn đặc tính của hiện tượng thế gian đó là:

 
 
 

1) Tathatà của hiện tượng thế gian, gọi là Chân Như hay Như Tánh: Đó là trạng thái hoàn toàn khách quan, bất động, như vậy…của hiện tượng thế gian.

2) Avitathatà (Bất ly tánh): Tathatà của hiện tượng thế gian đó, không chia cắt được.

3) Anannathatà (Bất dị tánh): Tathatà của hiện tượng thế gian không khác nhau.

4) Idapaccayatà (Y duyên tánh): “Ida” nghĩa là riêng biệt. “Paccaya” là điều kiện. “Tà” là bản thể hay là Tánh (của hiện tượng thế gian). Có thể hiểu Idapaccayatà là: – “Điều kiện tánh riêng biệt của hiện tượng thế gian“, hay nói cách khác: – “Bản thể của hiện tượng thế gian là nương tựa nơi nhiều điều kiện mà thành lập nên gọi là Y Duyên Tánh” hay: – “Mỗi hiện tượng thế gian thành lập do nhiều điều kiện nên gọi là Y Duyên Tánh”.

Y Duyên Tánh trong thế giới hiện tượng được Đức Phật diễn tả qua bài kệ“Cái này có, cái kia có. Cái này sanh, cái kia sanh. Cái này không cái kia không. Cái này diệt cái kia diệt”. Đây là quy luật “tương quan nhân quả”. Bên trong quy luật tương quan nhân quả là “quy luật biến dịch”, là năng lượng làm thay đổi hình thể, màu sắc, sự sinh và diệt của hiện tượng thế gian.

Chúng ta thử quan sát cây phong qua bốn mùa, chúng ta sẽ thấy vào mùa Xuân cây ra lá non nhỏ màu xanh nhạt, đến mùa Hè lá xanh đậm và lớn hơn, đến mùa Thu lá chuyển thành màu vàng, và vào đầu hay giữa mùa Đông thì lá rụng hết. Khi mùa Xuân trở lại, thì lá non mới lại đâm chồi mọc ra. Đó là do bên trong thân cây chịu ảnh hưởng của quy luật biến dịch “Sanh-Trụ-Hoại-Diệt-Thành”, và đặc tánh của nó là “Vô Thường, Xung đột (để biến hoá) và Không thực chất tính (không độc lập, không tự nhiên mà có, mà do nhiều điều kiện lập thành)

Khi một hiện tượng có mặt gọi là Sinh, nó có mặt một thời gian gọi là Trụ và cuối cùng chấm dứt gọi là Diệt. Về sau chư Tổ thêm vào hai giai đoạn biến đổi nữa là Hoại và trở thành một hiện tượng khác gọi là Thành.

Tất cả mọi quá trình “Sinh-Trụ-Hoại-Diệt” của con người hay hiện tượng thế gian ở bề mặt được phân chia từng giai đoạn theo quy ước tục đế, để dễ dàng phân biệt, chứ thật ra bản thể của Sinh chính là Trụ, Sinh cũng là Hoại, Sinh cũng là Diệt. Chu kỳ Sinh của một pháp phải trải qua 4 giai đoạn: Sinh-Trụ-Hoại-Diệt rồi mới qua chu kỳ Trụ. Trong chu kỳ Trụ cũng phải trải qua đủ 4 giai đoạn Sinh-Trụ-Hoại-Diệt mới qua chu kỳ Hoại. Chu kỳ Diệt cũng vậy. Tại sao thế?

Một con người được sinh ra, nên chúng ta mới thấy sự hiện hữu của người đó trước mặtCon người đó hít hơi thở không khí vào phổi, tạo năng lượng sống. Khi thở hơi ra hay nín thở chính là lúc khiến năng lượng sống bắt đầu chết. Khi năng lượng sống mạnh và kéo dài bao lâu thì đó là Trụ trong Sinh. Khi năng lượng sống kém xảy ra trong con người đó, thì Hoại đang có mặt trong Sinh, đồng thời Hoại cũng đang có mặt trong Trụ. Khi con người hoàn toàn tắt thở không còn sự sống nữa thì qua giai đoạn Diệt tức chết đi. Vì thế trong mỗi quá trình, mỗi giai đoạn Sinh, Trụ, Hoại, Diệt đều có đủ các giai đoạn Sinh Trụ Hoại Diệt của nó, rồi mới trở thành cái khác.

Trong mười hai nhân duyên cũng thế, mỗi nhân duyên cũng có đủ các chu kỳ Sinh, Trụ, Hoại, Diệt. Từ đó mới khởi thành Duyên khác. Thí dụ Duyên Vô Minh phải trải qua các chu kỳ Sanh, Trụ, Hoại, Diệt rồi trở thành Duyên Hành. Tất cả những biến đổi của hiện tượng thế gian, nhìn chung đều do “quy luật biến dịch” thúc đẩy và nó có tính cách “tương quan nhân quả” với nhau.

