Tích Cullakāḷa ( Tiểu Hắc ) và Mahākāḷa ( Đại Hắc) – quán mục bất tịnh (tử thi)

Tích Tiểu Hắc Và Đại Hắc

“Subhānupassiṃ viharantaṃ,
Indriyesu asaṃvutaṃ;
Bhojanamhi amattaññuṃ,
Kusītaṃ hīnavīriyaṃ;
Taṃ ve pasahati māro,
Vāto rukkhaṃ’va dubbalaṃ”.

“Ai sống theo thị dục,
Các căn chẳng thu thúc,
Ăn uống vô độ điều,
Biếng lười không tận lực,
Ma thắng người ấy như,
Gió đè cây yếu sức”.

“Asubhānupassiṃ viharantaṃ,
Indriyesu susaṃvutaṃ;
Bhojanamhi ca mattaññuṃ,
Saddhaṃ āraddhavīriyaṃ;
Taṃ ve nappasahati māro,
Vāto selaṃ’va pabbatanti”.

“Ai bất tịnh quán tu,
Các căn khéo nhiếp thu,
Ăn uống có tiết độ,
Chánh tín và cần cù,
Ma chẳng thắng người ấy.
Như gió thổi sơn dầu”.

Kệ Pháp Cú 7 và 8 nầy, Đức Bổn Sư đã thuyết ra khi Ngài ngự gần thành Setabya, trong rừng Simsapa, đề cập đến hai anh em Cullakāḷa và Mahākāḷa. Cullakāḷa (Tiểu Hắc), Majjhimakāḷa (Trung Hắc) và Mahākāḷa (Đại Hắc) là ba anh em Trưởng giả ở thành Setabya. Trong ba người, anh cả và em út chuyên đi xứ xa bổ hàng trở về bằng năm trăm cỗ xe bò, người giữa ở lại xứ nhà lo việc buôn bán. Công việc hợp tác buôn bán giữa ba anh em vẫn trôi chảy đều đều như vậy, cho đến một lúc nọ sau khi chất đủ thứ hàng hóa đầy năm trăm cỗ xe bò. Hai vị thương
khách lên đường trở về thành Sāvatthī. Đến khoảng giữa đường của thành Sāvatthī và chùa Jetavana. Họ cho đoàn xe dừng lại và mở thả bò ra, nghỉ đêm tại đó.

Sáng hôm sau, Trưởng giả Mahākāḷa trông thấy các thánh Thinh Văn ở thành Sāvatthī, tay cầm hương hoa lễ vật đi nghe thuyết pháp. Trưởng giả Mahākāḷa bèn hỏi:

– Mấy người nầy đi đâu vậy?

Khi biết mục đích của cuộc hành hương. Trưởng giả Mahākāḷa nói thầm: “Ta cũng đi nữa”.

Nghĩ rồi Trưởng giả kêu em út và dặn rằng:

– Nầy em! Em hãy ở đây trông chừng đoàn xe, để anh đi nghe thuyết pháp.

Dặn em rồi, Mahākāḷa ra đi, đến đảnh lễ Đức Như Lai xong, ngồi xuống một nơi ngoài vòng cử tọa.

Ngày ấy, tùy theo trình độ của Mahākāḷa, Đức Bổn Sư đã thuyết tuần tự pháp, giảng giải kinh Khổ Uẩn và các kinh khác nữa, chỉ rành chỗ tai hại, lầm lỗi, ô nhiễm của Ngũ trần dục lạc.

Mahākāḷa nghe pháp xong tự nghĩ: “Trước sau gì con người cũng phải một lần ra đi, phủi tay bỏ hết những vật hiện hữu, một mình lẻ loi sang cảnh giới khác, của tiền, thân quyến nào có ai theo. Vậy ta còn nấn ná ở nhà làm gì? Ta nhất định sẽ xuất gia”.

Chờ cho đại chúng trong hội trường đảnh lễ Đức Bổn Sư ra về hết. Mahākāḷa đến xin Đức Bổn Sư cho mình được xuất gia.

Đức Bổn Sư bèn hỏi:

– Ông còn có ai mà phải từ giã không?

