Tích trưởng lão Xá Lợi Phất Sāriputta thuyết pháp độ mẫu thân

http://chuaxaloi.vn/thong-tin/cach-bao-hieu-phu-mau-cua-bac-thanh-toi-thuong-thanh-van-ngai-sriputta/1545.html

Đức Phật dạy rằng: “Này các thầy Tỳ khưu! Có hai người mà các thầy không thể nào đền ơn cho hết được, đó là Cha và Mẹ. Nếu có kẻ vai trái cõng cha, vai phải cõng mẹ, đi xa ngàn dặm, cung phụng đủ mọi thức ăn, đồ mặc, chăn nệm và thuốc thang, thậm chí cha mẹ có tiểu tiện, đại tiện trên vai đi nữa, cũng chưa trả được ân sâu cha mẹ. Các thầy phải biết, ân cha mẹ nặng lắm, bồng bế nuôi nấng, dưỡng dục đúng lúc, làm cho ta trưởng thành. Vì thế, mà biết ân đó khó trả. Do vậy, người con hiếu thảo muốn báo đáp công ơn cha mẹ đúng chánh pháp cần phải thực hành những việc sau đây:

– Nếu cha mẹ chưa có niềm tin, phải khuyến khích cha mẹ phát tâm tin tưởng và kính ngưỡng Tam bảo.

– Nếu cha mẹ xan tham, phải khuyến khích cha mẹ phát tâm bố thí.

– Nếu cha mẹ theo điều ác, phải khuyến khích cha mẹ hướng về đường thiện.

– Nếu cha mẹ theo tà kiến, phải khuyến khích cha mẹ trở về với chánh kiến.

Làm được như vậy là trả ơn cha mẹ đúng với chánh pháp, khiến cha mẹ không những được an vui trong hiện tại, mà còn gieo phước lành trong tương lai”.

Trong bài kinh Brahmasutta, Đức Thế Tôn có dạy rằng, cha mẹ là hai đấng có công ơn vô lượng vô biên đối với con. Nếu người con nào có hiếu thu phục năm châu bốn biển để cho cha mẹ cai trị, hưởng sự an lạc như thế là cùng tột rồi, nhưng cũng chưa gọi là đáp đền được công ơn sinh dưỡng. Bởi người ấy chỉ lo phần vật chất của cha mẹ thôi, hay có thể nói theo Phật giáo, chỉ lo cho cha mẹ kiếp hiện tại thôi. Phàm người con có hiếu phải cố gắng làm sao cho cha mẹ biết tu tập để giải thoát, hay làm sao cho cha mẹ biết thực hành bốn pháp:

1. Saddhā: Đức tin, nghĩa là tin Tam bảo, tin nơi nghiệp.

2. Cāga: Bố thí hay dứt bỏ, tức là dứt bỏ lòng tham lam, biết bố thí cúng dường (đó chính là lộ phí cho mình trong ngày vị lai).

3. Sīla: Trì giới, là giữ cho thân, khẩu, được an tịnh, không phạm vào năm điều tội ác.

4. Pañña: Trí tuệ, nghĩa là trí tuệ để quan sát thấy thân này vô thường, khổ não và vô ngã, nghĩa là có minh sát tuệ để quán tưởng thấy chán ngán thân này, không còn quyến luyến và chấp ngã vào mọi việc đời.

Nếu cha mẹ đã quá vãng thì bổn phận làm con nên cố gắng làm mọi việc phước thiện, rồi hồi hướng đến cha mẹ hàng ngày. Người con nào làm được như thế mới gọi là con có hiếu và đáp đền được công ơn sinh dưỡng của cha mẹ.

Người nào có phước mới còn cha mẹ tại tiền. Người còn có cha mẹ tại tiền trong nhà, cũng như có chư thánh nhân trong nhà vậy. Theo Đức Thế Tôn, cha mẹ có thể sánh với chư thánh nhân, bởi vậy cúng dường đến cha mẹ có phước vô lựợng vô biên, cũng như cúng dường cho các bậc A la hán vậy.

Phàm người biết công ơn cha mẹ thì phải lo cách đáp đền bằng vật chất và bằng tinh thần.

Đền đáp công ơn bằng vật chất phải thực hành như thế này là:

1. Phải hết lòng cung kính cha mẹ, không bao giờ dám nói một lời nào vô lễ, làm trái ý.

2. Phải lo phụng dưỡng cha mẹ, cung cấp vật thực, thuốc uống, y phục và chỗ ở. Phải quạt nồng đắp lạnh, sớm thăm tối viếng cha mẹ, cũng như khi ta còn nhỏ cha mẹ lo cho ta.