Riêng về những vật vô tri vô giác thì không có Nghiệp lực mà chỉ bị ảnh hưởng của “quy luật biến dịch” mà thôi. Con người cũng luân hồi theo chu kỳ “Sinh-Lão-Bệnh-Tử”. Mỗi giai đoạn khi dài khi ngắn khác nhau và mỗi giai đoạn cũng chịu quy luật biến dịch: Sinh-Trụ-Hoại-Diệt-Thành.

Như thế qua hai định luật “Tương quan nhân quả” và “biến dịch”, chúng ta nhận thấy Đức Phật đã giải thích sự hình thành của Vũ Trụ và sự vận hành của Vũ trụ cũng như biến hoại của Vũ trụ qua hai định luật này từng sát-na. Nhờ vào đó, chúng ta thấy định luật “tương quan nhân quả” trình bày sự phát triển Nhân Duyên trải rộng trong không gian. Còn quy luật “Sinh-Trụ-Hoại-Diệt-Thành” có thể xem  như là sự biến chuyển qua thời gian.

Từ các quy luật này mới rút ra Tam Pháp Ấn đối với con người là:

1) Vô Thường, 2) Khổ, 3) Vô Ngã.

Còn hiện tượng thế gian thì:

1)Vô Thường, 2) Xung đột (để biến hoá), 3) Không thực chất tính (đôi khi các vị Tổ cũng dùng từ Vô Ngã như “Nhân Vô ngã Pháp Vô ngã”).

so do sinh diet cua vu tru

GIÁ TRỊ CỦA GIÁO LÝ DUYÊN KHỞI

Quy luật biến dịch “sinh-trụ-hoại-diệt-thành” luôn chi phối trên tất cả các pháp hữu vi trong vũ trụ không phân biệt tâm pháp hay sắc pháp, lớn hay nhỏ. Duyên SinhVô ThườngVô Ngã là Chân lý của thế gian có sẵn từ vô thuỷ vô chung nhưng không ai biết, đến khi Đức Phật thành đạochứng ngộ pháp này, mới chỉ dạy cho chúng sanh để đoạn trừ chấp ngã khổ đau.

Đức Phật xác nhận pháp Duyên Khởi mà Ngài chứng ngộ là thường pháp của thế gian. Dù Đức Thế Tôn có xuất hiện hay không thì pháp đó vẫn tồn tại ở thế gianảnh hưởng đến sự sinh diệt của tất cả vạn pháp. Ngài cũng cho biết pháp Duyên Khởi này không do Ngài đặt chế, cũng không do ai khác tạo ra. Trả lời câu hỏi về pháp này của một vị Tỳ Kheo trong pháp hộiĐức Phật đã trả lời“Pháp Duyên Khởi chẳng phải do Ta tạo ra, cũng chẳng phải do người khác tạo ra. Nhưng dù Như Lai có xuất hiện hay chưa xuất hiện ở thế gian thì pháp giới này vẫn thường trụNhư Lai tự giác ngộ pháp này, thành Đẳng Chánh Giác, vì tất cả chúng sanh mà phân biệt, diễn nói, chỉ dạy hiển bày; đó là: Cái này có nên cái kia có, cái này khởi nên cái kia khởi. Tức là do duyên vô minh nên có hành… cho đến việc tụ tập thuần một khối khổ lớn. Do vô minh diệt nên hành cũng diệt… cho đến việc thuần một khối khổ lớn tụ tập cũng bị diệt”. (Kinh Tập A Hàm, số 299)

Giáo lý Duyên Khởi giải thích đời sống của vũ trụ và đời sống của con người qua các quy luật Duyên SinhVô ThườngVô Ngã. Giữa con người và vũ trụ có sự tương quan nhân quả. Nhưng chủ yếu của Ngài nhắm vào con người để giúp con người vượt thoát những hệ lụy phiền nãođau khổ triền miên. Ngày nào con người còn bị màn Vô Minh che phủ trí tuệnuôi dưỡng dục vọng thì con người mãi mãi đau khổ. Để chấm dứt tình trạng khổ đau này Đức Phật dạy con người cần tìm hiểu giáo lý Duyên Khởihọc hỏi thông suốt đạo lý này để biết cách thoát ra khỏi vòng luân hồi sinh tử khổ đau. Đó là phải diệt mắt xích Vô Minh và cắt đứt được mắt xích Ái dục.