– Bạch Ngài! Con còn có đứa em trai út.

– Nếu vậy, ông hãy trở về từ giã đứa em trai út của ông đi.

– Sādhu! Bạch Ngài.

Đáp xong Mahākāḷa trở về chỗ đoàn xe, tìm gặp Cullakāḷa và bảo: “Nầy em! Em hãy nhận làm chủ hết cả tài vật nầy đi”.

– Còn anh thì sao? Thưa anh! Anh sẽ đi đâu?

– Anh sẽ đến xuất gia với Đức Bổn Sư.

Cullakāḷa viện đủ lí lẽ để anh mình từ bỏ ý định xuất gia, nhưng không được. Rốt cuộc Cullakāḷa bảo:

– Sādhu! Lành thay, xin Trưởng huynh hãy làm theo ý định.

Mahākāḷa bèn xuất gia với Đức Bổn Sư.

Kế đó, Cullakāḷa cũng xuất gia, nhưng trong tâm tính thầm rằng: “Hễ lôi kéo anh ta ra được rồi thì ta cũng sẽ hoàn tục”. Thời gian sau, Mahākāḷa thọ Cụ túc giới, tu lên bậc trên xong, bèn đến đảnh lễ Đức Bổn Sư và hỏi về hai pháp trọng yếu trong Phật giáo.

Sau khi nghe Đức Bổn Sư thuyết minh về hai pháp ấy, Mahākāḷa bạch rằng:

– Bạch Ngài! Con nay đã lớn tuổi rồi mới xuất gia, chắc không kham nổi Pháp học cho trọn đủ được, nhưng con có thể hy vọng thành tựu pháp hành Minh Sát.

Thế rồi, Tỳ khưu Mahākāḷa học lấy đề mục bất tịnh (tử thi) để niệm cho đắc quả A La Hán và thọ trì chi đầu đà ngụ nơi mộ địa (Sosanikadhutaṅga).

Lối cuối canh đầu, khi mọi người đều an giấc, Trưởng lão Mahākāḷa đi vào mộ địa hành thiền và khi mặt trời gần sáng, trước khi thiên hạ thức dậy, Trưởng lão trở về chùa.

Khi ấy, người giữ mộ địa là một phụ nữ, tên là Kāḷī, có phận sự thiêu xác chết, thấy bóng Trưởng lão Mahākāḷa thấp thoáng giữa canh khuya, khi đứng, khi ngồi, hoặc đi tới đi lui trong nghĩa địa, bèn tự hỏi: “Ai mà vào chi đây, ta phải rình coi cho biết mặt”.

Nhưng rình coi mãi cũng không thể đoán biết được người ấy là ai? Một hôm Kāḷī thắp một cây đèn treo trong nhà thiêu xác rồi dắt con trai, con gái ra núp ở một phía bên ngoài. Gần nữa đêm Kāḷī thấy Trưởng lão đi đến, bèn ra đảnh lễ Trưởng lão và hỏi:

– Bạch Ngài! Một vị Sư cao quí như Ngài mà ngụ ở chỗ nầy sao?

– Phải đó, cô tín nữ.

– Bạch Ngài, Ngài cư ngụ nơi mộ địa cần phải tuân theo một vài thủ tục.

Trưởng lão không nói: “Cô tưởng rằng ta sẽ làm theo những quy tắc của cô đưa ra hay sao?”.

Nhưng Trưởng lão chỉ hỏi:

– Nầy cô tín nữ! Tôi phải tuân hành theo những thủ tục gì?

– Bạch Ngài! Người cư ngụ nơi mộ địa cho vị trụ trì chùa mình và cho vị xã trưởng trong làng mình hay biết.

– Vì lí do nào?

– Dạ! Bởi vì bọn ăn trộm sua khi lấy được đồ, khi bị chủ nhà rượt đuổi theo, túng nước thường hay ném tang vật vào trong mộ địa để thoát thân. Bởi thế người ta mới hăm dọa những người cư ngụ trong mộ địa, nhưng nếu Ngài đã có trình báo đàng hoàng với nhà chức trách, thì khỏi lo phiền phức về sau vì đã được những người có thẩm quyền chứng nhận rằng: “Chúng tôi chứng nhận vị Đại đức nầy có khai báo
trong thời gian cư ngụ nơi đây vị nầy không phải là kẻ trộm”. Do đó mà Ngài cần trình báo với người hữu trách đúng theo thủ tục.