3. Phải lo chăm nom săn sóc cha mẹ khi có bệnh.

4. Phải bỏ việc gia đình của mình để làm việc cho cha mẹ trước, và không bao giờ nghĩ đến việc riêng của mình khi chưa làm xong công việc của cha mẹ.

Đền đáp công ơn cha mẹ về tinh thần là:

1. Gắng hết sức giữ gìn thanh danh của gia đình, không để cho người đời khinh bỉ, hơn nữa gắng làm sao thanh danh của gia đình càng ngày càng được người ca tụng.

2. Gắng làm cho mình ra người đáng thọ hưởng gia tài của cha mẹ để lại.

3. Khi cha mẹ ta không có đức tin với Tam bảo, không thọ tam quy ngũ giới, tự mình cố gắng khuyên; nếu không được, thì gắng nhờ các bậc trí thức giảng giải hộ mình hoặc chư Tăng hay các bậc đại đức thuyết pháp độ cha mẹ.

4. Ít lắm, ta cũng phải làm sao thuyết phục được cha mẹ thọ tam quy ngũ giới.

5. Dẫn dắt cha mẹ vào chùa nghe pháp, bố thí và học minh sát tuệ. Người làm tròn được những đều trên đây mới gọi là con biết yêu thương cha mẹ và báo đền được ân đức cao dày của cha mẹ.

Xin được nhắc lại câu chuyện Ngài Sāriputta báo hiếu thân mẫu mình như sau:

Một ngày nọ, Ngài Sāriputta quán xét rằng:

Chư Phật với bậc Thánh Tối thượng Thanh văn, vị nào sẽ tịch diệt Niết Bàn trước? Ngài biết rõ rằng: Bậc Thánh Tối thượng Thanh văn tịch diệt Niết bàn trước Đức Phật. Ngài quán xét về tuổi thọ của Ngài, biết rõ tuổi thọ của Ngài chỉ còn 7 ngày nữa.

Đại đức Sāriputta liền đến để đảnh lễ Đức Thế Tôn lần cuối cùng, xin phép tịch diệt Niết Bàn.

Đức Phật bèn hỏi Đại đức Sāriputta rằng:

– Này Sāriputta, con sẽ tịch diệt Niết bàn tại nơi nào?

Ngài Đại đức Sāriputta bạch với Đức Thế Tôn:

– Kính bạch Đức Thế Tôn, con sẽ tịch diệt Niết bàn tại ngôi làng Nālākagāma xứ Magadha nơi con đã sinh trưởng, đồng thời để tế độ cho thân mẫu của con. Tuy bà có bảy người con thành bậc Thánh A la hán, song bà vẫn chưa có đức tin nơi Tam bảo.

Ngài Đại đức Sāriputta cùng 500 đệ tử đảnh lễ Đức Thế Tôn, xin phép từ giã Đức Phật. Ngài trở về lại ngôi nhà, ở tại căn phòng xưa của mình. Trong đêm cuối cùng của cuộc đời, Ngài phát bệnh kiết lỵ đi ngoài, phân lẫn nhiều máu, bệnh tình rất trầm trọng. Khi ấy, bà thân mẫu của Ngài đứng nhìn qua căn phòng của Ngài, thấy lần lượt các vị Tứ Đại Thiên Vương có hào quang sáng ngời đến chiêm bái đảnh lễ Ngài lần cuối cùng, rồi lui ra. Tiếp đến, Đức vua trời Sakka từ cõi Tam Thập Tam Thiên đến chiêm bái đảnh lễ Ngài, rồi lui ra. Tuần tự các Đức vua ở cõi Dạ Ma Thiên, Đức vua cõi Đẩu Suất Đà Thiên, Đức vua cõi Hóa Lạc Thiên, Đức vua cõi Tha Hóa Tự Tại Thiên trong các cõi trời dục giới và tiếp đến chư Đại Phạm Thiên cõi trời sắc giới cũng đều đến chiêm bái đảnh lễ Ngài lần cuối cùng.

Thân mẫu của Ngài nhìn thấy chư thiên, Đại Phạm Thiên có hào quang sáng ngời, vị sau hơn vị trước, bà muốn biết những vị chư thiên ấy là vị nào, mà có lòng tôn kính con của bà đến như thế! Nên bà đến phòng của Ngài, hỏi Đại đức Cunda (con trai của bà) rằng:

– Này Cunda, các vị chư thiên nào mà có lòng tôn kính đến chiêm bái đảnh lễ sư huynh của con như vậy?