Một bài kệ Đức Phật đọc sau khi thành đạo, cho thấy mắt xích Vô Minh và Khát Ái chính là tác nhân khiến cho con người sống trong phiền não và đau khổ như sau: “Xuyên qua nhiều kiếp sống trong luân hồi / Như Lai thênh thang đi, đi mãi. / Như Lai đi tìm mãi mà không gặp, Như Lai đi tìm người thợ cất cái nhà này. / Lặp đi lặp lại đời sống quả thật là phiền muộn. / Này hỡi người thợ làm nhà, Như Lai đã tìm được ngươi. / Từ đây ngươi không còn cất nhà cho Như Lai nữa, / Tất cả sườn nhà đều gãy, cây đòn dông của ngươi dựng lên cũng bị phá tan. / Như Lai đã chứng quả Vô Sanh Bất Diệt và Như Lai đã tận diệt mọi Ái Dục”.

          Bài kệ này cho thấy rằng Đức Phật đã trải qua nhiều kiếp tái sinh chịu nhiều đau khổ và phiền não, vì chưa tìm được người xây nhà. Trong kiếp cuối cùng, lúc tọa thiềnan trú trong định bất động, Ngài đã kiến giải ra anh thợ xây cất nhà không ở bên ngoài, mà nằm sâu kín bên trong Ngài, đó là Ái dục. Còn cái sườn của căn nhà tự tạo ấy là những ô nhiễm như: tham, sân, si, mạn, nghi, tà kiếnphóng dật, không hỗ thẹn (tàm quý), hành động bất thiện. Cây đòn dông chịu đựng cái sườn chính là: Vô minh (nguyên nhân phát xuất mọi dục vọng). Phá vỡ cây đòn dông Vô Minh, bằng trí tuệ, là làm sập được căn nhà đang chịu nhiều đau khổ. Không có vật liệu thì anh thợ (Ái dục) đành bó tay. Ở đây, ý nói Vô Minh bị diệt nên Dục vọng tức Ái dục bị diệt. Do đó tất cả 12 mắt xích đều bị tan rã đồng nghĩa bấy giờ căn nhà hoàn toàn sạch lậu hoặc không còn nghiệp chuớng nên căn nhà chính là Đức Phật đã hoàn toàn giác ngộ giải thoát.

Trong Kinh Đại DuyênĐức Phật bảo tôn giả Ananda: “Này Ananda, chính vì không giác, không thâm hiểu giáo pháp duyên khởi này mà chúng sinh hiện tại bị rối loạn như một tổ kén, rối ren như ống chỉ, giống như cỏ munja và lau sậy babaịa, không thể nào ra khỏi khổ xứ, ác thú, đoạ xứ, sinh tử“. Qua lời này của Đức Phật, nếu con người không thông hiểu giáo pháp Duyên Khởi thì đời sống của người đó chắc chắn sẽ chìm đắm trong đau khổ không có lối thoát.

GÚT LẠI

Giáo lý Duyên Khởi từ trước đến giờ vẫn được xem là giáo lý quan trọng, là cái sườn của Phật pháp, là nền tảng của các giáo lý căn bản như: Tứ Diệu ĐếNgũ UẩnNghiệp BáoNhân QuảVô Thường, Khổ, Vô Ngã… Đạo lý Duyên Khởi này đã được chư Tổ, chư tôn thạc đức nghiên cứu không biết bao nhiêu mà kể. Hình như càng nghiên cứu, các bậc thầy càng khám phá thêm những nét đặc thù giá trị của đạo lý này. Vì thế không dễ gì với khả năng hạn hẹp của kẻ hậu học có thể trình bày một cách rốt ráo hay dẫn chứng được những điểm giá trị tột cùng của pháp Duyên Khởi. Chỉ mong bài viết này có thể giúp các bạn mới bắt đầu nghiên cứu Phật pháp có thể nhận ra và thông hiểu những điểm chính về mười hai Nhân Duyên, về định lý tương quan nhân quả “Cái này có cái kia có, Cái này sanh cái kia sanh. Cái này không cái kia không, Cái này diệt cái kia diệt”. Cũng như về quy luật “biến dịch” trong vũ trụ quan và nhân sinh quan. Đó là quy luật “sinh-lão-bệnh-tử” hay “sinh-trụ-hoại-diệt-thành” để làm tư lương căn bản tu tập.

