Qua một chuyến du hành dài đi về đã mất 4 năm, nhà Vua rất khâm phục và yêu cầu Huyền Trang viết một tập ký để lại cho hậu thế một nguồn tài liệu vô song về địa lý, xã hội và tập quán của miền Trung Á và Ấn Độ. Tập chí này mang tên là Đại Đường Tây Vực Ký.
Tên thật của Ngài là Trần Vĩ, sanh năm 596 nhằm đời Tùy Văn Ðế Dương Kiên thứ 16 ( sau TL) tại huyện Câu Thi nay là Huyện Yêm Sư Tỉnh Hà Nam, trong một gia đình danh gia vọng tộc. Dòng họ của Trần Vĩ đều làm đến Thái thú của Bắc Ngụy, tổ phụ làm đến chức Lễ bộ Đại lang của Bắc Tề, phụ thân Trần Huệ nổi tiếng là người học thức uyên bác, mẫu thân Tống Thị qua đời lúc Ngài lên 5 tuổi. Trần Vĩ có bốn anh trai, một chị gái. Anh thứ hai lớn hơn 10 tuổi, tên Trần Tố xuất gia lam Tăng sĩ, pháp danh Trường Tiệp. Sau khi phụ thân qua đời, Trường Tiệp dẫn em đến chùa Tịnh Độ ở Lạc Dương, bắt đầu học kinh điển nhà Phật. Theo thông lệ đời nhà Vua thời đó, bất cứ ai muốn đi tu đều phải qua một cuộc thi khảo. Nếu làm thi trúng thì được một tờ chứng thư, gọi là độ điệp và lúc đó mới đủ tư cách làm Sa di.
Nhằm lúc đúng vào kỳ khảo sát, nhưng vì quá nhỏ tuổi, Trần Vĩ không được phép ứng thí, đứng trước cổng trường mà lòng bồi hồi, than tiếc! Lúc ấy, quan Chủ khảo là Trịnh Thiện Quả chợt thấy, Cậu bé cứ lảng vảng trước cổng trường mấy ngày rồi, cho nên Ông bước ra và hỏi Ngươi là con nhà ai, có phải muốn xuất gia, xuất gia làm gì? Trẩn Vĩ đáp : Kế thừa nghiệp vĩ Như Lai, phát dương Phật pháp. Nghe cậu bé con trã lời một cách phi phàm. Trịnh Thiện Quả đã phá lệ cho phép Trần Vĩ dự thi và còn nói với vị quan bên cạnh : Tụng luật sao kinh rất dễ dàng, nhưng phong cách của đứa bé này rất khó tìm được tương lai đây sẽ là tinh hoa của cửa Phật.
Từ nhỏ Trần Vĩ đã nổi danh thông minh đĩnh ngộ, sớm được thân phụ chỉ dạy những nghi thức Nho giáo. Nhất là về Phật học là môn rất ưa thích của Trần Vĩ. Nên Trần Vĩ làm bài rất trôi chãy và được phát một độ điệp để xuất gia lúc chưa tròn 14 tuổi và mang pháp danh là Huyền Trang, học đạo tại chùa Tịnh Độ đến 19 tuổi với một sư phụ có tiếng tăm Pháp hiệu là Cảnh Pháp. Sau đó bước vào những viện Phật học nổi tiếng ở các nơi trong nước để chăm chỉ nghiên cứu lý luận phật giáo. Năm 20 tuổi, Ngài có tiếng tăm trong giới phật giáo.
Do sự thông thạo về Tạng Kinh, Tạng Luật, Tạng Luận trong phật học và thụ giới Cụ Túc năm 21 tuổi. Mặc dầu đã am tường nhiều kinh sách Đại thừa. Huyền Trang vẫn thấy có nhiều chỗ giảng giải của các vị Tăng so với Kinh điển có nhiều phần không phù hợp, khiến cho người tu không biết dựa vào đâu để làm căn bản, nhất là theo nội dung của Thập Thất Ðịa Luận thì kiến giải lại có nhiều điểm bất đồng. Vì vậy đây cũng chính là lý do thúc đẩy Huyền Trang phát nguyện đi Thiên Trúc.