Đại đức Cunda thưa rằng:

– Thưa thân mẫu, bốn vị chiêm bái, đảnh lễ đầu tiên đó là Tứ Đại Thiên Vương.

Bà nghĩ thầm: “Tứ Đại Thiên Vương có lòng tôn kính chiêm bái, đảnh lễ con ta; con ta cao thượng như vậy sao! Nếu vậy, thì Đức Phật là Bậc Thầy của con ta chắc chắn Ngài còn cao thượng hơn nhiều”. Và bà hỏi tiếp:

– Này Cunda, còn các vị chư thiên khác là vị nào vậy?

Đại đức Cunda thưa tiếp:

– Thưa thân mẫu, kế đến là Đức vua trời Sakka từ cõi trời Tam Thập Tam Thiên, Đức vua trời Sujāma cõi trời Dạ Ma Thiên, Đức vua trời Santussita cõi trời Đẩu Suất Đà Thiên, Đức vua trời Sunimmita cõi trời Hóa Lạc Thiên, Đức vua trời Paranimmita từ cõi trời Tha Hóa Tự Tại Thiên, và tiếp đến Chư Đại Phạm Thiên từ các tầng trời sắc giới…

Nghe vậy, bà thầm nghĩ rằng: “Đại Phạm Thiên mà ta tôn kính, chư Đại Phạm Thiên ấy lại có lòng tôn kính, chiêm bái đảnh lễ con của ta, con ta cao thượng đến như vậy sao! Nếu vậy, Đức Phật là Bậc Thầy của con ta, chắc chắn Ngài còn cao thượng biết dường nào!”.

Nghĩ vậy, bà phát sinh tâm hỷ lạc chưa từng có, bà ân cần thăm hỏi bệnh tình của Ngài Sāriputta và bày tỏ ý nghĩ của mình. Ngài Đại đức Sāriputta biết đúng lúc hợp thời, nên Ngài thuyết giảng về Ân đức Phật để tế độ thân mẫu của Ngài. Sau khi lắng nghe pháp xong, bà liền chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc Nhập Lưu Thánh Đạo – Nhập Lưu Thánh Quả, trở thành bậc Thánh Nhập Lưu có đức tin trong sạch vững chắc nơi Tam bảo.

Ngài Đại đức Sāriputta suy tư rằng: “Nay ta đã đền đáp công ơn sinh thành dưỡng dục của thân mẫu”. Khi ấy, sắp rạng đông, Ngài Đại đức Sāriputta bảo Đại đức Cunda, cho truyền gọi chư Tỳ khưu đến tụ hội đông đủ, rồi đỡ Ngài ngồi dậy và Ngài dạy rằng:

– Này chư hiền giả, quý vị đã theo tôi suốt 44 năm, nếu tôi có làm điều gì, có nói lời nào làm phật lòng quý vị; nay xin quý vị hiền giả hãy bỏ lỗi cho tôi.

Chư Tỳ khưu bạch rằng:

– Kính bạch Đại đức, Ngài là vị Thầy khả kính, khả ái của chúng con; chúng con không chấp một điều gì cả; và chúng con đã theo Ngài như bóng theo hình, suốt 44 năm qua, nếu chúng con có làm điều gì, có nói lời nào làm phật lòng Ngài; thì nay kính xin Ngài từ bi tha thứ cho chúng con. Bạch Ngài.

Sau buổi lễ chân thành sám hối lẫn nhau, vào ngày rằm tháng 10 (âm lịch) Ngài Đại đức Sāriputta tịch diệt Niết Bàn, chấm dứt mọi cảnh khổ tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài, ngay khi ấy đồng thời trái đất cũng tự nhiên rùng mình chuyển động. Sau khi lễ hỏa táng thi thể Ngài Đại đức Sāriputta xong, Đại đức Cunda thỉnh Xá lợi của Ngài Sāriputta đến dâng Đức Thế Tôn tại ngôi chùa Jetavana, Đức Thế Tôn truyền dạy xây ngôi tháp tôn thờ Xá lợi Ngài Sāriputta tại kinh thành Sāvatthi.

Sách điển từ Online – Thời Phật tại thế Tâm Học 2022 : một cuốn sách dạng webs , sưu tầm các tài liệu về Cuộc đời Đức Phật , câu chuyện tại thế và tiền kiếp. Ngoài ra sách còn tra cứu những người và cuộc đời của người đó cùng thời Phật tại thế

Hits: 18