Người viết hiểu rằng giáo lý Duyên Khởi đặc biệt giải thích về trạng thái đau khổ con người do đâu sinh ra. Tất cả là do 12 Duyên Khởi. Bằng vào tuệ giác siêu việtĐức Phật tự kiến giải, rồi khai thị cho chúng ta hiểu. Đó là một vòng tròn tuy nói là khép kín, nhưng cũng có cách để chúng ta phá vỡ nó. Chỉ cần chúng ta diệt một trong các mắt xích, mà quan trọng nhất là mắt xích Vô Minh và Ái dục thì tự động cái vòng phiền não này sẽ tan rã. Nếu chúng ta chịu tu tập theo các giáo lý mà Đức Thế Tôn đã giảng dạy thì sẽ cắt đứt được Vô Minh và Ái dục. Những giáo lý đó là Tứ Diệu ĐếNgũ UẩnNhân Quả, biết tàm quýsám hối chừa bỏ những lỗi lầm, tu theo Giới Định Huệ v.v…

Bắt đầu bước vào đạo lộ Phật pháp thật rất khó, bởi vì chúng sanh ở trong cõi dục này vốn ưa thích ái dụcham muốn ái dục, thường sống với tâm ô nhiễm tham lamsân hậnsi ámphóng dật, ít chịu thiền định để quay về bên trong hầu tận diệt tham dục. Chính Thế Tôn đã nhìn ra bản chất của chúng sanh như thế nên Ngài cũng đã phân vân trước khi mang pháp của Ngài ra giáo hoá chúng sanh. Điều này có ghi lại trong Kinh Thánh Cầu như sau: “Pháp này do Ta chứng được, thật là sâu kín, khó thấy, khó chứng, tịch tịnh, cao thượng, siêu lý luậnvi diệu, chỉ người trí mới hiểu thấu. Còn quần chúng này thì ưa ái dục, khoái ái dụcham thích ái dục. Đối với quần chúng ưa ái dục, khoái ái dụcham thích ái dục, thật khó mà thấy được định lý Idapaccàyata Paticcasamuppada (Y Tánh Duyên Khởi Pháp); sự kiện này thật khó thấy; tức là sự tịnh chỉ tất cả hành, sự trừ bỏ tất cả sanh, y, ái diệt, ly thamđoạn diệtNiết Bàn. Nếu nay Ta thuyết pháp mà các người khác không hiểu Ta, thời như vậy thật khổ não cho Ta, như vậy thật bực mình cho Ta!”.

Tuy nói là khó, nhưng như Đức Phật đã từng tuyên bố rằng các pháp của Ngài chủ yếu để hướng dẫn con người tu tập thoát khổ giác ngộ giải thoátChúng ta là con người có bộ não biết tư duy, biết chọn con đường để đi đến chỗ an vui hạnh phúcxa lìa con đường dẫn tới khổ đau. Nếu không bắt đầu đi vào đạo lộ Phật pháp thì sẽ không bao giờ tới nơi chúng ta muốn tới. Nếu không bắt đầu tu tập thì chúng ta sẽ không bao giờ chuyển đổi nhận thứcchuyển đổi Tâm Phàm Phu ô nhiễm khổ đau để an trú trong Tâm Bậc Thánh an vui thanh tịnhNếu không bắt đầu tu tập theo pháp Phật có nghĩa là chúng ta bằng lòng chấp nhận đời đời kiếp kiếp làm nô lệ cho khổ đau và mãi mãi trôi lăn trong vòng sinh tửCon đường dẫn đến hạnh phúc hay khổ đau, Đức Phật đã chỉ bày không giấu diếm. Chọn con đường nào đó là phần quyết định của chúng ta.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Thích Nữ Hằng Như

15/12/2017

  

Tài liệu:

– Dựa theo giáo trình giảng dạy các khoá Bát Nhã lớp Trung Cấp 2 của Hoà Thượng Thích Thông Triệt (Thiền Viện Tánh Không).

– “The Buddha And His Teachings”, Hoà Thượng Nãrada Maha Thera, Phạm Kim Khánh dịch. Nhà xuất bản Xuân Thu phát hành 1970.

– Kinh Đại Duyên (Kinh Trường Bộ I): Cố Hoà Thượng Thích Minh Châu dịch.

– Kinh Phật Tự Thuyết (Kinh Tiểu Bộ tập I): Cố Hoà Thượng Thích Minh Châu dịch.

– Kinh Thánh Cầu (Trung Bộ Kinh): Cố Hoà Thượng Thích Minh Châu dịch.

 

– Kinh Tạp A Hàm trong “Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh” Tập 5.  Thầy Thích Đức Thắng dịch.

Hits: 266

Website chia sẻ kiến thức , những tâm đắc về đạo Phật , cổ nhân xưa của 1 cá nhân ( không phải tổ chức , chùa ) . Mọi ý kiến đóng góp, khiếu nại xin gửi về hòm thư [email protected] . Điều khoản , nội quy

Wiki Tâm Học
Copyright 2020 @ Thiết kế bởi DragonKnightMT