Tuy bị Vua ra lệnh cấm đi du hành sang Ấn Độ, nhưng Huyền Trang liều mình ra đi với niềm hy vọng sẽ tìm kiếm và nghiên cứu kinh điển để tìm hiểu cội nguồn của phật lý. Chuyến du hành đơn độc, một hành trang đơn sơ với một con ngựa già làm bạn đồng hành. Bước trên vạn dặm đường, suốt 2 năm, qua nhiều quốc gia lớn nhỏ. Trải qua nhiều khó khăn từ vật chất lẫn tinh thần. Có lúc Huyền Trang phải nhịn đói nhịn khát suốt bảy tám ngày ròng rã giữa một biển cát mênh mông, trời nắng thiêu đốt, không một bóng cây, cũng không một bóng người qua lại, chỉ thấy đống xương trắng của người và vật để lại, nhưng Huyền Trang vẫn không thay ý chí. Rồi có lần bị đói khát sắp chết, bụng tính quay trở về, để tìm chỗ xin nước uống đem theo rồi sẽ đi nữa, nhưng vừa quay ngựa trở về thì Huyền Trang lại tự nhắc mình : Đã nguyện thì phải giữ lời. Nếu qua không đến Ấn Ðộ, quyết không trở về một bước. Thà đi mà chết, còn hơn trở về để sống hèn.
Một lần khác, gặp đám người rừng ăn thịt người (Tức là bọn yêu tinh kể trong truyện Tây Du). Huyền Trang sẵn lòng hiến thân cho đám người này. Nhưng giữa lúc bàn tính chuẩn bị hành huyết, thì đột nhiên có một mưa to sét lớn xẩy ra. Đám người rừng kiếp sợ vì cho rằng trời không bằng lòng. Họ lật đật đẩy Ngài lên đường nhưng Huyền Trang khăng khăng năn nỉ, họ hãy ăn thịt của Ta đi một cách tự nhiên, không có gì phải lo sợ hết. Nếu quả thật hôm nay, các người không ăn thịt ta thì sẽ bị chết đói, rồi làm sao có thể sống tới ngày mai. Hơn nữa các người đang cần sự sống, tuy thân tôi không có nhiều thịt, nhưng cũng đủ tạm cứu đói cho các người. Nghe Huyền Trang nói hết lời chân thật. Họ cảm nhận được tấm lòng hy sinh cao thượng đó và Huyền Trang đã khuyên họ phải ăn năn sám hối, chừa thú tánh, không ăn thịt người nữa, rồi tiếp tục lên đường.
Sau một thời gian dài, vượt suối trèo non, băng sa mạc, càn rừng sâu cuối cùng Ngài đã đặt chân đến Quê hương Phật và lưu trú tại đây suốt mười một năm. Ngài đi viếng tất cả các di tích của đạo Phật và theo học đạo ở chùa Na Lan Ðà. Chùa này do Đại sư Giới Hiền (Shilabhadra) chủ trì và có hơn mười ngàn tín đồ tu học và cũng là nơi tập trung đầy đủ tất cả những kinh điển của phái Ðại Thừa, Tiểu Thừa, Kinh Phệ đà (Veda), các sách thuốc sách thiên văn, địa lý, kỹ thuật v v rất tiện nghi trong việc tham khảo cho những Tăng sinh.
Ở đây Huyền Trang chuyên học về Thập Thất Ðịa Luận và Du già Luận. Sau sáu năm tiếp thu được một số vốn học hỏi sâu rộng, Huyền Trang trở nên một trong ba người học trò giỏi nhất của vị cao tăng Giới Hiền. Huyền Trang lại từ giã Na Lan Ðà để đi du học ở các miền Ðông, Nam và Tây của Ấn Ðộ. Huyền Trang vượt sông Hằng, đi về phía Ðông, ra vịnh Băng Gan (Bengale) đến cửa bể Tâm Ra Li Ti (bây giờ là Tamluk) rồi hỏi đường thủy đi sang đảo Xri LanKa, thì người ta sợ gặp nhiều nguy hiểm, nên khuyên Huyền Trang xuống ven bờ biển vịnh Băng Gan thì sang đảo Xri LanKa sẽ tiện hơn hơn.