Trưởng lão lại hỏi:

– Ngoài ra còn phải làm gì nữa không?

– Bạch Ngài, trong thời gian cư ngụ nơi mộ địa, Ngài phải kiêng cử cả thịt, cá, mè, trứng, đường mật, bột… Ngài không được ngủ ngày, không nên lười biếng. Ngài phải luôn luôn tinh cần dũng mãnh, không có sự gian dối, phải có nhiều thiện chí.

Buổi tối chờ khi mọi người ngủ hết rồi, Ngài mới nên từ chùa đến đây. Gần sáng mọi người chưa thức dậy, Ngài nên trở về chùa.

Bạch Ngài, nếu như Ngài cư ngụ nơi đây, hành y như thế mà đạt đến mục đích tối cao của đời tu sĩ, thì hễ khi nào có tử thi mang đến vứt bỏ tại đây, tôi sẽ đem xác ấy vô nhà thiêu dùng hương hoa lễ vật cúng tế vong linh của người quá cố.

Nhược bằng Ngài không thành tựu được theo cách ấy thì tôi sẽ đặt tử thi lên giàn hỏa châm lửa đốt, lại lấy cây cọ nhồi đâm cho xì nước, rồi lôi ra ngoài dùng búa đẻo chặt đứt ra nhiều khúc ném trở vào lửa, để Ngài chứng kiến rồi lấy đó làm đề mục tham thiền.

Nghe xong, Trưởng lão đáp:

– Sādhu! Lành thay, vậy khi cô thấy có xác nào có thể làm đề mục niệm tử thi được, thì báo tin cho ta.

Sau đó, trong khi chờ đợi, Trưởng lão Mahākāḷa vẫn noi theo bổn nguyện hành Sa môn pháp ở nơi mộ địa.

Trưởng lão Cullakāḷa vốn tánh hoạt bát, hiếu động, không thích ngồi yên, chỉ tưởng nghĩ đến gia đình, thương nhớ vợ con, Trưởng lão nói thầm: “Anh ta lựa chi con đường tu hành quá khổ khắc như thế không biết”.

Khi ấy, có một thiếu phụ con nhà giàu sang vướng bịnh thình lình, sớm đau chiều chết, nên thi thể không sút kém tồi tàn.

Đầu hôm, thân quyến bạn bè của cô đưa xác cô ta vào mộ địa với củi khô, dầu và các món vật dụng để thiêu xác, rồi bảo cô giữ mộ địa: “Hãy thiêu xác nầy đi”.

Trả trước lệ phí, những người ấy giao xác cho cô giữ mộ địa.

Khi cô giữ mộ địa cởi hết y phục của thiếu phụ chết ra. Thì thấy lồ lộ nguyên cả thân hình, tròn trịa xinh xắn, một màu vàng ánh. Cô ta nghĩ ngay rằng: “Tử thi nầy là một đề mục thích ứng vừa cho ta thỉnh Trưởng lão tới quán niệm”.

Cô ta lập tức đi tìm Trưởng lão, đảnh lễ xong rồi bạch rằng:

– Tôi vừa mới được một tử thi làm đề mục niệm tốt vô cùng, xin thỉnh Ngài đến quán sát.

– Sādhu! Lành thay!

Đáp lời xong, Trưởng lão đến ngay, khiến giở lớp y phục che phủ trên tử thi và nhìn kỹ từ gót chân lên ngọn tóc. Rồi Trưởng lão bảo: “Hãy ném cái xác thân đẹp đẽ vàng ánh nầy vào lửa và khi nào lửa bắt đầu cháy xém xác thân thì hoan hỷ báo cho ta biết”.

Dặn rồi Trưởng lão trở về chỗ cũ của mình và ngồi xuống. Cô giữ mộ địa làm theo lời dặn rồi đến báo cho Trưởng lão biết. Trưởng lão đến quan sát tử thi, khi lửa bén cháy tới thịt thì xác thân trở nên màu giống như con bò cái, rồi hai chân rớt ra đánh tòn ten, hai tay rút lại cong queo, chỗ trán không còn chút da.