Huyền Trang nghe theo lời khuyên, đi đường bộ ven biển về phía Nam. Ngài đi qua các nước Ðông và Nam Ấn Ðộ như nước Cung Ngự Đàm Yết Lăng Già (Kalinga) Ma Ha Kiền Tất La (Kosala) Án Đạp La (Andàra), Ðà Na Yết Kiệt Ca (Dravida) v. v… Ðến nước nào, nghe có vị cao Tăng có thể chỉ giáo cho mình về các môn Đạo học, Triết học, Thiên văn, Địa lý v.v… thì Huyền Trang liền đến xin thụ giáo va đồng thời Huyền Tang cũng ghi chú chính xác các địa thế, sinh hoạt, phong tục của người dân bản xứ.
Khi Huyền Trang tới một làng chài nằm đối diện với đảo Xri LanKa, mướn thuyền đi qua thì người dân ở đây cho Huyền Trang biết, sau một cuộc đảo chánh trong nội phủ, dân chúng đang bị nạn đói khó và loạn lạc. Chính các vị tu sĩ ở đây cũng đang lánh nạn trên đất Ấn Ðộ và khuyên Huyền Trang đừng nên mạo hiểm. Huyền Trang đành hủy bỏ cuộc thăm viếng đảo này và tiếp tục cuộc hành trình bằng đường bộ để trở về Chùa Na Lan Ðà. Khởi nguồn từ Bắc đi xuống Nam bằng con đường dọc theo ven biển phía Ðông, giờ đây đi ngược lại từ Nam lên Bắc bằng con đường dọc theo ven biển phía Tây. Tuy là con đường vòng xa hơn, đầy nguy hiểm nhưng mục đích là đi để biết và học hỏi. Ði là chính, mà đến chỉ là phụ. Đó là lý tưỡng chung của những người đi tìm học tìm chân lý.
Trên đoạn đường dài trở về Chùa Na Lan Ðà, Huyền Trang đã đi qua những nước Yết Lăng Già (Nam Ấn Ðộ) Nam Kiền Tất La (Trung Ấn Ðộ), Lang Yết Là (cực Tây Ấn Ðộ) v.v… Sau mấy năm chu du và học hỏi khắp xứ Ấn Huyền Trang đặt chân lại Na Lan Ðà được toàn thể Tăng đồ tiếp đón rất nồng hậu và Ngài Giới Hiển vô cùng trọng nể. Vị trưởng lão này giao cho Ngài chủ trì các khóa giảng, ngoài ra còn sai Ngài giảng về Nhiếp Ðại Thừa Luận, Duy Thức Quyết Trạch Luận cho Tăng chúng cả Chùa nghe. Được nhiều lòng mến mộ của những người dân cho đến Vua quan trong các vùng khác nhau ở xứ Ấn. Lòng nhớ quê hương nhắc Huyền Trang tới giờ phải lên đường Từ giả tất cả trở về Trung Hoa với một hành trang :
– 150 Xá Lợi tử.
– 2 tượng Phật gỗ đàn tô ngân.
– 3 Tượng Phật bằng đàn hương.
– 657 bộ Kinh, chia làm 520 hiệp và mộ số bảo vật khác được các nhà Vua ban tặng.
Khi qua sông Tín độ (Indus), Huyền Trang cưởi con voi lội qua, còn Kinh sách, hành lý và đoàn hộ tống thì đi bằng thuyền lớn. Một cơn bảo lớn nổi lên, thuyền bị lay động mạnh sắp chìm , Kinh sách trong thuyền bị rơi mất hết 50 bộ, và những hạt giống, hoa quả lạ ở Ấn Ðộ cũng rơi theo. Tai nạn này đã làm Ngài Huyền Trang buồn rầu nhất trong chuyến Tây du của Ngài. Nhưng cũng may là khi ấy, đã có nhà Vua nước Già-thấp-di-la (Kapica) nghe tin Ngài sắp đến, đã đem quân ra đón Ngài ở trên bờ sông giúp Huyền Trang thoát nạn, và cho người chép lại những bộ kinh bị mất.
Trước khi nhập biên giới, Huyền Trang ghé Vu Ðiền để viết một tờ biểu, rồi nhờ người theo bọn lái buôn mang về Tràng An dâng lên Vua Ðường Thái Tông. Sở dĩ có tờ biểu ấy là vì, khi ra đi, Ngài Huyền Trang đã trái lệnh cấm của triều đình, Ngài sợ bây giờ trở về, Vua Thái Tông sẽ truy trách cái lỗi trước, nên viết biểu về vừa tạ tội, vừa có ý báo tin sự thành công của mình trong cuộc Tây du.
Ngày 24 tháng giêng năm 645 (sau TL) Trần Huyền Trang về tới Trường An được Vua phái các quan đại thần ra nghênh đón rất trọng thể. Dân chúng vừa ngạc nhiên, vừa khâm phục, vừa hiếu kỳ trước một cuộc đi vô cùng mạo hiểm mà họ chưa bao giờ tưởng tượng được, nên đã đổ xô ra các ngõ đường để được chiêm ngưỡng dung nhan của một bậc vĩ nhân đã làm vẻ vang cho nước nhà và cho nền Ðạo Pháp.
Qua một chuyến du hành dài đi về đã mất 4 năm, nhà Vua rất khâm phục và yêu cầu Huyền Trang viết một tập ký để lại cho hậu thế một nguồn tài liệu vô song về địa lý, xã hội và tập quán của miền Trung Á và Ấn Độ. Tập chí này mang tên là Đại Đường Tây Vực Ký. Sau khi yết kiến Ðường Thái Tông, Ngài trở về Tràng An vào ngày mồng 1 tháng 3 năm 645, ở Chùa Hồng Phúc lo tổ chức đại quy mô việc phiên dịch những Kinh điển mà Ngài đã mang từ Ấn Ðộ về. Ngài triệu tập một số rất Đông cao Tăng, học rộng nghe nhiều để phụ với Ngài, vì công tác sẽ rất phức tạp.
Tháng 3 năm 652, Ðường Cao Tông, dựng một tòa Tháp năm tầng ở phía Tây Chùa Từ Ân để nơi chứa Kinh điển và tượng Phật đem từ Ấn Ðộ về. Từ ngày khởi công cho đến ngày hoàn tất là hai năm, Ngài Huyền Trang đã cùng các thợ xây dựng và mọi người gánh gạch, chẻ đá từ sáng sớm, đến chiếu tối. Tiếp đó, Ngài lại dịch được thêm 10 bộ Kinh Luận nữa. Bấy giờ Ngài đã già yếu, vì đã mất sức quá độ trong cuộc Tây du và trong việc phiên dịch. Ngài thường bị đau ngực nhưng không bao giờ nghỉ việc phiên dịch và dạy học.
Tháng 2 năm 657, Vua Cao Tôn ngự đến Lạc Dương để làm lễ Hiển Khánh thứ hai và mời Ngài Huyền Trang theo tham dự. Lạc dương vốn là quê quán của Ngài và đây là lần đầu tiên Ngài được dịp về thăm quê hương sau gần 40 năm đi lưu lạc. Dòng họ của Ngài bấy giờ chỉ còn một người chị già, lấy chồng ở Doanh Châu. Chị em gặp nhau mừng tủi, không nói nên lời. Ngài nhờ chị dẫn đến mộ phần của cha mẹ, qua đời đã gần 40 năm trước trong lúc nhà Tuy đang cảnh loạn lạc. Ngài mua đất, cải táng hài cốt của cha mẹ một cách đàng hoàn.
Sau khi phiên dịch tổng cộng 75 bộ Kinh chữ Phạn, gồm 1.335 quyển, Ngài Huyền Trang nhận thấy sức lực mình đến đây đã suy nhược lắm rồi, và ngày từ giã cõi đời cũng không còn bao lâu nữa. Trưa ngày mồng 5 tháng 2 năm 664, Pháp Sư Huyền Trang gác bút ngàn thu tại chùa Ngọc Hoa. Sắc mặt Ngài vẫn hồng hào và nét mặt Ngài phản chiếu một niềm hoan lạc vô biên. Thọ 69 tuổi. Nghe tin Ngài mất, Vua Ðường Cao Tông không cầm được nước mắt, bãi triều ba ngày và nói với các quan cận thần:
“Trẫm nay mất một quốc bảo!”
Lễ an táng của Ngài cử hành vào ngày 14 tháng 4 tại Bạch Lộc Nguyên, với sự tham dự hơn 1 triệu người ở Tràng An và các miền phụ cận. Từ xưa đến nay chưa có vị Vua nào được ngưỡng mộ sùng bái bằng vị Thánh Tăng có một không hai này.
Kính Bút
TS Huệ Dân
Hits: 311