Trưởng lão nghĩ thầm: “Cái thi hài nầy khi nãy, ai nhìn tới ắt cũng sanh lòng thương yêu lưu luyến, mà bây giờ tiêu hoại rã tan như vậy”.

Trở về chỗ cũ, Trưởng lão ngồi xuống, quán xét thấy rõ lý hoại diệt (Khayavaya) cảm kích ngâm lên mấy câu kệ vô thường:

“Aniccā vata saṅkhārā
Uppādavayadhammino
Uppajjitvā nirujjhanti
Tesaṃ vūpasamo sukhoti”.

Lược dịch:
“Hữu vi quả thật chẳng miên trường,
Sanh diệt xưa nay vẫn sự thường.
Các pháp tự sanh rồi tự diệt,
Diệt sanh tịch tịnh mới an khương”.

Đọc xong bài kệ, Trưởng lão tăng tiến pháp Thiền Minh sát, đắc quả A La Hán với Tuệ phân tích. Lúc Trưởng lão đắc A La Hán thì Đức Bổn Sư cùng đại chúng Tỳ khưu cất bước du hành ngự đến gần thành Setabya vào tịnh cư trong rừng Siṃsapa. Mấy bà vợ của Cullakāḷa nghe đồn: “Đức Bổn Sư đã về gần đây”, bèn bàn tính với nhau: “Chúng ta sẽ bắt chồng ta trở lại mới được”, tính rồi họ cho người đi thỉnh
Đức Bổn Sư.

Theo thông lệ của chư Phật, nhà nào muốn thỉnh Phật và chư Tăng thì phải sắp đặt chỗ ngồi cho có trật tự đúng pháp, thường thì một vị sư được phái đến đó trước để chỉ biểu cách thức như vậy: Ngay chính giữa là chỗ danh dự để Đức Phật ngự một mình, phía phải là chỗ của Đại đức Sāriputta, phía tay trái là chỗ của Đại đức Moggallāna, kể từ đó sắp hai dãy ghế của chư Tăng.

Lúc ấy, Đại đức Mahākāḷa đang đứng trong chỗ để y bát, bèn bảo Trưởng lão Cullakāḷa: “Sư về đó chỉ biểu sắp đặt chỗ ngồi trước đi”.
Từ lúc người nhà trông thấy Cullakāḷa, họ bày ra chuyện trớ trêu, đem chỗ ghế thấp sắp ngay hàng đầu nơi chỗ dành riêng cho chư Đại đức và sắp những ghế cao vào các nơi những vị mới tu.

Tỳ khưu Cullakāḷa nhắc đi nhắc lại:

– Đừng làm như vậy, đừng sắp ghế thấp ở chỗ cao và ghế cao ở chỗ thấp.

Bảo đến lần thứ ba, họ đã chẳng thèm nghe mà hỏi lại:

– Chớ còn ông làm gì mà chẳng chịu ra tay sắp chỗ ngồi, cứ ở không đi tới đi lui hoài vậy? Lúc đi tu ông có từ giã ai không? Ai cho ông xuất gia? Ông về đây làm gì?

Nói rồi họ ráp nhau xé rách y trong, y ngoài của Trưởng lão Cullakāḷa, lấy thường phục màu trắng thay cho ông rồi nói:

– Bây giờ ông đi thỉnh Đức Bổn Sư đi để chúng tôi ở nhà mà sắp đặt chỗ ngồi.

Vừa mới tu lên Tỳ khưu chưa có hạ nào, kế hoàn tục vừa theo sở thích nên Cullakāḷa chẳng chút hổ thẹn, cũng không thắc mắc ngại ngùng vì lối phục sức đó.

Ông ta đi ngay đến nơi Đức Bổn Sư, đảnh lễ Ngài xong, xin rước luôn chư Tăng có Đức Phật làm chủ tọa trở về nhà.

Mấy bà vợ của Trưởng lão Mahākāḷa tính với nhau: “Hai cô nầy đã bắt được chồng họ quay trở về, chúng ta phải bắt chồng chúng ta quay trở về mới được”.

Tính rồi, mấy bà chờ chư Tăng độ ngọ xong, bèn thỉnh Đức Bổn Sư và chư Tăng ngày hôm sau, thọ thực nơi nhà của mình.

Lần nầy một vị Tỳ khưu lạ đến trước, chỉ bảo cách sắp đặt chỗ ngồi, mấy bà không có cơ hội để bắt cóc chồng cũ, bèn thỉnh Đức Phật và chư Tăng an tọa xong, dâng vật thực.

Lúc bấy giờ có đủ mặt hai bà vợ của Cullakāḷa, bốn bà vợ của Majjhimakāḷa, tám bà vợ của Mahākāḷa.

Chư Tăng vị nào muốn thọ thực trong nhà thì ngồi đó dùng, còn vị nào muốn ra ngoài thì sau khi thọ bát rồi đứng dậy ra đi. Đức Bổn Sư ngồi luôn nơi đó thọ thực.

Khi Ngài dùng xong bữa, các phụ nữ ấy bạch rằng:

– Bạch Ngài! Trưởng lão Mahākāḷa còn phải ở lại tụng kinh hồi hướng phước báu, xin cung thỉnh Ngài hoan hỷ trở về trước với chư Tăng.
Đức Bổn Sư đáp: “Sādhu!”.

Rồi Ngài ra về trước, để Trưởng lão Mahākāḷa ở lại một mình.

Về đến cổng thành, chư Tăng mới lên tiếng than phiền rằng:

– Tại sao Đức Tôn Sư làm như vậy, không biết là Ngài cố ý hay vô tình? Hôm qua cho Cullakāḷa về nhà trước đã làm hại cuộc đời tu hành của ông ta rồi. Hôm nay phái một vị Tỳ khưu lạ đến trước, nên không có sự tai hại nào xảy ra, bây giờ Đức Bổn sư lại bảo Mahākāḷa ở lại một mình và Ngài ngự ra về trước, tội nghiệp Tỳ khưu Mahākāḷa giới đức chơn chánh, không biết có bị mấy bà vợ cũ làm hư phạm hạnh, kết
liễu cuộc đời tu sĩ hay không?

Nghe chư Tăng bàn tán, Đức Bổn Sư dừng bước quay lại hỏi:

– Nầy các Tỳ khưu! Các ông đang nói chuyện gì vậy?

Chư Tăng lặp lại lời vừa nói với Đức Bổn Sư. Ngài nói:

– Nầy các Tỳ khưu! Các ông cũng tính rằng Mahākāḷa cũng bị như Cullakāḷa hay sao?

– Bạch Ngài! Đúng như vậy vì Cullakāḷa chỉ có hai vợ, còn Mahākāḷa có đến tám vợ. Nếu tám bà nầy ráp nhau vây bắt, ông ta làm sao thoát khỏi, bạch Ngài.

Đức Bổn Sư dạy rằng:

– Nầy các Tỳ khưu! Các ông chớ nên nói như thế, Cullakāḷa đã quen sống đời phóng túng, bằng thứ tư tưởng chạy theo dục lạc ngũ trần, như cây mềm yếu mọc dựa bờ sông. Trái lại con của Như lai Mahākāḷa sống không ham dục lạc, hành thiền quán bất tịnh như núi đá kiên cố không bị lay chuyển.

Nói rồi, Đức Bổn Sư ngâm hai bài kệ sau đây:

“Subhānupassiṃ viharantaṃ,
Indriyesu asaṃvutaṃ;
Bhojanamhi amattaññuṃ,
Kusītaṃ hīnavīriyaṃ;
Taṃ ve pasahati māro,
Vāto rukkhaṃ’va dubbalaṃ”.
“Asubhānupassiṃ viharantaṃ,
Indriyesu asaṃvutaṃ;
Bhojanamhi ca mattaññuṃ,
Saddhaṃ āraddhavīriyaṃ;
Taṃ ve nappasahati māro,
Vāto selaṃ’va pabbatanti”.

“Người ham khoái lạc vui đùa,
Lục căn chẳng giữ lại ưa ăn nhiều.
Biếng lười phận sự bỏ liều,
Ma vương mới dễ dắt dìu khiến sai.
Cây mềm gió lốc dễ bay,
Người hèn khó thoát khỏi tay dục tình”.
“Lục căn khôn khéo giữ gìn,
Uống ăn tiết độ vững tin pháp thiền.
Thanh bần giữ một lời nguyền,
Quán thân bất tịnh, tinh chuyên tu hành.
Như dông đụng núi đá xanh,
Ma Vương muốn thắng cũng đành bó tay”.

CHÚ GIẢI:
Subhānupassiṃ (theo thị dục): là ưa thích sự khoái lạc về thể xác, ở đây có nghĩa là buông thả tâm hồn, tư tưởng cho chạy theo đối tượng là người nữ (itthārammaṇa). Viharantaṃ (sống): là nương vào, là cần phải có, người nam nào đang ấp ủ một bóng sắc mà mình say mê, đang nắm giữ những nét kiều diễm mà mình đắm đuối, luôn miệng trầm trồ: “Móng tay đẹp quá, ngón tay đẹp quá”… hai tay, hai chân, bắp
chuối chân, ngực, háng, bụng, vú, cổ, môi, răng, miệng, mũi, mắt, tai, mày, trán, tóc đẹp quá, rồi lấy tay rờ rẫm, cầm vuốt ve… tóc, răng, móng, da đẹp rồi lấy tay rờ… màu da đẹp, dung nhan đẹp… rồi chiếm hữu giữ gìn. Như vậy gọi là chạy theo khoái lạc.

Câu “Ai sống theo thị dục” chỉ hạng người như thế.

Indriyesu (các căn): là Lục căn: nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân và ý.

Asaṃvutaṃ (chẳng thu thúc): là không gìn giữ sáu căn: Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý.

Amattaññuṃ (vô độ lượng): là không biết tri túc, không có chừng mực trong sự tìm kiếm, trong sự thọ lãnh, trong sự dùng xài.

Bhojanamhi amattaññuṃ (ăn uống vô độ): Là trong sự ăn uống không biết quán tưởng, không biết từ chối, không biết phân biệt rằng: Món thực phẩm nầy hợp lẽ đạo (dhammiko), món thực phẩm kia không hợp lẽ đạo (adhammiko).

Kusītaṃ (biếng lười): là biếng lời trong sự suy xét để thấy rõ tội lỗi ác hại của Ngũ trần dục lạc.

Hīnavīriyaṃ (kém tinh tấn): là không tấn lực, không cố gắng, thiếu sự tinh cần dũng mãnh hành trì trong bốn oai nghi.

Pasahati māro (Ma thắng): là ma vương thâu phục, lấn áp, đè nén.

Vāto rukkhaṃ’va dubbalanti (như gió đè cây yếu): là như dông to gió lớn thổi rạp những cây yếu ớt mọc ở bờ sông, dông gió ấy làm cho bông trái, lá đọt phải rơi rụng, nhánh nhỏ phải đứt đoạn, nhánh lớn phải gãy lìa, gốc rễ tróc bật lên, cả cây phải nằm chỏng gọng, gốc trở lên trời, ngọn cắm xuống đất.

Con người tu hành mà yếu đuối nhu nhược, cũng bị phiền não Ma vương quật ngã như thế ấy, những giới nhỏ của Tỳ khưu như tác ác, ác khẩu, Ưng học pháp ví như bông trái, lá, đọt, của cây, những giới vừa là Ưng xả đối trị và Ưng đối trị ví như nhánh nhỏ, mười ba giới Tăng tàng ví như những nhánh lớn. Còn bốn giới Bất cộng trụ ví như gốc rễ của cây. Người tu mà yếu hèn chịu nằm ẹp dưới quyền lực của phiền
não Ma vương để cho dục tình chi phối sai sử rồi thì bao nhiêu giới nhỏ, lớn cũng đều vi phạm và cuối cùng phải hư hỏng phạm hạnh, sa ngã là người cư sĩ bạch y, không còn dự hàng Thinh Văn đệ tử của Đức Phật nữa.

Asubhānupassiṃ (Bất tịnh quán): là quán niệm một trong mười đề bất tịnh (tử thi) hoặc niệm ba mươi hai thể trược, niệm thuận khởi đầu từ tóc là vật bất tịnh rồi đến lông, móng, răng, da, tất cả hình hài nầy là vật bất tịnh.

Viharantaṃ (tu): là tinh tấn quán niệm như trên.

Indriyesu (các căn): là sáu căn đã giải.

Susaṃvutaṃ (khéo nhiếp thu): là dứt được say mê nữ sắc, đóng chặt các cửa, không cho tâm tiếp xúc với Lục trần là sắc, thinh, hương vị, xúc, pháp.

Bhojanamhi ca mattaññuṃ (Ăn uống có tiết độ): là ăn uống có chừng mực, nghịch hẳn với sự vô tiết độ.

Saddhaṃ (Chánh tín): là có đức tin nơi nghiệp quả tương quan, đức tin của phàm nhơn gọi là phàm tín (lokiyassaddha) nhờ sự suy xét hành thiền và nhận thức được tin có ba cõi Dục, Sắc và Vô sắc. Đức tin của bậc Thánh nhân là Thánh tín (Lokuttarassaddha) nhờ được giải thoát mà tin nơi đạo quả và Niết Bàn.

Āraddhavīriyaṃ (Cần cù): là có sự tinh tấn bền bỉ, dẻo dai có nhiều nghị lực chịu được gian khổ.

Taṃ ve (Người ấy): là người giới hạnh như vậy.

Nappasahati māro (Ma không thẳng): là Ma vương không thể lấn áp, thâu phục.

Vāto selaṃ’va pabbatanti (như gió thổi núi đá): là như gió, dầu cho mạnh đến bực nào cũng không lay chuyển, đàn áp được khối đá to mà vững chắc như núi.

Cũng như thế, phiền não Ma vương không thể đàn áp, lay huyển đối với tâm tánh của người có giới đức kiên cố được.
Đại đức Mahākāḷa còn ở lại một mình, bị tám bà vợ cũ ráp lại bao vây mà hỏi:

“Ông đi tu có từ giã ai không? Bây giờ ông chịu hoàn tục hay không?”.

Hỏi rồi, tám bà ra tay lột bộ y vàng của Đại đức. Thấy tình thế nguy ngập, Đại đức vội vã đứng dậy, dùng thần thông bay lên phá trống nóc nhà thoát ra ngoài, theo đường hư không bay theo kịp Đức Bổn Sư lúc Ngài vừa đọc dứt hai kệ ngôn. Đại đức đứng ở giữa hư không, tán tụng kim thân của Đức Bổn Sư, rồi đáp xuống đất, đảnh lễ dưới chân Ngài.

Cùng lúc kệ ngôn chấm dứt, những Tỳ khưu có mặt nới đó đều chứng Tu Đà Hườn.

Dịch Giả Cẩn Đề
Tiểu Hắc tâm còn luyến thế gian,
Theo anh tạm khoác bộ y vàng.
Của đời chưa chán mùi cam chỉ,
Đường đạo nào kham bị khổ toan.
Lấp lửng chờ anh, anh bước thẳng,
Chàng ràng kiếm vợ vợ lôi ngang.
Đội hoa lại mặc đồ cư sĩ,
Chẳng tị hiềm chi chẳng hổ hang.
Đại Hắc lòng không luyến tục trần,
Mong tìm đạo quả bậc siêu nhân.
Nữa đêm đứng quán bên thi thể,
Hằng bữa ngồi tu sát mộ phần.
Thấu lẽ vô thường sanh với diệt,
Quên niềm phu phụ ái và ân.
Xem chừng tám ả vừa sanh sự,
Trổ nóc phi đằng giải thoát thân.

Sách điển từ Online – Thời Phật tại thế Tâm Học 2022 : một cuốn sách dạng webs , sưu tầm các tài liệu về Cuộc đời Đức Phật , câu chuyện tại thế và tiền kiếp. Ngoài ra sách còn tra cứu những người và cuộc đời của người đó cùng thời Phật tại thế

Hits: 42